(KTSG Online) - Lực lượng doanh nghiệp dẫn đầu là một thước đo về sự phát triển và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Với TPHCM, dù vẫn là địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước nhưng sau 50 năm, vị trí và vai trò của thành phố đã giảm so với một số địa phương trong cả nước và chưa rút ngắn được khoảng cách với bên ngoài.
Vì vậy, thành phố cần tháo gỡ những điểm nghẽn để lực lượng doanh nghiệp phát triển tốt hơn và mang đến sự thịnh vượng cho địa phương.
- WB điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 Việt Nam xuống 5,8%
- Tăng trưởng GDP quí 1-2025 cao nhất trong vòng 5 năm qua
Vị trí nền kinh tế TPHCM đang tụt dần
Tổng quy mô nền kinh tế TPHCM luôn dẫn đầu cả nước trong 50 năm qua nhưng tốc độ tăng trưởng lại ngày càng tụt lại phía sau. Trong giai đoạn 2010 - 2024, tốc độ tăng GRDP của thành phố xếp thứ 60 cả nước, mức tăng GRDP/người xếp thứ 61, mức tăng năng suất lao động xếp thứ 60, mức tăng thu nhập/người xếp thứ 63 và mức tăng tiền lương/người xếp thứ 62.
Tỷ phần GDP của TPHCM so với cả nước từ 17,2% năm 2000, tăng lên 18,7% năm 2010 nhưng lại giảm còn 15,1% vào năm 2024. Tỷ phần thu ngân sách từ 28,6% năm 2000, tăng lên 30,8% năm 2010, giảm còn 25,5% năm 2024. Xuất khẩu từ 43,2% năm 2000, xuống 31,2% năm 2010 và còn 12,7% năm gần nhất (bảng 1).
Một số chỉ tiêu về doanh nghiệp cả nước và TPHCM

TPHCM đã xác định 4 ngành công nghiệp trọng yếu, gồm cơ khí; điện tử - công nghệ thông tin; hóa dược - cao su nhựa và chế biến lương thực - thực phẩm. Đây là những ngành được xem là có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, tạo tác động lan tỏa tích cực đến các ngành kinh tế khác. Tuy nhiên, nhìn chung, các kết quả đạt được so với bình quân chung của các nước là khá khiêm tốn.
Cùng với đó, dịch vụ là mảng được xem là thế mạnh và trọng tâm của TPHCM nhưng tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2010-2024 cũng thấp hơn bình quân của cả nước. Tỷ phần dịch vụ của thành phố so với cả nước từ 26,6% năm 2010, giảm còn 24,1% vào năm 2024. Tỷ phần của các dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính ngân hàng và viễn thông cũng giảm đáng kể trong thời gian gần đây.
Vị trí của lực lượng doanh nghiệp TPHCM
Mặc dù vẫn dẫn đầu cả nước về giá trị tuyệt đối ở nhiều chỉ tiêu nhưng quy mô và kết quả hoạt động của lực lượng doanh nghiệp TPHCM đang chậm đi một cách tương đối so với bình quân chung của cả nước (xem box). Vị trí giữa nhóm doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp niêm yết thể hiện rất rõ.
Trong danh sách Fortune 500 công bố vào tháng 6-2024, Việt Nam có 70 doanh nghiệp với 30 ở Hà Nội và 25 ở TPHCM. Trong 10 doanh nghiệp lớn nhất của Việt Nam trong Fortune 500, Hà Nội có sáu còn TPHCM có hai. Vào năm 2010, trong nhóm công ty niêm yết, nhóm có thể xem là tốt nhất trong lực lượng doanh nghiệp thì TPHCM chiếm 49,6% tổng giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán, 31,4% lợi nhuận sau thuế và 32,6% thu nhập của người lao động. Tuy nhiên, các con số năm gần nhất lần lượt là 32% giá trị vốn hóa thị trường, 34,7% lợi nhuận sau thuế, 19,3% thu nhập của người lao động và 24,3% lực lượng doanh nghiệp. Như vậy, giá trị thị trường, một trong những thước đo quan trọng nhất lại đang giảm mạnh nhất.
Thêm vào đó, so với các đô thị trung tâm trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á, khả năng cạnh tranh của lực lượng doanh nghiệp TPHCM, nhất là các doanh nghiệp dẫn đầu là khá khiêm tốn. Cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung của thành phố vẫn chưa thể thu hẹp khoảng cách với các đô thị đi trước trong khu vực.
Sáu điểm nghẽn cần tháo gỡ
Khát vọng trở thành những doanh nghiệp có khả năng cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho cả khu vực và thế giới là điều đầu tiên cần phải có đối với những doanh nhân của TPHCM. Tuy nhiên, khát vọng và mong ước của cá nhân là không đủ mà cần cả một hệ sinh thái cho sự phát triển của doanh nghiệp. Hiện tại, những điểm nghẽn liên quan đến năng lực cạnh tranh ở cấp độ vi mô, gồm chiến lược hoạt động của doanh nghiệp, trình độ phát triển cụm ngành, môi trường kinh doanh và cấp độ vĩ mô, gồm hiệu lực và hiệu quả phục vụ của chính quyền, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội là rất đáng kể.
Để tháo gỡ, điều đầu tiên là vượt qua nỗi sợ. Tuy đã là quá khứ nhưng không ít doanh nhân hiện vẫn còn sợ những tác động không mong muốn của những chính sách không rõ ràng và nhất quán đối với kinh tế tư nhân, chiến dịch phòng chống tham nhũng, sự nhũng nhiễu... Vì vậy, chống tham nhũng, thanh lọc những doanh nghiệp làm ăn không chân chính là cần thiết nhưng cùng với đó, các chính sách và định hướng của nhà nước cần rõ ràng và nhất quán để những người làm ăn đàng hoàng vượt qua nỗi sợ, không còn phải phập phồng vì lo môi trường kinh doanh “tranh tối, tranh sáng”. Việc Đảng và Nhà nước xác định vai trò của kinh tế tư nhân và dự kiến đưa các chính sách đột phá để thúc đẩy khu vực này là rất đúng và mang tính chiến lược.
Vấn đề thứ hai là sự liên kết và hợp tác giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp khá lỏng lẻo, lòng tin về việc “muốn đi xa phải đi cùng nhau” chưa được xác lập. Tôi đã trao đổi với đại diện nhiều hiệp hội doanh nghiệp khi thực hiện một phân tích về năng lực cạnh tranh của lực lượng doanh nghiệp thành phố vào năm 2024. Tất cả những người tham gia phỏng vấn và trao đổi đều cho biết là vai trò của hiệp hội đang ở mức rất sơ khai, chủ yếu tập trung và các hoạt động về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong khi những hoạt động chung cho sự phát triển của những doanh nghiệp cùng ngành là rất khiêm tốn.
Môi trường kinh doanh và sân chơi bình đẳng chưa được thiết lập là rào cản thứ ba đối với sự phát triển của lực lượng doanh nghiệp TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Trên thực tế, so với nhóm doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhóm doanh nghiệp tư nhân thường ở vị trí bất lợi nhất. Nhiều doanh nghiệp tư nhân trong nước không thể lớn là do các chi phí không chính thức và các điều kiện khác như Giáo sư David Dapice(*) đã từng chỉ ra là các doanh nghiệp tầm trung phải chịu gánh nặng lớn nhất.
Điểm thứ tư là hiệu lực và hiệu quả phục vụ của chính quyền thành phố chưa đáp ứng kỳ vọng và điều kiện cho sự phát triển của lực lượng doanh nghiệp. Có thể mổ xẻ vấn đề này ở nhiều góc độ khác nhau nhưng có thể thấy rất rõ trong những xếp hạng về hiệu quả và hiệu lực phục vụ của chính quyền thành phố ở cả trong nước (PCI, PAPI, Par Index) hay ở nước ngoài (Kearney, Innovation-cities) của TPHCM là rất khiêm tốn. Thêm vào đó, tỷ lệ ngân sách được giữ lại của TPHCM là rất thấp so với các thành phố được xem là đối thủ cạnh tranh trong khu vực và các địa phương khác.
Hạ tầng kỹ thuật của thành phố nói riêng và cả vùng (nhất là hai địa phương sẽ sáp nhập để hình thành TPHCM mới) đã có nhiều cải thiện trong nửa thập niên qua. Tuy nhiên, hiện tại hạ tầng này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu cho một nền kinh tế có khả năng cạnh tranh cao với bên ngoài, nhất là hệ thống hạ tấng kết nối các trung tâm và hạ tầng trong các đô thị lõi và hạ tầng số. Vì thế, muốn các doanh nghiệp phát triển, vấn đề này cần phải được cải thiện nhanh chóng.
Hạ tầng xã hội cũng có nhiều cải thiện. Tuy nhiên, quy mô của lực lượng lao động có kỹ năng, năng lực đổi mới sáng tạo, chất lượng của hệ thống giáo dục vẫn còn một khoảng các rất xa so với các nước trong khu vực. Cả phần cứng và phần mềm của TPHCM cần được cải thiện rất nhiều.
Tóm lại, trong 50 năm qua, lực lượng doanh nghiệp của TPHCM đã có sự phát triển rất đáng kể nhưng chưa được như kỳ vọng. Thành phố chưa có nhiều doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh toàn cầu. Cả sáu cấu phần cơ bản cho sự phát triển của các doanh nghiệp ở năng lực cạnh tranh vĩ mô và vi mô đều có những điểm nghẽn căn bản. Đây là những vấn đề mà doanh nghiệp và chính quyền, gồm Trung ương và thành phố cần phải tháo gỡ để lực lượng doanh nghiệp có thể phát triển và đóng vai trò tích cực hơn.
(*) Học giả quốc tế, Đại học Tufts; Trường Quản lý Nhà nước John F. Kennedy, Đại học Harvard