Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Phát triển nông nghiệp bền vững: nhìn từ hạt gạo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Phát triển nông nghiệp bền vững: nhìn từ hạt gạo

Hồng Ngọc

Cơ chế điều hành xuất khẩu gạo có tác động tới sản xuất nông nghiệp bền vững ở ĐBSCL-Ảnh: TL.

(TBKTSG Online) – Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đóng góp 50% sản lượng lúa và 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước, thế nhưng người nông dân phải chịu thiệt trong cơ chế điều hành xuất khẩu gạo hiện nay.

>>ĐBSCL: Liên kết để phát triển

>>ĐBSCL nên tận dụng thế mạnh về sản xuất nông sản

>>Dự thảo nghị định xuất khẩu gạo: chưa giải quyết gốc vấn đề

Xuất khẩu gạo bị … khuyết tật

Ông Trần Đức Tụng – người đã có 30 năm công tác trong ngành nông nghiệp chuyên theo dõi tình hình sản xuất và xuất khẩu gạo – đã dùng từ “khuyết tật” để nói về xuất khẩu gạo hiện nay. Tại hội thảo “Thực trạng và giải pháp phát triển nông nghiệp vùng ĐBSCL bền vững” tổ chức hôm 21-4 tại TPHCM, ông Tụng cho rằng vận hành xuất khẩu gạo nhằm mang lại lợi ích hợp lý, hài hòa cho nông dân, cho tất cả các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo và cho ngân sách nhà nước chính là tạo động lực cho phát triển nông nghiệp bền vững ở ĐBSCL.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam đến nay chủ yếu thông qua đầu mối là các tổng công ty lương thực nhà nước; doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần chiếm tỷ trọng không đáng kể. Không chỉ ông Tụng mà nhiều chuyên gia như giáo sư Võ Tòng Xuân, đã nhiều lần ví von cơ chế điều hành xuất khẩu gạo hiện nay tạo nên thành trì kiên cố như cơ chế quản lý thời kỳ bao cấp trước đây.

Các doanh nghiệp mạnh, độc quyền có mạng lưới chân rết kinh doanh lúa gạo rộng khắp tại các tỉnh ĐBSCL; họ áp đặt giá bán lúa gạo lên bà con nông dân và giá đó đương nhiên phải thấp hơn giá thị trường thế giới để các doanh nghiệp dễ thắng thầu xuất khẩu.

“Khi doanh nghiệp độc quyền nhà nước đã định hình được giá lúa gạo trong nước, các khách hàng nước ngoài mua gạo của Việt Nam theo hợp đồng thương mại với các công ty tư nhân vừa và nhỏ không dại gì mua giá cao, cho dù mặt bằng giá gạo thế giới cao hơn”, ông Tụng đúc kết và cho rằng đây là một tổn thất lớn.

Tuy hiện nay, dù ai cũng biết xuất khẩu gạo của Việt Nam được thực hiện bởi nhiều thành phần kinh tế, kể cả có một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhưng hai tổng công ty lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và miền Nam (Vinafood 2) chiếm thị phần khống chế, ít nhất 70-80%. Do vậy, không chỉ độc quyền “làm giá” mà mỗi khi hai tổng công ty này giảm tiến độ mua lúa gạo của bà con nông dân lập tức giá trong nước xuống thấp.

Ngân sách nhà nước vẫn đều đều hàng năm chi hỗ trợ lãi suất để các doanh nghiệp mua tạm trữ lúa gạo, xuất khẩu gạo thì bị thất thu do bán giá thấp, theo ông Tụng, hai điều đó đã làm giảm động lực sản xuất, triệt tiêu nhân lực vật lực trong xã hội đầu tư cho lưu thông lúa gạo.

An ninh lương thực cho ai?

An ninh lương thực quốc gia được Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc (FAO) quy định bao gồm đảm bảo đủ năng lượng (calo), đảm bảo đủ số lượng, đảm bảo tiếp cận (vận tải) và cuối cùng là đảm bảo thanh toán ( có đủ tiền mua lương thực) cho mọi người, trong mọi lúc, mọi nơi của quốc gia đó.

Điều làm ông Tụng và những doanh nghiệp nhỏ tham gia xuất khẩu gạo bức xúc chính là nhóm người tham gia soạn thảo văn bản đề xuất cơ chế điều hành xuất khẩu gạo và những người nắm quyền hành điều hành hạt gạo luôn tuyệt đối hóa tầm quan trọng của vấn đề an ninh lương thực. “Họ lấy cớ đảm bảo an ninh lương thực để tạo điều kiện ưu ái cho các tổng công ty nhà nước chi phối thị trường gạo. Họ biến tướng và cố duy trì cơ chế xin cho trong xuất khẩu gạo”, một doanh nghiệp không muốn nêu tên nói bên lề hội thảo.

Căn cứ theo tiêu chí đảm bảo an ninh lương thực thì hiện nay, lượng gạo trong nước dư thừa, thậm chí nhu cầu gạo bình quân đầu người giảm dần, nhường chỗ cho thịt, cá, trứng, sữa…Đồng bằng sông Hồng, đồng bằng các tỉnh duyên hải miền Trung và ĐBSCL là những vựa lúa lớn, trải đều trong cả nước. Theo các chuyên gia nông nghiệp, dù có thiên tai gây tổn thất mùa màng cục bộ một số vùng thì vẫn có đủ gạo ăn cho hơn 80 triệu dân và vẫn còn thừa từ 4 đến 5 triệu tấn gạo/năm để xuất khẩu và thực tế nhiều năm qua đã chứng minh điều đó.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải như đường biển, đường sông, đường sắt, đường bộ hiện đã khá thuận tiện cho chuyên chở lương thực giữa các vùng miền. Nhiều năm qua, vận chuyển mua bán gạo giữa hai miền Nam Bắc không có khó khăn đáng kể, giá gạo hai miền vì thế không chênh lệch bao nhiêu.

Khả năng thanh toán là yếu tố quan trọng trong an ninh lương thực quốc gia, tức là người thiếu lương thực có tiền để mua gạo hay không? Các vùng thiếu gạo thường là vùng sâu vùng xa, vùng ven biển thường bị bão lụt, đặc biệt là đồng bào dân tộc, điều kiện sản xuất lúa gạo không thuận lợi. Họ thiếu tiền để mua lương thực. Đối với những vùng này, Nhà nước cần xuất kho lương thực dự trữ quốc gia để bán rẻ hoặc cho không, cứu đói cho dân. Thực tế nhiều năm qua lượng gạo cứu đói hàng năm không nhiều, không ảnh hưởng lớn đến lượng gạo xuất khẩu.

Cổ phần hóa và bỏ độc quyền

Theo ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện chính sách, chiến lược phát triển nông thôn thì quy mô sản xuất gạo hàng hóa ở ĐBSCL lớn nhất cả nước; bình quân mỗi hộ nông dân ở vùng này trồng và thu hoạch được 100 kg lúa, bán ra thương trường tới 54 kg, do vậy, vận hành lưu thông hạt gạo ở ĐBSCL có ý nghĩa quan trọng tới phát triển nông nghiệp bền vững ở vùng này. “Thế giới ngày càng thiếu gạo, gạo càng ngày càng trở thành mặt hàng chiến lược trong giao thương, quan trọng chẳng kém gì các mặt hàng năng lượng”, ông Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng của hạt gạo.

Nhưng để đảm bảo an ninh lương thực và hài hòa khâu xuất khẩu gạo, ông Tụng cho rằng nhà nước nên giao Cục Dự trữ quốc gia đảm nhiệm lượng gạo dự trữ theo hướng quay vòng đổi hạt năm 2 lần, theo cơ chế đấu thầu mua vào, bán ra; đồng thời, các thành phần kinh tế trong nước, kể cả doanh nghiệp nước ngoài nếu bỏ vốn xây dựng nhà máy, thu mua, chế biến gạo theo đúng pháp luật đều được quyền xuất khẩu gạo.

Quan trọng hơn, ông Tụng đề xuất nhà nước nên cổ phần hóa các doanh nghiệp quốc doanh nhằm hạn chế độc quyền trong xuất khẩu gạo. “Đây là khâu đột phá, hữu hiệu nhất trong lưu thông xuất khẩu gạo hiện nay”, ông nói.

Có nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường gạo thì thị trường sôi động, nhiều người bán, nhiều người mua thì khả năng giá lúa gạo của Việt Nam ngày càng theo sát giá thế giới, nông dân đỡ bị thiệt thòi. Đó là cũng là cách phát triển nông nghiệp bền vững.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới