Chủ Nhật, 6/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Phát triển duyên hải miền Trung cần cách tiếp cận theo vùng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Phát triển duyên hải miền Trung cần cách tiếp cận theo vùng

Nguyên Thanh - Thanh Tân

Phát triển duyên hải miền Trung cần cách tiếp cận theo vùng
Quang cảnh "Diễn đàn Phát triển bền vững khu vực duyên hải miền Trung tổ chức tại Hội An – Quảng Nam" sáng nay, 3-6. Ảnh: Nguyên Thanh

(TBKTSG Online) – Các diễn giả tại Diễn đàn Phát triển bền vững khu vực duyên hải miền Trung tổ chức tại Hội An – Quảng Nam sáng nay, 3-6, cho rằng khu vực này cần cách tiếp cận theo vùng thay vì phân tán nguồn lực như lâu nay. Chỉ có như thế thì miền Trung mới có thể đẩy mạnh phát triển bền vững, xoá nghèo và tận dụng được các lợi thế của mình.

Diễn đàn do Bộ Kế hoạch – Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức nhằm thảo luận các giải pháp phát triển bền vững cho khu vực duyên hải miền Trung.

Tham gia diễn đàn có Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Giám đốc WB Việt Nam Victoria Kwakwa, đại diện một số tổ chức quốc tế và lãnh đạo chín tỉnh duyên hải miền Trung từ Hà Tĩnh đến Phú Yên.

Bà Victoria Kwakwa khẳng định khu vực duyên hải miền Trung còn thiếu sự phối hợp giữa các địa phương trong quản lý tài nguyên nước và ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo bà, việc quản lý tài nguyên nước chưa có sự thống nhất, khoa học mà quản lý theo địa giới hành chính, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cũng chưa có sự thống nhất.

Bởi vậy, theo Giám đốc quốc gia của WB, khu vực miền Trung cần có “cách tiếp cận theo vùng” trong phát triển cơ sở hạ tầng, liên kết phát triển, nhất là phát triển cảng biển, sân bay, phát triển du lịch. “Cách tiếp cận theo vùng” sẽ giúp khu vực này sử dụng chung các nguồn lực để phát triển, phát huy tối đa đồng vốn đầu tư trong bối cảnh tài chính hạn hẹp.

Theo thông tin tại Diễn đàn, chỉ riêng chín tỉnh ven biển miền Trung đã có đến năm cảng hàng không, trong đó có ba cảng hàng không quốc tế, năm cảng biển loại 1, bảy cảng biển loại 2, bảy khu kinh tế…

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu các tỉnh miền Trung cần hợp tác phát triển hạ tầng dùng chung, đào tạo nguồn nhân lực và hợp tác phòng chống thiên tai.

“Hoàn thiện quy hoạch địa phương gắn với quy hoạch tổng thể vùng tạo sự liên kết chặt chẽ về không gian kinh tế; đưa ra các giải pháp cụ thể ứng phó với biến đổi khí hậu thiên tai, lũ lụt và bảo vệ môi trường ở quy mô vùng gắn với các mục tiêu chiến lược, chương trình mục tiêu quốc gia; đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao,” Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thực tế phát triển khu vực duyên hải miền Trung lâu nay cho thấy các địa phương “mạnh ai nấy làm” mà thiếu sự phối hợp, nhất là trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng vốn đòi hỏi những nguồn lực rất lớn.

Các đại biểu tại diễn đàn thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường kết nối hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế xã hội và phát triển bền vững nguồn nước gắn với phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai khu vực duyên hải miền Trung.

Các đại biểu cũng nêu ra những giải pháp về cơ chế chính sách, giải pháp về vốn đầu tư và nhân lực, giải pháp về cải cách hành chính và tăng cường hợp tác, phát triển thị trường.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần tăng cường kết nối hạ tầng giao thông, phát triển bền vững nguồn nước gắn với phòng chống giảm nhẹ rủi ro thiên tai, cũng như các hình thức liên kết cộng đồng khác để phát huy tiềm năng, phát triển kinh tế góp phần xóa đói giảm nghèo tạu khu vực.

Theo nhận định của các chuyên gia, chín tỉnh từ Hà Tĩnh đến Phú Yên là những địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, đói nghèo nên việc phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương này không bền vững. Kết quả thực hiện chương trình giảm nghèo cho thấy trên địa bàn còn gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài Đà Nẵng và Thừa Thiên – Huế, hầu hết các tỉnh đều có tỷ lệ nghèo trên 13%, cao nhất là Hà Tĩnh lên tới trên 20,7% (số liệu năm 2012).

Theo Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngoài những khó khăn về điều kiện khí hậu khắc nghiệt, địa hình phức tạp thì các tỉnh duyên hải miền Trung là vùng có nhiều lợi thế về địa kinh tế, với tài nguyên thiên nhiên phong phú về sinh vật biển, nguồn lợi hải sản, tài nguyên rừng, khoáng sản, du lịch…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới