Thứ Bảy, 29/06/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Phát triển lúa gạo bền vững: Nâng cấp chuỗi giá trị chính, đẩy mạnh sản phẩm phụ

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Để ngành lúa gạo phát triển bền vững, gia tăng thu nhập cho người nông dân, bên cạnh tối ưu chuỗi giá trị của sản phẩm chính, vấn đề khác cần đẩy mạnh là khai thác hiệu quả hơn nữa sản phẩm phụ liên quan đến ngành hàng này…

Cần củng cố chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo để phát triển bền vững. Ảnh: Trung Chánh

Diện tích sản xuất lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong những năm gần đây có sụt giảm, từ 4-4,2 triệu héc ta/năm xuống còn khoảng 3,9 triệu héc ta/năm như hiện nay. “Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã làm giảm một phần diện tích đất trồng lúa”, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục trồng trọt giải thích.

Tuy nhiên, nhờ đẩy mạnh gia tăng năng suất nên sản lượng lúa của vùng ĐBSCL giảm không đáng kể, đạt khoảng 24 triệu tấn/năm ở thời điểm hiện tại so với con số 24,5-25 triệu tấn/năm trong những năm trước đây. “Năng suất lúa trung bình 3 vụ của ĐBSCL hiện đạt 6,1 tấn/héc ta so với con số 5,2 tấn/héc ta trong những năm trước”, ông Tùng dẫn chứng.

Dù đạt kết quả nhất định trong sản xuất, nhưng việc nâng cấp chuỗi giá trị ngành lúa gạo là vấn đề cấp thiết cần thực hiện để đảm bảo phát triển ổn định, bền vững cho ngành hàng chủ lực này của ĐBSCL

Doanh nghiệp, nông dân vẫn “đường ai nấy đi”

Đánh giá chuỗi giá trị ngành lúa gạo vùng ĐBSCL, ông Tùng của Cục trồng trọt cho biết, hiện không đồng đều ở các tỉnh/thành, thậm chí có sự khác nhau giữa các địa phương trong cùng một tỉnh, tức có nơi mạnh về hệ thống thương lái, nơi mạnh về hợp tác xã…

Tuy nhiên, nhìn tổng thể của vùng ĐBSCL, theo ông, hình thức thương mại “phổ biến” nhất là nông dân bán cho thương lái, đạt xấp xỉ 50% tổng sản lượng lúa của vùng (tương đương có khoảng 12 triệu tấn lúa được nông dân bán cho thương lái); có khoảng 37,5% sản lượng lúa bán cho hợp tác xã.

Còn sản lượng lúa được nông dân bán trực tiếp cho doanh nghiệp lau bóng/xuất khẩu hiện còn khá khiêm tốn khi chiếm chỉ khoảng đạt 12,1% tổng sản lượng của toàn vùng ĐBSCL, tương đương đạt chưa đến 3 triệu tấn.

Dù chiếm số lượng khiếm tốn, nhưng vị phó cục trưởng Cục trồng trọt cho rằng, con số nêu trên vẫn “hơi cao” hay nói cách khác lượng lúa thực tế được nông dân bán trực tiếp cho doanh nghiệp còn thấp hơn. Thực tế, phần nhỏ lúa còn lại trong tổng sản lượng lúa của toàn vùng ĐBSCL được xác định là nông dân bán trực tiếp cho các nhà máy xay xát.

Với thực trạng tiêu thụ như nêu trên, rõ ràng giữa doanh nghiệp và nông dân vẫn “đường ai nấy đi”. Hay nói cách khác, việc liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp với nông dân ở vùng ĐBSCL vẫn còn rất hạn chế.

Từ việc tiêu thụ được phân thành nhiều “nhánh” (qua thương lái, qua hợp tác xã, qua doanh nghiệp), ông Tùng cho rằng, vấn đề còn lại của các bên liên quan là chọn thúc đẩy phát triển theo “nhánh” nào. “Muốn vậy, chúng ta phải có chính sách thích hợp thúc đẩy “nhánh” đó lên”, ông nhấn mạnh.

Được biết, trong đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chú trọng việc tiêu thụ lúa gạo qua hợp tác xã, có doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm. “Vấn đề của chúng ta là bằng cách nào đó cải thiện chuỗi giá trị lúa cho từng địa phương, từng tỉnh dựa vào khung chính sách để phát triển, đẩy mạnh lên”, ông nhấn mạnh.

Cần khai thác hiệu quả rơm thay vì đốt bỏ gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Trung Chánh

Khai thác hiệu quả sản phẩm liên quan lúa gạo

Bên cạnh nâng cấp, hoàn thiện chuỗi giá trị của ngành hàng lúa gạo, vấn đề quan trọng hiện nay để nâng cao thu nhập cho người nông dân là khai thác hiệu quả chuỗi giá trị liên quan ngành lúa gạo.

Ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thuận Tiến cho biết, sau mỗi vụ thu hoạch, rơm bị đốt bỏ là giải pháp được nông dân trong hợp tác xã lựa chọn. “Bà con nông dân giải thích đốt rơm là để tiêu diệt mầm bệnh còn sót lại hoặc hột cỏ sau thu hoạch còn rơi trên đồng”, ông cho biết.

Theo ông Khải, việc thiếu máy móc thiết bị thu gom rơm hay chi phí thuê dịch vụ đưa rơm về đến nhà để đậy vườn cây ăn trái quá cao (khoảng 1,5-2 triệu đồng/héc ta) cũng khiến nông dân chọn giải pháp đốt bỏ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hùng, Chuyên gia khoa học cao cấp của Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) cho biết, có rất nhiều lý do dẫn đến việc nông dân chọn giải pháp đốt rơm, bao gồm thời gian quay vòng ngắn giữa hai vụ sản xuất liên tiếp, giữa vụ đông xuân và hè thu chỉ hơn 10 ngày đã xuống giống; thiếu dịch vụ/máy thu gom rơm; giá bán rơm tại ruộng quá thấp, chỉ khoảng 300.000-600.000 đồng/héc ta; vấn đề hậu cần, tức chi phí vận chuyển cao; thị trường cho rơm còn thấp.

Ngoài ra, việc thiếu nhận thức/kiến thức hạn chế về ô nhiễm; thiếu lựa chọn sử dụng rơm để sản xuất các sản phẩm khác; hành vi tập quán của nông dân, tức đốt rơm để làm sạch đồng ruộng… cũng là những nguyên nhân khiến nông dân chọn giải pháp đốt bỏ thay vì tái sử dụng.

Ông Tùng của Cục trồng trọt cho biết, tổng lượng rơm rạ hàng năm của vùng ĐBSCL là khoảng khoảng 24 triệu tấn, nhưng hiện chỉ thu gom di chuyển ra khỏi đồng ruộng chỉ khoảng 7 triệu tấn, tức chiếm chỉ khoảng 30%. Trong đó, vụ đông xuân di chuyển rơm ra khỏi đồng ruộng khoảng 35%; vụ hè thu khoảng 25% và thu đông là 21%. “Đây là số liệu điều tra của IRRI tại Việt Nam với 10.000 hộ nông dân tại 12 địa phương ĐBSCL trước khi xây dựng đề án 1 triệu héc ta”, ông nói.

Từ thực trạng nêu trên cho thấy, có khoảng 70% rơm rạ ở ĐBSCL được nông dân xử lý bằng biện pháp đốt bỏ hoặc cày vùi trong đất. Điều này cho thấy, nông dân không chỉ đã lãng phí về tài nguyên mà còn gây ra những tác hại đáng kể cho môi trường.

Ông Hùng của IRRI cho rằng, nếu tận dụng nguồn rơm để sản xuất ra những sản phẩm liên quan sẽ đem lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho người nông dân và ngành nông nghiệp như: dùng để trồng nấm rơm, thức ăn cho bò, đệm lót sinh học, năng lượng hay dùng làm các sản phẩm công nghiệp…

Ở góc nhìn của doanh nghiệp, ông Phan Văn Tâm, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần phân bón Bình Điền cho biết, rơm có thể tận dụng để tạo ra hàng loạt sản phẩm khác nhau, góp phần mang lại giá trị cao hơn cho ngành hàng lúa gạo. “Thậm chí, ở một số nước, rơm được lấy để làm thành lượt chải đầu, bàn chải đánh răng và dao cạo râu”, ông dẫn chứng và cho rằng, đây là cơ hội mới cho doanh nghiệp để gia tăng giá trị lúa gạo.

Theo ông Tâm, hiện rơm cũng được một doanh nghiệp ở Hà Nội ứng dụng làm than sinh học xuất khẩu rất tốt sang thị trường Nhật Bản. “Tôi gặp tổng giám đốc một doanh nghiệp ở Hà Nội được biết sản phẩm xuất khẩu rất tốt. Đây là cơ hội để mở rộng để phát triển giai đoạn tới”, ông nhấn mạnh.

Tuy nhiên, vấn đề được ông Khải của Thuận Tiến nhấn mạnh là, để nông dân thấy, tin tưởng hiệu quả thì cần phải có những mô hình cụ thể. “Bà con được tập huấn lý thuyết rồi, nhưng vẫn chưa dám thực hành vì phải thấy có một người nào đó, một chương trình nào thành công thì mới theo”, ông Khải nói.

Ông Tùng của Cục trồng trọt cho rằng, việc thu gom rơm là “một mũi tên trúng hai đích”, bởi vừa giúp khai thác hiệu quả sản phẩm liên quan ngành lúa gạo, vừa giúp giảm phát thải khí nhà kính như mục tiêu đề án 1 triệu héc ta đề ra, qua đó, giúp người nông dân có thêm thu nhập từ bán tín chỉ carbon.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới