(KTSG) - Tại hội nghị trực tuyến với các địa phương về hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (QHĐ8) ngày 15-4-2022, Phó thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh rằng QHĐ8 phát huy lợi thế của các địa phương nhưng phải ưu tiên lợi ích quốc gia, an ninh năng lượng và tiết kiệm chi phí đầu tư.
Tài liệu dự thảo QHĐ8 do Bộ Công Thương trình bày tại hội nghị này cho thấy sự quyết tâm của các nhà hoạch định chính sách trong việc hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết tại Hội nghị COP26.
Lộ trình giảm phát thải của ngành năng lượng Việt Nam cho thấy có sự tương đồng với thế giới, dù đang ở mức tương đối. So với tiềm năng, năng lượng tái tạo của Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển.
Điện gió và điện mặt trời là trụ cột để đạt phát thải ròng bằng 0
Báo cáo “Net Zero by 2050: A roadmap for the global energy system” của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA)(1) năm 2021 cho thấy sản xuất điện năng là hoạt động gây phát thải khí nhà kính lớn nhất, chiếm tỷ trọng 36% tổng lượng phát thải liên quan đến năng lượng. Chính vì vậy, việc chuyển hướng sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch và tái tạo được xem là vấn đề sống còn của nhân loại để cắt giảm phát thải theo Hiệp định Khí hậu Paris 2015 tại COP21.
Phân tích của IEA(2) cho thấy nếu tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam, đạt phát thải ròng bằng 0 (Net Zero Emissions) vào giữa thế kỷ này như đã cam kết tại COP26, thì nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng 1,8 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Dù đây là mức tăng trong giới hạn trên của Hiệp định Khí hậu Paris, nhưng vẫn cao hơn mục tiêu giữ giới hạn nhiệt độ tăng khoảng 1,5 độ C mà toàn cầu đang nỗ lực hướng tới. Để đạt mục tiêu giới hạn nhiệt độ tăng khoảng 1,5 độ C, tổng phát thải khí nhà kính trên toàn cầu năm 2050 phải bằng 0 (hình 1 và 2).
Báo cáo “Net Zero by 2050: A roadmap for the global energy system” chỉ ra rằng việc đạt phát thải ròng bằng 0 của ngành năng lượng toàn cầu gần như phải dựa hoàn toàn vào các nguồn năng lượng tái tạo. Cụ thể, tỷ trọng sản lượng điện từ các nguồn tái tạo chiếm đến 61% năm 2030 và đến 88% năm 2050 trong tổng sản lượng điện toàn cầu (hình 3, 4 và 5).
Lộ trình trên cũng cho thấy rằng điện gió và điện mặt trời là trụ cột để nhân loại đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 năm 2050. Trong đó, sản lượng điện gió và điện mặt trời chiếm tỷ trọng 40% năm 2030 và 68% năm 2050 trong tổng sản lượng điện toàn cầu.
Đề xuất trên của IEA dựa trên thực tế giá điện gió và điện mặt trời đã giảm sâu chỉ trong 10 năm qua. Cụ thể, giá điện mặt trời trang trại (PV) giảm đến 85%, giá điện mặt trời tập trung (CSP) giảm đến 68%, giá điện gió trên bờ giảm 56% và giá điện gió ngoài khơi giảm 48%. Giá điện gió và mặt trời trung bình trên thế giới hoàn toàn có thể cạnh tranh với giá điện từ nguồn nhiên liệu hóa thạch (dầu, khí, than). Thậm chí, giá điện mặt trời trang trại và giá điện gió trên bờ đã rẻ hơn giá điện từ nguồn nhiên liệu hóa thạch (hình 6).
Kỳ vọng vào điện gió và điện mặt trời tại Việt Nam
So với dự thảo QHĐ8 được Bộ Công Thương trình Chính phủ lần đầu vào tháng 3-2021 tại tờ trình 1682, bản dự thảo QHĐ8 mới nhất (tháng 4-2022) cho thấy điện gió được ưu tiên phát triển hơn trong những năm tới, đặc biệt là điện gió ngoài khơi (bảng 1).
Đưa ra các con số về công suất và sản lượng theo quy hoạch mới chỉ là điều kiện cần để phát triển hệ thống năng lượng quốc gia. Điều kiện đủ, có vai trò quan trọng hơn nhiều, là khung thể chế và chính sách để huy động nguồn lực cho việc thực hiện quy hoạch.
Tại dự thảo lần này, công suất điện gió ngoài khơi năm 2030 là 7.000 MW và năm 2045 là 66.500 MW, gấp 2-3 lần so với dự thảo một năm trước đó. Điện gió trên bờ cũng được đẩy mạnh phát triển hơn với dự kiến công suất năm 2045 tăng khoảng 1,4 lần so với dự thảo tháng 3-2021.
Điện mặt trời có sự thận trọng hơn khi hoàn toàn không phát triển thêm cho đến năm 2030. Tuy vậy, dự kiến công suất điện mặt trời năm 2045 tăng khoảng 1,3-1,7 lần so với dự thảo tháng 3-2021.
Về mặt sản lượng điện năng, tỷ trọng điện tái tạo chiếm 33% năm 2030 và chiếm 57% năm 2045 trong tổng sản lượng điện của Việt Nam theo dự thảo QHĐ8 mới nhất (hình 7 và 8).
Trong các sản lượng điện năng nêu trên, dự kiến tỷ trọng điện gió và mặt trời năm 2030 chiếm 16% và năm 2045 chiếm 46%.
So với đề xuất của IEA về lộ trình đạt phát thải ròng bằng 0 của ngành năng lượng toàn cầu, Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển điện gió và điện mặt trời. Dư địa này, mà đặc biệt là điện mặt trời, có thể dùng để dự phòng đầu tư trong trường hợp chậm trễ hoặc khó khăn khi xây dựng các dự án điện truyền thống theo quy hoạch. Việc huy động nguồn lực đầu tư xây dựng điện mặt trời trong một thời gian ngắn vừa qua để bổ sung khi nhiều dự án điện than bị chậm trễ là một kinh nghiệm quý báu.
Bộ Công Thương ước tính rằng với đề xuất trên, phát thải CO2 đạt cực đại vào giai đoạn 2031-2035, rồi sau đó giảm dần. Đến năm 2045, lượng phát thải CO2 là 175 triệu tấn, và đến năm 2050 giảm xuống còn khoảng 42 triệu tấn. Bộ Công Thương cũng cho rằng 42 triệu tấn CO2 còn lại này sẽ được hấp thụ để đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 sau khi cân đối toàn bộ lượng phát thải của các lĩnh vực năng lượng, quá trình công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp và chất thải.
Dù dự kiến ngành năng lượng không tự mình đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đây là con số rất đáng khích lệ vì nhiệt điện than hiện đang chiếm 50% sản lượng điện hiện nay và đóng vai trò chi phối trong việc gây phát thải khí nhà kính tại Việt Nam.
Cần nhắc lại rằng, dự thảo QHĐ8 đầu tiên hồi tháng 3-2021 dự kiến lượng phát thải CO2 năm 2045 lên đến 348 triệu tấn. Nghĩa là, dự thảo QHĐ8 lần này cho phép giảm đến 50% lượng phát thải nhờ vào việc ưu tiên các nguồn năng lượng tái tạo. Dự thảo QHĐ8 lần này cũng cho phép giảm phát thải đến 65% vào năm 2045 so với lượng phát thải 120 triệu tấn CO2 của ngành năng lượng năm 2020(6).
Việc chuyển hướng mạnh mẽ qua điện gió và điện mặt trời sẽ giúp Việt Nam củng cố an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế bền vững. Con đường này sẽ giúp Việt Nam định vị là một quốc gia hàng đầu khu vực về năng lượng tái tạo. Theo đó, Việt Nam có thể đặt mục tiêu trở thành một trung tâm sản xuất thiết bị công nghệ, cung cấp dịch vụ hậu cần, vận hành, bảo dưỡng, đào tạo, và dịch vụ tài chính năng lượng tái tạo cho cả khu vực Đông Nam Á. Đây sẽ là ngành kinh tế năng lượng sạch thúc đẩy sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Dĩ nhiên, đưa ra các con số về công suất và sản lượng theo quy hoạch mới chỉ là điều kiện cần để phát triển hệ thống năng lượng quốc gia. Điều kiện đủ, có vai trò quan trọng hơn nhiều, là khung thể chế và chính sách để huy động nguồn lực cho việc thực hiện quy hoạch.
Có thể tham khảo ý kiến của ông Steve Sawyer, cố Tổng thư ký của Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) trong báo cáo tổng kết 30 năm chính sách điện gió từ 12 thị trường khác nhau(7) để áp dụng cho việc phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0.
Ông đã chắt lọc hai điều kiện quan trọng nhất mà các quốc gia phát triển thành công điện gió, từ đó có thể liên tưởng rộng ra cho năng lượng tái tạo nói chung. “Thứ nhất, là tín hiệu rõ ràng từ Chính phủ về mục tiêu phát triển điện gió. Thứ hai, là sự minh bạch và ổn định của chính sách và khung pháp lý cho các nhà sản xuất, nhà phát triển dự án, nhà điều hành hệ thống, các nhà máy điện và nhà đầu tư hoạt động. Nếu những điều kiện này được đáp ứng, thì hầu hết những thứ còn lại tự động đâu vào đấy. Không có chúng, đó sẽ là con đường khó khăn”.
--------------
(1) https://www.iea.org/reports/net-zero-by-2050
(2) https://www.iea.org/commentaries/cop26-climate-pledges-could-help-limit-global-warming-to-1-8-c-but-implementing-them-will-be-the-key
(3) IRENA (2022), World Energy Transitions Outlook 2022: 1.5°C Pathway, International Renewable Energy Agency, Abu Dhabi.
(4) Bộ Công Thương (2021). Tờ trình 1682/TTr-BCT ngày 26/03/2021
(5) Bộ Công Thương (2022). Tài liệu phục vụ
Hội nghị trực tuyến với các địa phương về QHĐ8 ngày 15/04/2022
(6) https://thesaigontimes.vn/cop26-va-tuong-lai-nang-luong-cua-viet-nam/
(7) International Renewable Energy Agency (IRENA) and Global Wind Energy Council (GWEC) (2013). 30 Years of Policies for Wind Energy: Lessons from 12 Wind Energy Markets
Chào ngày mới với quá nhiều thông tin bổ ích và chi tiết, quá hay anh ơi, chúc anh có nhiều bài tương tự để đóng góp cho nền tảng RE của đất nước.