(KTSG Online) – Phát triển mô hình du lịch cộng đồng là con đường dài, cần sự hợp tác bền vững của nhiều bên để vừa tạo sinh kế cho người dân tham gia mô hình, vừa tạo lợi nhuận cho doanh nghiệp và tạo sức hút cho điểm điến của địa phương, không làm nguy hại đến văn hóa và môi trường.
Cách đây 4 năm, doanh nhân Trần Xuân Cương, Giám đốc công ty Netin Travel cùng các cộng sự thực hiện những chuyến đi đầu tiên để tìm hiểu tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại bản Còi Đá, xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình – nơi có phần lớn đồng bào người Bru – Vân Kiều sinh sống.
Tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng
Trong những năm qua, anh Cương đã cùng bà con nơi đây tìm lại và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc để phục vụ du lịch. Đến năm 2022, những cố gắng của vị doanh nhân này đã đạt được những kết quả đầu tiên. Những tour đầu tiên khám phá thiên nhiên tại hang Chà Lòi và tìm hiểu đời sống văn hóa của người Bru – Vân Kiều tại bản Còi Đá được thực hiện và thu hút sự quan tâm của du khách. Những người dân Bru – Vân Kiều đầu tiên tại đây cùng tham gia vào tour, cung cấp những sản phẩm và dịch vụ phù hợp, phần nào đó cải thiện sinh kế.
“Trong 5 năm nữa, tôi hy vọng 100% bà con tại bản Còi Đá sẽ cùng tham gia phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng với chúng tôi”, anh Cương chia sẻ tại buổi tọa đàm “Phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại Quảng Bình” diễn ra chiều ngày 3-4 tại bản Còi Đá. “Chúng tôi không chỉ phát triển những tour khám phá hang động, để du khách hòa mình vào thiên nhiên mà họ cũng phải ở với bà con, tìm hiểu văn hóa đặc sắc nơi đây. Và để làm được điều này, bản thân doanh nghiệp tự mình không thể làm được mà cần sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và các bên liên quan khác”.
Được biết Netin Travel là một trong những công ty trong thời gian gần đây phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại tỉnh Quảng Bình – nơi được cho là có nhiều tiềm năng để phát triển loại hình du lịch này với nhiều hang động đẹp, nhiều điểm đến thiên nhiên còn chưa được khai thác và cộng đồng khá lớn bà con dân tộc thiểu số.
Ông Bạch Thanh Hải, Giám đốc Ban Quản lý Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu – Khe Nước Trong (huyện Lệ Thủy) cho hay trong năm 2022 khi Động Châu – Khe Nước Trong được đưa vào hoạt động du lịch, nhiều bà con được tập huấn để phục vụ du lịch. Có những hộ gia đình đã cải tạo nhà mình thành homestay để phục vụ du khách lưu trú ở lại. Trong đó, bản Rum Ho trong khu vực này đang là điểm đến của du khách thích du lịch thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống của đồng bào Bru - Vân Kiều.
“Quảng Bình có đủ hệ sinh thái tự nhiên nhân văn để phát triển du lịch cộng đồng”, ông Đặng Đông Hà, Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình, chia sẻ tại buổi tọa đàm và cho biết thêm tỉnh Quảng Bình bắt đầu phát triển mạnh mô hình du lịch cộng đồng từ năm 2017 khi một số dự án được thí điểm hoạt động, chủ yếu tại huyện Bố Trạch. Và gần đây những điểm đến mới như hang Chà Lòi, Động Châu Khe Nước Trong đang góp phần tô điểm thêm cho bức tranh du lịch cộng đồng nơi đây. Những sản phẩm đầu tiên về du lịch cộng đồng đã được hình thành, được du khách trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn
Theo ông Hà, với tiềm năng trên, tỉnh Quảng Bình đã ban hành kế hoạch về phát triển du lịch thực sự trở ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2021 - 2025; chú trọng đến phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn dựa trên khai thác các tiềm năng, thế mạnh về du lịch của tỉnh. Cụ thể, cùng với việc khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn, địa phương quan tâm đến hoạt động phát triển các sản phẩm ngành nghề, sản phẩm OCOP phục vụ du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn; đồng thời hình thành các trang trại nghỉ dưỡng chất lượng cao, phục vụ nhu cầu khách du lịch trong và ngoài nước.
Bắt tay nhau để phát triển bền vững
Tiềm năng nhiều, nhưng đi kèm với đó là những thách thức không nhỏ. Đó là văn hóa bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực và mô hình dễ phát triển theo trào lưu, trong thời gian ngắn và không có tính bền vững vì thiếu sự liên kết.
Là người đi chụp ảnh, ghi nhận khoảnh khắc sinh hoạt của người trên khắp cả nước trong nhiều năm qua, điều mà nhiếp ảnh gia Steven Triết rút ra được là phát triển du lịch cộng đồng không nên quá tác động đến người dân. “Đừng quá thay đổi cuộc sống của họ. Đừng để khách đến cảm nhận rằng văn hóa cộng đồng không còn giữ nguyên được bản sắc”, anh Triết lấy ví dụ.
Nhận định của anh Triết cũng nhận được các ý kiến chia sẻ đáng lưu tâm của những người trong cuộc tại buổi tọa đàm.
“Đi cùng với phát triển thì cũng có những tác động nhất định đến vùng dân cư và cộng đồng”, ông Hà chia sẻ thêm những thách thức khi phát triển du lịch cộng đồng tại Quảng Bình. Vì vậy, theo ông Hà, cần có các phương án, tiêu chí để vừa có thể bảo vệ văn hóa, môi trường địa phương vừa giúp du khách giao lưu văn hóa vừa giúp tạo sinh kế bền vững cho bà con.
Đồng quan điểm với ông Hà, ông Hải phân tích thêm tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng là rất lớn. Một trong những điểm cộng của phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng động là vừa bảo vệ rừng vừa hỗ trợ lại công tác bảo vệ rừng và tạo sinh kế cho bà con/
“Phong tục bà con có từ lâu. Vì vậy để có thể phát triển mô hình này bền vững cần sự hợp tác chặt chẽ của nhiều bên. Khi mô hình này thực sự phát triển thì có thể giảm bớt áp lực vào rừng vì bà con có thêm nguồn thu khác. Bên cạnh đó, hình ảnh bà con Bru - Vân Kiều được quảng bá trên cả nước và trên thế giới”, ông Hải nói và gợi ý cần kêu gọi doanh nghiệp trong và ngoài nước, liên kết với chính quyền địa phương để đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển các mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng bền vững và tránh tình trạng chạy theo trào lưu đầu tư vài ba năm rồi bỏ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Bình, đưa ra nhận định muốn làm du lịch cộng đồng hiệu quả cần chuyển đổi nhận thức từ người dân cho đến chính quyền địa phương và doanh nghiệp.
“Tuy nhiên đây là một quá trình dài hơi, không thể thể nóng vội”, ông Kỳ nói và phân tích thêm làm du lịch cộng đồng cần phải phát triển mối quan hệ bền vững giữa các bên. Đó là doanh nghiệp đưa khách đến các điểm sinh thái du lịch, tìm hiểu thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa cộng đồng. Đó là người dân địa phương có thể sản xuất hàng hóa để phục vụ lại cho khách du lịch, kiếm thêm thu nhập.
Về vấn đề này, anh Cương từ Netin Travel cũng đồng tình rằng bản thân doanh nghiệp anh cũng thấy rằng không phể phát triển nóng vội du lịch cộng đồng mà cần có thể gian cùng với bà con để có thể bắt nhịp với mô hình này. “Đến nay, bà con có thể kiếm thêm tiền từ biểu diễn văn nghệ, dẫn khách đi du lịch, tham gia chuỗi cung cấp lương thực thực phẩm, tuy rằng chưa nhiều, nhưng là tín hiệu tích cực”, anh Cương cho hay.
Từ những nhận định trên, có thể thấy phát triển du lịch cộng đồng là con đường khó, nhưng phải đi vì mô hình này, qua thực tế chứng minh, đem lại lợi ích cho nhiều bên từ cộng đồng địa phương, đến doanh nghiệp và du khách.
Cụ thể hơn, từ mục tiêu thu hút khách của ngành du lịch Quảng Bình trong năm nay có thể thấy được tỉnh miền Trung này đang có những quan tâm nhất định cho du lịch cộng đồng.
Năm 2023, du lịch Quảng Bình đặt mục tiêu đón từ 3 - 3,5 triệu lượt khách, trong đó có 100.000 lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch đạt 3.400 - 3.900 tỉ đồng, trong đó đối với khách du lịch ngoại tỉnh sẽ tập trung quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của Quảng Bình theo các chủ đề trải nghiệm, khám phá thiên nhiên; thiên đường thể thao, nghỉ dưỡng; nơi giao thoa và tiếp biến văn hóa; du lịch nông nghiệp và du lịch cộng đồng.
Chiều ngày 2-4-2023, tại bản Còi Đá, xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đã diễn ra buổi tọa đàm “Phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại Quảng Bình” do Sài Gòn Tiếp Thị phối hợp cùng Sở Du lịch Quảng Bình và công ty Netin Travel tổ chức.
Buổi tọa đàm có sự tham gia của các diễn giả: Ông Đặng Đông Hà, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình; Ông Bạch Thanh Hải, Giám đốc Ban Quản lý Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu – Khe Nước Trong; Ông Trần Xuân Cương, Giám đốc công ty Netin Travel và nhiếp ảnh gia Steven Triết.
Ngoài ra, buổi tọa đàm còn có sự tham gia ông Nguyễn Văn Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Bình; ông Hồ Văn Thắm, già làng bản Còi Đá cùng đồng bào người Bru – Vân Kiều sinh sống tại bản Còi Đá.
Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, ban tổ chức chương trình “Top 7 Ấn tượng Việt Nam” cũng đã tiến hành trao giấy chứng nhận cho đại diện các điểm đến tại Quảng Bình được nhiều độc giả bình chọn năm 2022, bao gồm: Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu – Khe Nước Trong (huyện Lệ Thuỷ); Bản Rum Ho (huyện Lệ Thuỷ) cùng ở hạng mục “Top 7 điểm du lịch sinh thái”; Hang Va (huyện Bố Trạch) với hạng mục “Top 7 điểm du lịch có cảnh đẹp ấn tượng”.