Thứ Năm, 18/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Phát triển nông nghiệp hữu cơ: tiềm năng lớn, nhưng không dễ dàng!

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nhu cầu đối với sản phẩm hữu cơ của thế giới đang tăng lên và sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian sắp tới. Thế nhưng, để mở rộng khai thác phân khúc sản phẩm này là câu chuyện không đơn giản đối với các nhà sản xuất Việt Nam hiện nay…

Tiềm năng khai thác dòng sản phẩm hữu cơ còn lớn, nhưng không phải là câu chuyện dễ. Ảnh minh hoạ: Trung Chánh

Thị trường “mênh mông”, nhưng thách thức cũng tràn đầy…

Tại diễn đàn trực tuyến với chủ đề kết nối, tiêu thụ sản phẩm hữu cơ và sản phẩm chế biến được tổ chức gần đây, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, sau nhiều năm triển nghị định nông nghiệp hữu cơ (nghị định 109/2018/NĐ-CP ngày 29-8-2018- PV), thì việc phát triển phân khúc sản phẩm này ở trong nước vẫn còn hạn chế.

Cụ thể, đến thời điểm hiện nay, cả nước có khoảng 174.000 héc ta diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chiếm một diện tích khá khiếm tốn so với tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của cả nước là trên 11,7 triệu héc ta và càng nhỏ bé hơn khi so sánh với 74 triệu héc ta diện tích đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ của toàn thế giới.

Việt Nam hiện có khoảng 555 cơ sở sản xuất các loại sản phẩm hữu cơ, nhưng chủ yếu là ở quy mô hộ gia đình, trong khi chỉ có khoảng 55-60 doanh nghiệp, tập đoàn tham gia xuất khẩu các sản phẩm như: gạo, gia vị và một số loại hạt, với quy mô kim ngạch xuất khẩu khiêm tốn, chỉ khoảng 335 triệu đô la Mỹ.

Khi nhìn riêng với ngành lúa gạo, loại sản phẩm mà Việt Nam là 1 trong 3 quốc gia có lượng xuất khẩu lớn nhất thế giới, nhưng trong quí đầu năm 2023, số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, lượng xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo lứt và gạo huyết rồng chỉ đạt 8.925 tấn với trị giá chỉ trên 4,5 triệu đô la Mỹ.

Trong khi đó, khi nhìn bức tranh tổng thể thị trường sản phẩm nông nghiệp hữu cơ thế giới, ông Tiến cho biết, hơn 20 năm qua đã có sự biến động rất nhanh. “Nếu như những năm 2000 quy mô thị trường thế giới đạt trên dưới 20 tỉ đô la Mỹ, thì đến năm 2010, đã tăng gấp 3 lần, tức đạt khoảng 60 tỉ đô la Mỹ. Đặc biệt, trong 2 năm bị Covid-19 là 2020-2021, thị trường đã tăng vọt đến con số khoảng 218 tỉ đô la Mỹ”, ông dẫn chứng và dự báo đạt 300 tỉ đô la Mỹ vào năm 2030.

Thị trường thế giới quan tâm nhiều hơn đến sản phẩm hữu cơ, nhưng theo ông Tiến, 90% tập trung ở các nước phát triển, đặc biệt là ở Mỹ và châu Âu, trong khi các khu vực khác người tiêu dùng cũng bắt đầu nhận thức, hiểu được giá trị tiêu dùng sản phẩm hữu cơ, đó là vừa góp phần bảo vệ sức khoẻ, vừa bảo vệ môi trường và hệ sinh thái bền vững.

Từ sự tương quan nêu trên, ông Tiến đánh giá, tiềm năng và dư địa cho Việt Nam là rất lớn, đặc biệt khi nhu cầu tiêu dùng thế giới tập trung nhiều vào nhóm các sản phẩm rau củ quả, gia vị và các loại hạt- vốn là những nhóm sản phẩm Việt Nam có lợi thế. “Khi đối chiếu với thực trạng thế giới, chúng ta nằm ở đâu và dư địa thị trường thế nào, rõ ràng cho thấy còn một thị trường “mênh mông” để chúng ta tiếp tục khai thác”, ông nói.

Tuy nhiên, việc phát triển để đưa sản phẩm hữu cơ ra thị trường, kể cả thị trường trong nước lẫn thế giới không phải là chuyện đơn giản.

Ông Phạm Minh Đức, Phó chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam (cũng là một đơn vị xuất khẩu trà hữu cơ đi châu Âu) cho biết, giai đoạn 2000-2010, sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam bị “mang tiếng” nhiều hoá chất, cho nên, dù trà của đơn vị này đã đạt chứng nhận hữu cơ trong những năm 2006-2008, nhưng vẫn khó tiếp cận được khách hàng. “Tôi giới thiệu sản phẩm đã có chứng nhận hữu cơ, thì khách hàng bắt đầu tin, nhưng lần nào mua họ cũng phải xét nghiệm. Đấy là những rào cản khi chúng tôi bắt đầu khởi sự làm chứng nhận”, ông Đức nhớ lại.

Theo ông, đến thời điểm hiện tại, ngoại trừ khách hàng đã làm ăn lâu năm, thì với khách hàng mới, họ đều đưa sản phẩm vào phòng xét nghiệm để kiểm tra xem có đạt hay không. “Hàng năm chúng tôi tốn rất nhiều chi phí về xét nghiệm để có được thị trường”, ông nói và cho rằng, qua khoảng 16 năm phát triển, thì hiện đơn vị này cũng có những đối tác nhất định ở thị trường châu Âu.

Tuy nhiên, ông Đức cho biết, để mở rộng trồng được số lượng lớn vẫn còn rất khó khăn vì chủ yếu làm ở vùng sâu vùng xa, tức vùng sản xuất đã sạch. “Chúng tôi đã từng thất bại ở dự án tại Thái Nguyên, bởi sản xuất trà rất ngon, nhưng xét nghiệm dư lượng cực kỳ khó khăn (ý nói không đạt yêu cầu- PV)”, ông dẫn chứng.

Ông Lê Mưa, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất lúa hữu cơ Trí Lực- đơn vị tham gia mô hình nông nghiệp hữu cơ từ năm 2019- cho biết, khó khăn lớn nhất mà đơn vị này gặp phải, đó là thiếu đối tác bao tiêu đầu ra sản phẩm. “Hợp tác xã cũng muốn mở rộng sản xuất vì tiềm năng (mở rộng diện tích) là có, trong khi người nông dân cũng đã có kinh nghiệm thực hiện. Thế nhưng, khâu tiêu thụ sản phẩm của mình lại thiếu”, ông cho biết.

Theo ông Mưa, diện tích sản xuất lúa hữu cơ có chứng nhận theo tiêu chuẩn châu Âu (Tổ chức Control Union chứng nhận- PV) của đơn vị này mấy năm qua cũng chỉ duy trì ở mức 100 héc ta vì doanh nghiệp đứng ra bao tiêu, tổ chức chứng nhận chỉ với quy mô như vậy. “Có công ty bao tiêu và đứng ra chứng nhận, thì mình mới dám làm”, ông nói và giải thích, hợp tác xã không thể đủ nguồn lực để tự chứng nhận hàng năm với chi phí 6 triệu đồng/héc ta.

Bắt đầu từ chinh phục niềm tin của người tiêu dùng trong nước

Để mở rộng diện tích sản xuất sản phẩm hữu cơ, theo ông Mưa, đứng ở góc độ sản xuất, đơn vị này hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu về mặt tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, nhưng với điều phải có doanh nghiệp đứng ra chịu chi phí chứng nhận và bao tiêu sản phẩm cho người nông dân. “Triển vọng mở rộng là khả thi, nhưng phải có doanh nghiệp vào gắn kết với hợp tác xã”, ông nói.

Theo ông Mưa, nghị định 109 về phát triển nông nghiệp hữu cơ có chính sách ưu đãi miễn phí chứng nhận, được xem là cơ chế chính sách tốt để hỗ trợ phát triển lĩnh vực này. Thế nhưng, 50 héc ta diện tích đạt chứng nhận hữu cơ Việt Nam (được miễn phí chứng nhận) của đơn vị này lại không đáp ứng được yêu cầu như tiêu chuẩn của châu Âu. “Do đó, sản phẩm cũng chỉ có thể tiêu thụ giống như các loại sản phẩm thông thường khác”, ông nói.

Ông Đức của Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho rằng, đơn vị này đã từng xây dựng thương để xuất khẩu vào châu Âu với “tên tuổi” riêng, nhưng rất khó khăn. “Vì vậy, tôi đề xuất và hy vọng, với những doanh nghiệp như chúng tôi, tức đã xuất khẩu, có sản phẩm hữu cơ rồi, thì có thể xây dựng thương hiệu ở thị trường trong nước để kết nối với các doanh nghiệp bán lẻ”, ông gợi ý.

Ông Tiến của Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp thì cho rằng, sản phẩm hữu cơ không thể kinh doanh, phân phối như sản phẩm nông nghiệp thông thường, mà cần có kênh chuyên biệt khi tiếp cận với người tiêu dùng.

Trong khi đó, với người tiêu dùng, ông Tiến gợi ý, cần phải làm tốt hơn nữa việc thông tin, truyền thông để họ hiểu được giá trị sản phẩm hữu cơ mang lại không chỉ tốt cho sức khoẻ, mà còn là trách nhiệm của người tiêu dùng đối với vấn đề bảo vệ môi trường, hệ sinh thái.

Đặc biệt, cần lấy được lòng tin của người tiêu dùng, bởi hiện nay quy mô thị trường trong nước chỉ khoảng 50-60 triệu đô la Mỹ, nhưng để lấy được lòng tin của họ với sản phẩm hữu cơ, kể cả với sản phẩm nông nghiệp có chứng nhận như: chỉ VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn Việt Nam hay GlobalGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn toàn cầu) là vấn đề nan giải.

Thực tế, thời gian qua, một số nhà phân phối, kinh doanh đã không đáp ứng được, thậm chí đã có sự gian dối về chất lượng sản phẩm, dẫn đến “đứt gãy” chuỗi cung ứng, khiến “lung lay” niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm hữu cơ, sản phẩm an toàn. “Chúng ta phải đưa ra giải pháp, phải đưa ra hệ thống phân phối và có đánh giá nghiêm túc, thì mới từng bước mở rộng được thị trường hữu cơ trong nước”, ông Tiến nhấn mạnh và gợi ý, phải làm sao hệ thống kênh phân phối chuyên biệt thật sự đảm bảo được người tiêu dùng sử dụng đúng là sản phẩm hữu cơ.

Theo ông Tiến, thị trường tiêu dùng sản phẩm hữu cơ trên thế giới cũng không giống như sản phẩm thông thường, tức phải được tập trung vào kênh chuyên biệt, hệ thống online để làm sao người tiêu dùng có thể trực tiếp cảm nhận, hiệu rõ được nguồn gốc xuất xứ và câu chuyện đằng sau mỗi sản phẩm hữu cơ. “Đấy là vấn đề đặt ra trong hệ thông kênh phân phối, vấn đề truyền thông để người tiêu dùng thật sự tự hào và cảm nhận qua việc sử dụng sản phẩm hữu cơ là đã góp phần làm cho môi trường, hệ sinh thái bền vững hơn”, ông nhấn mạnh.

Đứng ở góc độ địa phương, ông Lê Quốc Điền, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển  nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, để thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển sản phẩm hữu cơ, ngay trong vụ hè thu này, tỉnh Đồng Tháp đã chủ động cho thí điểm sản xuất lúa hữu cơ với điện tích 100 héc ta. “Định hướng đến năm 2025, chúng tôi sẽ có trên 20.000 héc ta diện tích sản xuất lúa hữu cơ, chiếm khoảng 1% diện tích đất nông nghiệp của tỉnh”, ông Điền cho biết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới