Thứ ba, 14/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Phát triển thị trường công nghệ tế bào gốc tại Việt Nam

Nguyễn Hoàng Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Tế bào gốc là những tế bào có khả năng tự tái sinh và biệt hóa thành nhiều loại tế bào khác nhau, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và sửa chữa các mô bị tổn thương trong cơ thể. Tùy thuộc vào vị trí mà tế bào gốc có tiềm năng phát triển thành các mô tương ứng.

Đại học Quốc gia Singapore hỗ trợ PGS. Phan Toàn Thắng cách đây hơn 10 năm để mở công ty dựa trên phát minh tế bào gốc cuống rốn.

Theo Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH), ngoài tế bào gốc, không có tế bào nào khác trong cơ thể có khả năng tự nhiên tạo ra các loại tế bào mới(1). Dựa trên nguồn gốc, có thể chia tế bào gốc thành: Tế bào gốc phôi, tế bào gốc trưởng thành, tế bào gốc đa năng cảm ứng, tế bào gốc quanh sinh. Tế bào gốc phôi được lấy từ phôi ở giai đoạn sớm, tế bào gốc phôi là loại tế bào gốc đa năng nhất. Chúng có khả năng phát triển thành bất kỳ loại tế bào nào trong cơ thể, từ tế bào thần kinh đến tế bào cơ tim.

Nghiên cứu của Wojciech Zakrzewski và cộng sự (2019) cho thấy tế bào gốc phôi là đa năng nhất vì chúng có khả năng phát triển thành tất cả các tế bào có trên cơ thể con người. Mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng tuy nhiên, thời gian dài việc thực hiện nghiên cứu tế bào gốc phôi đã gây ra nhiều tranh cãi về mặt đạo đức và tôn giáo. Khác với tế bào gốc phôi, tế bào gốc trưởng thành được tìm thấy trong các mô trưởng thành như tủy xương, mỡ, chúng có khả năng biệt hóa hạn chế hơn so với tế bào gốc phôi. Tuy nhiên, chúng lại có ưu điểm là dễ tiếp cận và không gây ra các vấn đề đạo đức.

Một loại khác là tế bào gốc đa năng cảm ứng (iPSCs). Đây là loại tế bào gốc được tạo ra bằng cách lập trình lại các tế bào trưởng thành, chẳng hạn như tế bào da, trở lại trạng thái giống như tế bào gốc phôi. iPSCs có tiềm năng lớn trong y học tái tạo vì chúng có thể được tạo ra từ chính bệnh nhân, giảm nguy cơ đào thải miễn dịch. Ngoài ra còn có tế bào gốc quanh sinh, bao gồm tế bào gốc trong nước ối và máu dây rốn.

Những tế bào gốc này có khả năng biệt hóa thành nhiều loại tế bào khác nhau và được xem là nguồn tế bào gốc tiềm năng cho việc điều trị các bệnh liên quan đến máu và miễn dịch. Với sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, các nhà khoa học đang nỗ lực để vượt qua những thách thức và biến tế bào gốc thành một công cụ hữu hiệu trong việc điều trị bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống của con người.

Thứ nhất, nghiên cứu tế bào gốc giúp tăng cường hiểu biết về cách bệnh tật xảy ra. Chẳng hạn như vào tháng 6-2023, Giáo sư Hanna và cộng sự của ông tại Viện Khoa học Weizmann, Israel đã công bố dữ liệu về thế hệ mô hình phôi người dựa trên tế bào gốc để phát triển những hiểu biết mới về nguyên nhân gây ra khuyết tật bẩm sinh và rối loạn di truyền(2).

Thứ hai, ứng dụng tế bào gốc tạo ra các tế bào khỏe mạnh để thay thế các tế bào bị ảnh hưởng bởi bệnh tật. Liệu pháp tế bào gốc đang được nghiên cứu rộng rãi để điều trị một loạt các bệnh, từ các bệnh máu ác tính như bạch cầu và lymphoma đến các bệnh thoái hóa thần kinh. Y học tái tạo đang tận dụng tiềm năng của tế bào gốc để phát triển các liệu pháp điều trị các bệnh thoái hóa và tổn thương mô.

Cụ thể, quá trình tái tạo mô bằng tế bào gốc diễn ra bằng cách hướng dẫn tế bào gốc phát triển thành các tế bào chuyên biệt, sau đó ghép vào vị trí tổn thương để thay thế và phục hồi chức năng. Thứ ba, ứng dụng trong công tác kiểm tra về độ an toàn và hiệu quả của các sản phẩm thuốc mới trước khi thương mại hóa trên thị trường.

Trên thực tế, công nghệ tế bào gốc đã được đưa vào nghiên cứu và chữa trị tại nhiều cơ sở y tế hàng đầu trên thế giới. Tiêu biểu như trong nhiều thập niên, các bệnh viện lớn tại Mỹ, Canada, Vương quốc Anh, Trung Quốc, Nhật Bản... đã thực hiện cấy ghép tủy xương, góp phần trao cơ hội sống cho hàng ngàn bệnh nhân.

Báo cáo của Fortune Business Insights năm 2023 cho thấy quy mô thị trường tế bào gốc toàn cầu được định giá ở mức 15,07 tỉ đô la Mỹ vào năm 2023 và dự kiến sẽ tăng từ 17,02 tỉ đô la Mỹ năm 2024 lên 56,15 tỉ đô la Mỹ vào năm 2032 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 16,1%(3). Trong đó Bắc Mỹ là thị trường tế bào gốc lớn nhất, chiếm giá trị thị trường là 8 tỉ đô la Mỹ vào năm 2023, tương ứng với thị phần là 53,09%.

Từ những nhu cầu của con người trong điều trị bệnh và chăm sóc sức khỏe mà không ít các quốc gia đã ban hành các chính sách liên quan để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghệ tế bào gốc.

Tại Việt Nam hiện không nhiều những dự án về tế bào gốc, nổi bật có thể kể đến là Cartilatist, sản phẩm thuốc tế bào gốc đầu tiên tại Việt Nam của Viện Tế bào gốc, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TPHCM sau gần 10 năm miệt mài nghiên cứu(4). Theo Trung tâm Đào tạo Y sinh của Viện Tế bào gốc, Cartilatist được sản xuất từ tế bào gốc trung mô thu được từ mô mỡ người, một nguồn tế bào gốc dồi dào và dễ tiếp cận với tiềm năng ứng dụng trong điều trị các bệnh thoái hóa khớp gối và cột sống, hứa hẹn mang lại cuộc sống chất lượng hơn cho người bệnh.

(1) https://stemcells.nih.gov/info/basics/stc-basics
(2) https://www.weizmann.ac.il/impact-report/2023/JacobHanna.html
(3) https://www.fortunebusinessinsights.com/stem-cells-market-105138
(4) https://vnuhcm.edu.vn/tin-tuc_32343364/cartilatist-thuoc-te-bao-goc-dau-tien-cua-viet-nam/313830363364.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới