(KTSG Online) – Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) sẽ xây dựng chiến lược phát triển thị trường dài hạn theo hướng chuyên nghiệp hóa theo sản phẩm như cổ phiếu, trái phiếu, phái sinh, startup nhằm phân loại sản phẩm, dịch vụ theo từng khu vực thị trường để phục vụ các đối tượng nhà đầu tư chuyên biệt.
Chia sẻ với báo chí nhân dịp ra mắt Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, ông Nguyễn Thành Long – Chủ tịch Hội đồng thành viên Sở Giao dịch – cho biết VNX sẽ cùng các công ty con phát triển sản phẩm, dịch vụ, tiện ích phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của nhà đầu tư, trong đó các cơ chế, phương thức giao dịch sẽ được xây dựng nhằm đáp ứng được tốt nhất nhu cầu của nhà đầu tư.
- KTSG Online: Ông có thể chia sẻ về bối cảnh thành lập của VNX?
- Ông Nguyễn Thành Long: Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam mang đặc trưng riêng là cơ quan quản lý được thành lập trước, sau đó mới hình thành thị trường.
Cụ thể, TTCK ra đời với việc chính thức đi vào hoạt động của Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) năm 2000. Trên HOSE, điều kiện niêm yết với doanh nghiệp tương đối cao.
Để thu hẹp mảng thị trường tự do, chúng ta thành lập thêm Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) 5 năm sau đó với mục đích ban đầu là dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ với tiêu chí, điều kiện thấp hơn.
Từ lúc hình thành đến nay, HOSE vẫn duy trì mục tiêu là tạo ra thị trường giao dịch cho những doanh nghiệp đáp ứng được các điều kiện niêm yết ở cấp độ cao. Còn HNX tiếp tục được phát triển, mở rộng các mục tiêu của mình.
Theo đó, Sở đã xây dựng, tổ chức vận hành thêm thị trường trái phiếu Chính phủ phục vụ cho nhu cầu huy động vốn cho Chính phủ và phát triển thêm các sản phẩm, dịch vụ mới, mà điển hình là sản phẩm phái sinh đi kèm với sự ra đời của TTCK phái sinh năm 2017.
Như vậy, mỗi Sở đều có những nhiệm vụ tương đối độc lập, hỗ trợ và bổ sung cho nhau, tạo ra một thị trường chứng khoán toàn diện và tổng thể, từng bước tiếp cận tới chuẩn mực quốc tế về sản phẩm như hiện nay.
Nhưng khi TTCK phát triển đến một cấp độ nào đó thì sự giao thoa trong một số hoạt động của hai Sở đã làm giảm đi gia tốc phát triển.
Cụ thể, hai Sở đang có sự giao thoa về sản phẩm khi đều tổ chức vận hành thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, cả hai chưa có sự đồng bộ về cơ chế, phương thức giao dịch, kỹ thuật giao dịch, dù pháp luật chứng khoán đã thống nhất về tiêu chí, điều kiện niêm yết.
Với hạ tầng công nghệ, mỗi Sở đều có những kiến trúc riêng của mình, đòi hỏi thành viên thị trường duy trì hệ thống kết nối độc lập, trong khi đây là yếu tố mang tính xương sống, quyết định sự phát triển của thị trường về sản phẩm, tiện ích.
Thực tế kiến trúc công nghệ đòi hỏi sự thống nhất, tập trung và phải tích hợp, cập nhật liên tục, để đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu tổ chức, vận hành thị trường, cũng như phục vụ tốt nhất cho công tác quản lý giám sát của cơ quan quản lý nhà nước. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 thì nhu cầu về tính hiện đại, sự thống nhất của hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin càng mang tính bức thiết hơn.
Vì vậy, cần phải có sự đầu tư, quản lý thống nhất về hệ thống công nghệ thông tin chung cho thị trường, vừa đảm bảo tốt nhất về chi phí vận hành và hướng tới một bước phát triển ở tầm cao mới của TTCK Việt Nam. Hoặc đối với công tác thành viên cũng cần có sự thống nhất về chung một đầu mối để hỗ trợ, phối hợp với họ tốt hơn.
Một điểm đáng lưu ý là đó quy mô của TTCK Việt Nam bị phân tán khi áp dụng mô hình trước đây. Ngoài ra, những chỉ số cũng chưa thống nhất, thiếu chỉ số chung đại diện đầy đủ cho toàn thị trường, mang tầm vóc đại diện cho cả nền kinh tế.
Những yếu tố này phần nào ảnh hưởng tới vị thế của TTCK Việt Nam trên trường quốc tế, cũng như tiến trình nâng hạng thị trường.
Vì vậy, TTCK Việt Nam cần có những giải pháp căn cơ hơn để xử lý những nhu cầu đổi mới mà thực tiễn đề ra, trong đó có là vai trò của Sở GDCK Việt Nam (VNX). VNX ra đời để thống nhất các yếu tố gồm: tư duy, chiến lược phát triển; về mô hình quản trị; cơ chế quản lý, giám sát; giải pháp phát triển thị trường theo sản phẩm và dịch vụ.
Những yếu tố này sẽ góp phần giúp TTCK phát triển lên một tầm cao mới, tăng trưởng mạnh mẽ cả chiều rộng và chiều sâu, cũng như tăng cường kết nối tốt hơn với các thị trường khu vực, quốc tế, thúc đẩy nhanh tiến trình nâng hạng TTCK Việt Nam và thu hút tốt hơn dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, việc sáp nhập các Sở giao dịch là xu thế quốc tế và theo quy luật khách quan, tự nhiên. Ở nhiều quốc gia, việc hợp nhất các Sở giao dịch không chỉ dừng lại ở phạm vi trong nước mà còn mang tính đa quốc gia, khu vực. Vì thế, TTCK Việt Nam cũng cần có một Sở giao dịch thống nhất thị trường giao dịch để hội nhập quốc tế sâu rộng hơn và tăng vị thế, từ đó hỗ trợ việc thu hút tốt hơn các dòng vốn quốc tế vào nền kinh tế.
Bên cạnh đó, việc thành lập VNX cũng đã được đặt ra trong “Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2011 - 2020” và “Đề án Tái cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến 2025”. Mới đây nhất là Quyết định số 37/2020 của Thủ tướng về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của VNX nhằm hiện thực hóa chủ trương có trong chiến lược phát triển TTCK mà Chính phủ đã đề ra trước đó.
- KTSG Online: Vậy tầm nhìn và sứ mệnh của VNX khi ra đời và hoạt động sẽ là gì, thưa ông?
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ Nhà nước giao phó, VNX đã đề ra triết lý phát triển, làm kim chỉ nam cho hoạt động của mình và các công ty con gồm 2 bản sắc, 3 phương châm, và 4 trụ cột .
Ngay trong Quyết định 37/2020 đã nêu rõ việc thành lập VNX theo mô hình công ty mẹ - công ty con trên cơ sở sắp xếp lại HNX và HOSE. Vì vậy, bản sắc đầu tiên của VNX là phải kế thừa những giá trị cốt lõi và phát triển những thành quả đạt được của 2 Sở con. Thứ hai, VNX phải tích hợp những triết lý phát triển của hai Sở để tạo ra được giá trị phát triển mới, nâng tầm phát triển trong giai đoạn mới chứ không phải đơn thuần chỉ là một phép cộng cơ học.
Để đạt được mục tiêu đó, chúng tôi đã đưa ra 3 phương châm hoạt động.
Thứ nhất, đặt khách hàng là trung tâm. "Khách hàng" với chúng tôi gồm nhà đầu tư (bên cầu) và tổ chức phát hành (bên cung). VNX cùng với các công ty con sẽ phát triển sản phẩm, dịch vụ, tiện ích phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của nhà đầu tư, trong đó các cơ chế, phương thức giao dịch sẽ được xây dựng nhằm đáp ứng được tốt nhất nhu cầu của nhà đầu tư.
Thậm chí, các sản phẩm cũng cần thiết kế cho phù hợp với từng loại hình của nhà đầu tư. Theo đó, chúng tôi sẽ xây dựng những mảng thị trường riêng biệt cho từng khối nhà đầu tư nếu cần thiết. Việc này sẽ căn cứ vào khả năng chấp nhận rủi ro, vừa hỗ trợ tổ chức phát hành gia tang cơ hội huy động vốn, vừa giúp nhà đầu tư lựa chọn sản phẩm cho phù hợp mình.
Ngoài ra, các tiêu chuẩn, tiêu chí, yêu cầu về quản trị công ty, quản trị rủi ro, công bố thông tin và minh bạch…sẽ được thống nhất và nâng cao tiếp cận các chuẩn mực quốc tế nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm trên thị trường.
Hai là, lấy công nghệ, sáng tạo đột phá làm trọng tâm. Thực tế thì công nghệ luôn là bộ phận cốt lõi của một thị trường chứng khoán. Đây sẽ là một thách thức rất lớn nhưng cũng là nhu cầu cho sự phát triển một thị trường tài chính hiện đại. Đặc biệt trong bối cảnh công nghệ 4.0, với sự giao thoa, tích hợp giữa các sáng tạo tài chính và sáng tạo công nghệ, nhằm tạo ra những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất cho nhà đầu tư và tổ chức phát hành. Thị trường cần một hạ tầng công nghệ hiện đại, tích hợp toàn diện, có tính mở, thường xuyên cập nhật, theo kịp bước tiến công nghệ và sự phát triển của dịch vụ tài chính.
Và thứ 3 là, VNX và các công ty con phải hoạt động dựa trên nền tảng công bằng, công khai và minh bạch. Đây vừa là quy định vừa là nguyên tắc hoạt động của thị trường chứng khoán.
Để hiện thực hóa được 3 phương châm, VNX cũng đã đề ra 4 trụ cột để hoạt động hiệu quả gồm: cầu bền vững; cung chất lượng; định chế trung gian chuyên nghiệp; tthể chế theo quy luật thị trường và hội nhập quốc tế.
Như vậy, định hướng hoạt động của VNX và các công ty con sẽ có nhiều điểm mới, mang tính đột phá hơn, trong đó điểm nhấn là “trọng cung và trọng cầu”, sẽ mang tính thị trường nhiều hơn, bên cạnh các giải pháp khác để hoàn thành nhiệm vụ mà cơ quan quản lý đề ra.
- KTSG Online: Ông có thể chia sẻ những công việc cụ thể mà VNX đã triển khai thời gian qua và một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới?
Sau khi Quyết định 37 được ban hành và có hiệu lực từ ngày 20-2-2021, VNX đã bắt tay vào công tác chuẩn bị về bộ máy, quy chế, quy trình hoạt động. Đến 25-3, VNX đã có những nhân sự quản lý đầu tiên và sang tháng 4, Sở đã hoàn thiện điều lệ hoạt động của mình.
Tới tháng 6 đã ban hành điều lệ của 2 Sở con, đồng thời kiện toàn, thay đổi chức danh lãnh đạo của các Sở con. Cùng với đó, hai Sở con đã đăng ký lại hoạt động kinh doanh.
Tới 6-8, HOSE và HNX chính thức đã trở thành công ty con của VNX. Tới tháng 11 vừa qua, VNX đã hoàn thành tiếp nhận quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu
Như vậy, VNX đã hoàn tất việc sắp xếp và cấu trúc hai Sở con trở thành các công ty con. Trong cùng thời điểm đó, VNX cũng đã tiến hành hoàn thiện và sắp xếp bộ máy, thành lập các ban, cũng như xây dựng quy chế nội bộ để triển khai hoạt động.
Cùng với việc kiện toàn bộ máy, tổ chức, đến nay, từ tháng 9 tới nay, VNX đã hoàn thiện 7 quy chế nghiệp vụ gồm: quy chế niêm yết; quy chế đăng ký giao dịch; quy chế thành viên; quy chế công bố thông tin; quy chế công bố thông tin trên chuyên trang điện tử về doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp; quy chế về giao dịch hợp đồng tương lai. Đồng thời, xây dựng kế hoạch tái cấu trúc thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp.
Như vậy, chỉ trong vòng khoảng 3 tháng, VNX cơ bản đã hoàn thành các văn bản về hoạt động nghiệp vụ và kỳ vọng sẽ được ban hành sớm ngay trong tháng 12 này.
Với hoạt động niêm yết, đăng ký giao dịch, VNX đã dự thảo các quy định nhằm thống nhất các giải pháp kỹ thuật về cơ chế, phương thức giao dịch cho thị trường hiện nay như: lô, biên độ giao dịch,… trên cả hai SGDCK nhằm tạo điều kiện tốt nhất để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư. Các văn bản này đã được xây dựng và báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phê duyệt trước khi ban hành.
Với hoạt động quản lý thành viên, công tác quản lý thành viên sẽ được thống nhất, tiết giảm thủ tục hành chính và các hoạt động kết nối kỹ thuật, tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động của thành viên.
Dự kiến sang năm 2022, hệ thống quy chế này sẽ được chính thức áp dụng và triển khai thực hiện.
Cũng trong năm 2022, VNX sẽ tiếp tục kiện toàn về tổ chức, bộ máy. Đồng thời, xây dựng các bài toàn nghiệp vụ cho hệ thống công nghệ thông tin để đạt được các mục tiêu, phương châm đã đề ra.
Về trung hạn, chúng tôi đã chỉ đạo HOSE và HNX xây dựng kế hoạch 3 năm, đồng thời xây dựng cho mình kế hoạch trung và dài hạn với mục tiêu tiệm cận theo các chiến lược phát triển của các Tập đoàn Sở quốc tế.
Theo đó, VNX sẽ xây dựng chiến lược phát triển dài hạn theo hướng chuyên nghiệp hóa theo sản phẩm như cổ phiếu, trái phiếu, phái sinh, starup nhằm phân loại sản phẩm, dịch vụ theo từng khu vực thị trường để phục vụ đối tượng nhà đầu tư chuyên biệt.
Việc chuyên nghiệp hóa về sản phẩm sẽ được xây dựng dựa trên triết lý “lấy khách hàng là trung tâm”. Với các sản phẩm cung cấp cho công chúng đầu tư, hàm công tác quản lý sẽ tập trung vào các tổ chức phát hành, tổ chức niêm yết.
Còn với những sản phẩm cung cấp cho nhà đầu tư chấp nhận rủi ro thì nội hàm quản lý sẽ trực tiếp tập trung vào nhà đầu tư.
Bên cạnh các công việc đã làm, đang làm, VNX đang còn rất nhiều công việc khác sẽ triển khai mang tính đồng bộ, quyết liệt trong thời gian tới. Để đạt được các mục tiêu đề ra và nhiệm vụ được giao, bên cạnh nỗ lực của mình, VNX và hai Sở con mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, trực tiếp là Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và sự hỗ trợ, phối hợp của các đơn vị chức năng và sự đồng hành của các thành viên thị trường, doanh nghiệp, nhà đầu tư, cũng như các cơ quan thông tấn, báo chí.
VNX kỳ vọng, sự phát triển của Sở trong tương lai sẽ góp phần quan trọng hỗ trợ TTCK Việt Nam phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn nữa, trở thành kênh dẫn vốn trung, dài hạn chủ yếu cho nền kinh tế đất nước.
Xin cảm ơn ông!