Thứ Tư, 18/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Phát triển mạng lưới chuyên gia chuyển đổi số thế nào?

Đào Trung Thành(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Chuyên gia tư vấn chuyển đổi số (CĐS) cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được xác định là rất cần thiết. Việc xây dựng và điều phối một mạng lưới các chuyên gia CĐS cho doanh nghiệp cũng là nội dung quan trọng của chương trình “Phát triển mạng lưới chuyên gia tư vấn, giải pháp về chuyển đổi số doanh nghiệp” của Cục Phát triển doanh nghiệp mới đây, nhưng bằng cách nào?

Hầu như các bên tham gia buổi hội thảo “Phát triển mạng lưới chuyên gia tư vấn, giải pháp về chuyển đổi số doanh nghiệp” do Cục Phát triển doanh nghiệp, thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Dự án USAID LinkSME tổ chức hôm 10-6 vừa qua tại khách sạn Kim Đô, TPHCM đều có chung điểm thắc mắc và băn khoăn là sẽ phát triển mạng lưới chuyên gia CĐS ra sao?

Theo bản báo cáo của Cục Phát triển doanh nghiệp, chương trình hỗ trợ CĐS cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) bao gồm các hoạt động như xây dựng các công cụ số, nền tảng số, cơ sở dữ liệu CĐS cho doanh nghiệp; Xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo CĐS cho doanh nghiệp; Triển khai hỗ trợ tối thiểu cho 100 doanh nghiệp là những điển hình thành công về CĐS; Thúc đẩy phát triển các nền tảng số, phù hợp với quy mô, ngành nghề và giai đoạn phát triển của doanh nghiệp; Triển khai các hoạt động truyền thông, tạo sự lan tỏa và kết nối. Trong đó, hoạt động hình thành và điều phối Mạng lưới chuyên gia tư vấn về CĐS cho doanh nghiệp là một nội dung quan trọng của chương trình.

Mục tiêu Chương trình hỗ trợ CĐS cho SME đến năm 2025:

 

– 100% số doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về CĐS.

 

– Tối thiểu 100.000 doanh nghiệp được nhận các hỗ trợ từ Chương trình như sử dụng công cụ tự đánh giá mức độ sẵn sàng CĐS, hỗ trợ đào tạo, tư vấn, kết nối các giải pháp.

 

– Tối thiểu 100 doanh nghiệp được hỗ trợ là các thành công điển hình trong CĐS, hướng tới các doanh nghiệp sản xuất, chế biến.

Trong bối cảnh các SME phải đối mặt với những thách thức lớn từ tác động tiêu cực của dịch Covid-19, CĐS được xem là một trong những chiến lược then chốt mà các doanh nghiệp đang đẩy mạnh thực hiện nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong tình hình mới phục hồi sau đại dịch.

Theo “Báo cáo CĐS doanh nghiệp 2021: Rào cản và nhu cầu CĐS” cho thấy 60,1% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết rào cản mà họ gặp phải khi áp dụng công nghệ số là chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ còn cao.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số và thiếu thông tin về công nghệ số là hai trong số năm rào cản hàng đầu. Và như thế nhu cầu tư vấn chuyên môn từ các chuyên gia CĐS là bức thiết. Theo các chuyên gia, mặc dù nhận thức về CĐS của lãnh đạo đã được nâng cao nhưng tình trạng thiếu thông tin cần thiết để xây dựng lộ trình CĐS cũng như các tư vấn chuyên sâu về lựa chọn công nghệ khiến cho công cuộc CĐS thêm phần khó khăn.

Mục tiêu của Chương trình hỗ trợ CĐS là có tối thiểu 100 doanh nghiệp được hỗ trợ tư vấn và cả giải pháp để trở thành những điển hình thành công. Nhưng 18 tháng qua, mới chỉ có 11 doanh nghiệp nhận được hỗ trợ chuyên sâu và trong sáu tháng còn lại của năm 2022, dự kiến có thêm 50 doanh nghiệp nữa. Như vậy, so với tổng số 800.000 doanh nghiệp hoạt động hiện nay, con số này là khá nhỏ và chỉ là những mô hình mẫu để nhân rộng trong tương lai.

Người làm về chuyển đổi số thực chất là những chuyên gia tư vấn của các lĩnh vực cụ thể, trong đó có công nghệ, quản trị, marketing…, tham gia vào dự án chuyển đổi số.

Mặt khác, theo Quyết định 146/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” có một mục tiêu là hình thành mạng lưới chuyên gia CĐS quốc gia trên cơ sở liên kết 1.000 chuyên gia CĐS do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì. Ngoài ra còn có các chương trình hỗ trợ SME của Bộ Công Thương. Chưa bao giờ các doanh nghiệp SME lại được quan tâm, chăm sóc bởi các bộ ngành như thế!

Nhưng các chuyên gia trong buổi hội thảo nói trên cũng đưa ra nhiều ý kiến về các vấn đề liên quan như quyền lợi của các chuyên gia tham gia mạng lưới, hay làm thế nào để được chứng nhận là một chuyên gia CĐS. Người viết bài này cho rằng, cái gọi là “chuyên gia CĐS” chỉ là một hình thức tự phong, không hề có quy chuẩn nào để chứng nhận chuyên gia. Những người làm về “CĐS” thực chất là những chuyên gia tư vấn của các lĩnh vực cụ thể như: chiến lược, công nghệ, quản trị sản xuất, marketing và tham gia vào các dự án CĐS.

Ngoài ra, chi phí tư vấn CĐS khá cao. Chi phí trung bình cho một ngày tư vấn khoảng 200-300 đô la. Thời gian tư vấn xây dựng chiến lược, lộ trình CĐS khoảng 2-3 tháng. Như thế, chi phí một hợp đồng tư vấn ở khoảng 40.000-90.000 đô la – một con số vượt tầm với của các SME.

Chương trình LinkSME hỗ trợ 50 triệu đồng cho doanh nghiệp nhỏ và 100 triệu đồng cho doanh nghiệp vừa. Số tiền này chỉ mang tính hỗ trợ, thúc đẩy cho tất cả các giai đoạn từ đào tạo, tư vấn, triển khai giải pháp, giám sát, điều chỉnh trong công cuộc CĐS kéo dài ít nhất 2-3 năm, trung bình là 5 năm và CĐS có thể xem như một hành trình không có điểm đích, chỉ có những cột mốc (milestone) cần đạt được.

Một vấn đề khác của doanh nghiệp, đó là chưa quen với việc trả tiền tư vấn CĐS. Cách làm thông thường là các đơn vị CNTT cung cấp giải pháp và miễn phí phần tư vấn. Điều này dẫn đến sự thiếu khách quan trọng việc lựa chọn giải pháp và có thể tạo nên một món nợ công nghệ (technology debt) khó giải quyết khi doanh nghiệp bước sang các mức độ trưởng thành số (digital maturity) cao hơn.

Tóm lại, việc phát triển mạng lưới các chuyên gia là sự kết hợp của ba thành phần: chuyên gia, nhà quản lý, nhà tài trợ và doanh nghiệp. Cần chú ý hài hòa lợi ích của chuyên gia, cơ quan quản lý và nhà tài trợ, doanh nghiệp thụ hưởng. Thiếu những yếu tố này thì việc phát triển sẽ không thành công hoặc chỉ mang tính hình thức.

(*) Chuyên gia tư vấn chiến lược công nghệ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới