Thứ Ba, 28/03/2023, 07:08
27 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


“Phất” lên nhờ dưa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Phất” lên nhờ dưa

Phương Kiều

Bà Mai Ngọc Đào, 54 tuổi, đã có thâm niên 20 năm làm nghề buôn bán dưa hấu. Ảnh: Phương Kiều.

(TBKTSG) – Khoảng 10 năm về trước, khi ngọn gió chướng lồng lộng thổi về cũng là lúc những ghe dưa hấu tấp nập cặp vào các bến sông bán dưa Tết. Nhưng bây giờ mùa dưa hấu Tết không còn nữa vì nay dưa hấu có mặt quanh năm trên thị trường.

Trời nắng tốt dưa, trời mưa dưa cũng tốt

Chính vì dưa hấu có mặt quanh năm nên khi đề cập tới các làng dưa nổi tiếng khắp miền Nam như Cái Keo (Cà Mau), Cầu Đúc (Hậu Giang), Sóc Xoài (Kiên Giang), Ba Động (Trà Vinh)… chẳng ai trong lớp trẻ bây giờ biết được.

Những cái tên dưa mỹ miều như Hắc Mỹ Nhân, Thanh Nhàn, Tiểu Long, Hoàng Bảo, Hoàng Bảo Bảo… đã khiến những địa danh này nổi tiếng về dưa hấu trước đây. Hiện dưa tròn chỉ có mặt vào những ngày Tết để chưng cúng, còn những trái dưa dài thì làm mưa làm gió trên thị trường. Và nó đã giúp nhiều người làm giàu.

Ông Nguyễn Thành Thử, 50 tuổi, ở ấp An Bình, xã An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, cho biết trước đó ông làm ruộng trên bảy công đất nhà. “Làm giỏi lắm được chừng 8 tấn lúa/héc ta, bán được 2.500-3.000 đồng/ki lô gam. Trung bình thu chừng 3 triệu đồng/công, trừ chi phí còn lãi khoảng 1,5 triệu đồng”. Trầy trật với nắng mưa, sâu rầy, được mùa mất giá hết năm này sang tháng khác chỉ đủ ăn.

Một hôm, có một ông tiến sĩ ở trường Đại học Cần Thơ đi khảo sát vùng này, khuyên ông chuyển sang trồng dưa. Người này phân tích: đất này nằm cặp sông Hậu giàu phù sa, lại tiện lợi vận chuyển vì nằm cặp đường Nam Sông Hậu (từ Cần Thơ đi Sóc Trăng), nên trồng dưa là tốt nhất.

Với sự trợ giúp kỹ thuật của ông tiến sĩ, ông Thử lên liếp, cao chừng 4 tấc, ngang 1,1 mét. Giữa hai liếp dưa làm máng nước sâu 3 tấc, ngang 3 tấc. Trên liếp dưa, ông mua màng phủ nông nghiệp (350.000 đồng/cuộn 100 mét; 6 cuộn/công) phủ lên. Hạt giống gieo 600-1.000 hạt/công. Mỗi liếp, ông dùng cây dọi lỗ lên mặt màng phủ nông nghiệp một hàng để bỏ hạt giống. Mỗi lỗ cách nhau 4 tấc. Sau 16 ngày thì dây ra 3-4 chèo lá, cắt chừa lại một chèo. Tiếp theo là “sửa nụ”, chỉ để mỗi dây một trái. Mười ngày xịt bọ trĩ một lần.

“Trồng dưa theo kỹ thuật màng phủ nông nghiệp tiết kiệm công lao động, chỉ xịt thuốc sâu chớ không phải tưới nước. Trồng cách này mưa nắng cũng không sợ. Nước được bơm vào máng, tự ngấm vào chân liếp. Màng phủ ngăn nước mưa giúp dưa không bị “lộn ruột” – tức dưa có màu cẩm thạch vì đỏ không đều, chỗ cứng chỗ mềm, sượng”, ông Thử cho biết.

Cũng nhờ màng phủ nông nghiệp mà người dân trồng dưa ở huyện Duyên Hải (Trà Vinh) không bị ảnh hưởng bởi cơn mưa trái mùa hồi trước Tết Canh Dần. Ông Lê Tử Hoa ở ấp Cồn Ông, xã Dân Thành, huyện Duyên Hải nói: “Ông bà bảo trời nắng tốt dưa, trời mưa tốt lúa, nghĩa là trời mưa không hạp với dưa. Nhưng bây giờ mưa gió chẳng nhằm nhò gì. Mưa thì mưa, cắt bán vẫn được như thường”. Ông cho biết vụ dưa Tết Canh Dần vừa rồi ông bán được 2.800 đồng/ki lô gam, thu 12 triệu đồng/công, trừ chi phí còn 9 triệu đồng/công.

Ở các xã Long Hữu, Trường Long Hòa, Dân Thành và Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải, người ta trồng dưa Hắc Mỹ Nhân, mỗi năm hai vụ. Dưa trồng bán mùa Tết được xuống giống từ tháng 10, tháng 12 thu hoạch; ra Giêng xuống giống, tháng 3 thu hoạch. Nông dân Duyên Hải trồng dưa từ trước năm 1975. Dưa ở đây hồi đó nổi tiếng cả miền Tây vì được tưới phân tôm, phân cá nên ruột dưa đỏ thắm, thịt dưa đầy “cát”. Bốn năm gần đây, họ trồng dưa Hắc Mỹ Nhân vì có năng suất cao, mỗi dây chừa tới hai trái, mỗi trái nặng 2 ki lô gam.

Ông Thử cho biết từ khi gieo hạt đến khi thu hoạch là hai tháng. “Khoảng 10 ngày trước khi cắt dưa thì ngưng xịt thuốc sâu, để bảo đảm an toàn”. Khi thu hoạch, ông mướn 10 người cắt và gánh dưa. Tiền công cắt từ 50.000-70.000 đồng/người (từ 6 giờ sáng tới 5 giờ chiều); công gánh 80.000-120.000 đồng/tấn. Vụ dưa cuối tháng 4-2010, với bảy công dưa, ông thu được 15 tấn, bán 5.000 đồng/ki lô gam dưa tốt, 4.000 đồng/ki lô gam dưa dạt, được khoảng 52 triệu đồng, trừ mọi chi phí lãi gần 30 triệu đồng. “So với làm ruộng, trồng dưa lời gấp 4 lần”, ông Thử nói. Sau mỗi đợt trồng dưa, ông cho đất nghỉ nửa tháng, mỗi năm làm ba vụ nhằm tránh đất “làm việc” quá sức, dẫn đến năng suất thấp.

Thương lái cũng nhờ dưa

Sau khi cắt xong, chuyển dưa lên xe đưa đi tiêu thụ là việc của thương lái. Bà Mai Ngọc Đào, 54 tuổi, ở thị trấn Kế Sách, làm công việc này đã 20 năm nay. 20 năm trước, bà làm lò đường ở vàm Cái Cui, huyện Kế Sách, bị lỗ, phải dẹp tiệm. Gần Tết, thấy dưa có ăn, vợ chồng bà bèn thử thời vận và theo nghề tới giờ.

Không chỉ mua dưa quanh khu vực Kế Sách, bà Đào còn mua dưa ở Tri Tôn (An Giang), Tân Châu (Tân Biên, Tây Ninh), giáp ranh Cà Tum (Campuchia)… để đóng hàng đưa đi tiêu thụ ở Hà Nội, kể cả xuất qua Trung Quốc. Khi chuyển dưa lên xe đưa đi Hà Nội, sang Trung Quốc, bà đều nhờ cả vào tài xế. Một xe hàng đi ra Bắc giá vận chuyển 25 triệu đồng/chuyến 48 giờ đồng hồ chạy suốt. Hiện mỗi ngày bà Đào có hai xe chở dưa ra Hà Nội. Mỗi xe 25 tấn bà lãi 10 triệu đồng/100 triệu đồng vốn.

Thời gian đầu đưa dưa ra thị trường miền Bắc, bị “dội hàng”, xe nằm xếp hàng nối đuôi nhau qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) để sang Trung Quốc. Chờ mấy ngày trời, dưa úng thối, phải bỏ, lỗ 30 triệu đồng/xe. Từ đó bà rút kinh nghiệm. “Trời lạnh không đưa dưa ra Bắc và sang Trung Quốc. Còn mùa hè, nóng nực, ngoài Bắc và bên Trung Quốc đang hút dưa, chở ra bao nhiêu cũng hết”, bà Đào chia sẻ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới