(KTSG) - Nhân loại đang đứng trước ngã ba đường: hoặc tiếp tục khai thác vô độ tài nguyên thiên nhiên, hoặc chuyển mình để xây dựng một tương lai bền vững.
Với hơn một nửa GDP toàn cầu phụ thuộc nhiều hoặc vừa phải vào nguồn vốn thiên nhiên, việc cạn kiệt tài nguyên đã và đang gây ra những rủi ro nghiêm trọng cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Dù vậy, nhiều tổ chức kinh doanh vẫn đang làm suy thoái hệ sinh thái nơi họ hoạt động, bất chấp mọi cảnh báo. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, Nam bán cầu dự kiến sẽ mất trung bình 160 tỉ đô la Mỹ mỗi năm vào năm 2030 do tác động của biến đổi khí hậu nếu xu hướng hiện tại tiếp tục. Riêng Việt Nam đã mất 10 tỉ đô la vào năm 2020 do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Theo Hội đồng Năng lượng, Môi trường và Nước (CEEW), 750 triệu người Nam Á, hay hơn một nửa dân số của khu vực, đã bị ảnh hưởng bởi nhiều thảm họa thiên nhiên. Hình ảnh những cánh rừng bị tàn phá, những dòng sông ô nhiễm, những cơn bão ngày càng dữ dội đang trở nên quá quen thuộc. Trước thực trạng biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên, nhân loại đang đứng trước ngã ba đường: hoặc tiếp tục khai thác vô độ, hoặc chuyển mình để xây dựng một tương lai bền vững.
Việc tìm kiếm một mô hình phát triển bền vững là vô cùng cấp bách. Dù là mô hình nào thì về tổng thể, sự kết hợp của phát triển thuận thiên và đổi mới chế thiên là chính sách được nhiều quốc gia và cộng đồng quan tâm, hướng đến mục tiêu hài hòa giữa lợi ích kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.
Phát triển thuận thiên
Trong thời gian qua, hai sự kiện có khả năng tạo tác động mạnh mẽ lên nhận thức của chúng ta về mối quan hệ với thiên nhiên là thiệt hại do bão Yagi và đại dịch Covid-19. Thiệt hại do bão Yagi là vô cùng lớn, lên đến hơn 81.000 tỉ đồng theo báo cáo của Chính phủ. Đây chỉ mới là thiệt hại do một cơn bão gây ra, nếu tính tất cả những hậu quả để lại do tàn phá môi trường tạo ra, chắc chắn mức độ thiệt hại còn lớn hơn gấp bội. Bài học từ bão Yagi cho thấy, mọi thành tích kinh tế có được từ phá hủy môi trường tự nhiên và suy thoái đạo đức xã hội thì không bền vững. Có lẽ, thế giới tự nhiên mà thế hệ này để lại cho con cái mình sẽ tệ hại hơn rất nhiều so với thế giới tự nhiên mà chúng ta thừa hưởng từ thế hệ cha ông.
Chế thiên không đồng nghĩa với việc hủy hoại thiên nhiên vì mục đích ích kỷ, tư lợi ngắn hạn của con người.
Phát triển thuận thiên là cách tiếp cận phát triển dựa trên việc tôn trọng và làm việc cùng với tự nhiên. Thay vì khai thác quá mức tài nguyên, chúng ta tìm cách sử dụng chúng một cách bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Trong đại dịch Covid-19, lần đầu tiên chúng ta chứng kiến lượng khí thải carbon trên thế giới giảm mạnh, đến hơn 7% trong năm 2020, theo báo cáo của Dự án Carbon toàn cầu (GCP). Điều này cũng mang hàm ý rằng, một nền kinh tế không phát thải, nếu được chuyển đổi thành công, sẽ giúp thế giới đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Việc phong tỏa bởi đại dịch với những biện pháp thái quá cũng cho chúng ta bài học về giá trị của thiên nhiên một cách rõ rệt. Giãn cách, phong tỏa đã làm giảm cả vai trò chữa lành của thiên nhiên, vốn đã ngày càng hiếm hoi trong đời sống đô thị. Việc đóng cửa các công viên, không gian công cộng để tránh lây nhiễm đã giảm đi cơ hội tự phục hồi sức khỏe của người dân nhờ vào liệu pháp thiên nhiên. Đại dịch cũng cho thấy chúng ta cần thiên nhiên đến mức nào. Sự thèm khát bầu không khí trong lành và không gian xanh với tiếng líu lo của muôn loài giúp chúng ta hiểu rằng, nhờ có thiên nhiên mà chất lượng sống của chúng ta trở nên tốt hơn.
Bằng việc thay đổi cách chúng ta đổi mới phương thức sản xuất, tiêu dùng có trách nhiệm và tương tác với thiên nhiên, chúng ta có thể xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho thế hệ mai sau.
Bên cạnh đó, nhu cầu phát triển thuận theo tự nhiên, kinh tế tuần hoàn hay kinh tế xanh giờ đây đã không còn là sự động viên hay khuyến khích nữa, mà ngày càng trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các quốc gia nói chung và doanh nghiệp nói riêng, đặc biệt là với một nước có độ mở của nền kinh tế rộng như Việt Nam.
Trong tương lai, chúng ta sẽ không thể xuất khẩu những sản phẩm chủ lực như cà phê hay nông sản nói chung nếu đó là kết quả thu hoạch được từ những cánh rừng bị tàn phá. Doanh nghiệp cũng không thể phát triển nếu hoạt động của mình ngày càng thải ra nhiều khí nhà kính, góp phần gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu. Việt Nam cũng không thể thu hút được những nhà đầu tư nước ngoài lớn vào những lĩnh vực công nghiệp quan trọng nếu không chuyển đổi hiệu quả và sở hữu một hỗn hợp các nguồn năng lượng ổn định và chi phí thấp.
Phương pháp tiếp cận giải pháp dựa vào thiên nhiên (Nature-based solution - ra đời vào giữa những năm 2000) dựa trên sự hiểu biết khoa học về mối liên hệ giữa thiên nhiên, nhấn mạnh giá trị của sự đa dạng sinh học, chức năng của hệ sinh thái và sự đa dạng của các dịch vụ mà hệ sinh thái cung cấp, chẳng hạn như hỗ trợ, điều tiết, cung cấp các dịch vụ văn hóa. Các hoạt động gây hại cho sự đa dạng sinh thái, chẳng hạn như các đồn điền độc canh hoặc canh tác thâm canh, không phù hợp với các phương pháp tiếp cận dựa trên hệ sinh thái và không được coi là hợp lệ theo mô hình giải pháp dựa vào thiên nhiên. Hoạt động kinh tế xâm phạm thô bạo vào tự nhiên như lấn biển xây đô thị, phá rừng nguyên sinh làm du lịch cần phải được thẩm định tác động nghiêm ngặt và hạn chế, đồng thời nạn phá rừng trái phép phải được ngăn chặn triệt để.
Đổi mới chế thiên
Đổi mới chế thiên là quá trình thay đổi các hệ thống, cơ chế, chính sách để phù hợp hơn với mục tiêu phát triển bền vững.
Trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, giải pháp dựa vào thiên nhiên tập trung vào cả chiến lược thích ứng và giảm thiểu, nhằm mục đích bảo vệ hành tinh trong thời gian dài thông qua quản lý môi trường toàn diện. Tuy vậy, bảo vệ cộng đồng khỏi thiên tai trong khi phát triển sinh kế bền vững và thịnh vượng là phần không thể thiếu trong các mục tiêu phát triển bền vững. Điều đó chỉ đạt được thông qua quản lý môi trường và giảm thiểu rủi ro thiên tai, kết hợp với các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu bằng công nghệ chế thiên hiệu quả.
Trong tương lai, chúng ta sẽ không thể phát triển xuất khẩu những sản phẩm chủ lực như cà phê hay nông sản nói chung nếu đó là kết quả thu hoạch được từ những cánh rừng bị tàn phá. Doanh nghiệp cũng không thể phát triển nếu hoạt động của mình ngày càng thải ra nhiều
khí nhà kính.
Israel, một quốc gia nhỏ bé, đã chứng minh rằng công nghệ có thể biến điều không thể thành có thể. Bằng cách áp dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất, quốc gia này đã đạt được khả năng tự cung tự cấp lương thực và nổi lên như một thế lực nông nghiệp nổi bật trên toàn cầu. Israel là một tấm gương sáng cho thấy công nghệ có thể giúp chúng ta vượt qua những thách thức của thiên nhiên - công nghệ chế thiên. Việt Nam với điều kiện khí hậu đa dạng, đất đai màu mỡ nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn như hạn hán, ngập lụt, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long cần học hỏi kinh nghiệm của Israel để phát triển nông nghiệp bền vững.
Hà Lan, quốc gia nằm thấp hơn mực nước biển, từ lâu đã phải đối mặt với mối đe dọa thường trực từ biển cả. Tuy nhiên, bằng sự kiên trì và trí tuệ, người Hà Lan đã xây dựng nên một hệ thống đê điều tinh vi, trở thành tấm gương sáng cho cả thế giới về công tác phòng, chống thiên tai. Cụ thể, dự án Delta bao gồm việc xây dựng hàng loạt đê, cống, đập và các công trình khác, tạo thành một hệ thống phòng thủ vững chắc, bảo vệ một khu vực rộng lớn ở phía Tây Nam đất nước khỏi những cơn bão dữ dội và triều cường. Bắt đầu từ những năm 1958 và hoàn thành vào đầu những năm 2000, dự án được đánh giá là một trong những kỳ quan kỹ thuật của thế giới.
Trong những thập niên gần đây, Trung Quốc cũng đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc chống lại sa mạc hóa và phục hồi hệ sinh thái. Nổi bật nhất là các dự án trồng rừng quy mô lớn nhằm ngăn chặn sự mở rộng của sa mạc Gobi và Taklamakan. Bằng việc triển khai các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, kết hợp với sự tham gia tích cực của cộng đồng, Trung Quốc đã trồng hàng tỉ cây xanh, tạo thành những vành đai xanh vững chắc bao quanh các sa mạc, giảm thiểu tác động của cát bay và cải thiện chất lượng không khí.
Thành công của con người trong việc chế ngự thiên nhiên được nêu trên không chỉ mang lại lợi ích kinh tế - xã hội cho các khu vực sa mạc mà còn đóng góp vào mục tiêu chung của nhân loại là chống lại biến đổi khí hậu và bảo vệ Trái đất. Như vậy, chế thiên là cần thiết để khắc phục tình trạng khắc nghiệt của thiên nhiên lên cuộc sống của con người; phát triển kinh tế cùng sự thích ứng, chinh phục thiên nhiên. Chế thiên không đồng nghĩa với việc hủy hoại thiên nhiên vì mục đích ích kỷ, tư lợi ngắn hạn của con người.
Hiện đại kết hợp truyền thống
Thách thức của Việt Nam là phải nhanh chóng chuyển đổi từ nền kinh tế thâm dụng lao động, thâm dụng tài nguyên và nguyên vật liệu nguyên sinh sang nền kinh tế tuần hoàn, xanh, thân thiện với môi trường để phát triển một cách bền vững. Như vậy, trong lĩnh vực nông nghiệp, đồng hành với việc áp dụng các kỹ thuật canh tác hữu cơ, trồng xen canh, luân canh, sử dụng phân bón hữu cơ, giảm thiểu sử dụng thuốc trừ sâu, nông nghiệp tuần hoàn có thể tận dụng chất thải từ nông nghiệp được tái chế thành phân bón, tạo ra một hệ sinh thái khép kín.
Đồng bằng sông Cửu Long, với diện tích đất nông nghiệp lớn và chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, càng cần phải áp dụng nông nghiệp chính xác để thích ứng và phát triển bền vững. Nông nghiệp chính xác là một công cụ mạnh mẽ để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh lương thực. Dù vậy, để thành công, cần có sự chung tay của các bên liên quan, từ Chính phủ, doanh nghiệp đến nông dân.
Nông nghiệp chính xác (nông nghiệp công nghệ cao) là việc ứng dụng công nghệ thông tin, cảm biến, vệ tinh, máy bay không người lái và phần mềm quản lý để thu thập, phân tích và sử dụng dữ liệu về đất, cây trồng, thời tiết, sâu bệnh, nhằm đưa ra các quyết định canh tác chính xác, hiệu quả và bền vững. Điều này giúp nông dân tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực như nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, từ đó tăng năng suất, chất lượng nông sản, giảm thiểu tác động đến môi trường và đảm bảo an toàn thực phẩm. Nông nghiệp chính xác giúp nông dân theo dõi và dự báo các biến đổi khí hậu, từ đó đưa ra các biện pháp thích ứng kịp thời.
“Khoa học thuận thiên” và tri thức bản địa
Câu chuyện của người trưởng thôn anh hùng Ma Seo Chứ giữa cơn bão Yagi vừa qua là một minh chứng về giá trị tuyệt vời của tri thức bản địa. Trong cơn mưa bão, lũ lụt chia cắt giao thông và hạn chế thông tin liên lạc, việc 115 người dân thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà (Lào Cai) đều an toàn nhờ vào quyết định sáng suốt của trưởng thôn Ma Seo Chứ khiến người dân cả nước cảm động và thán phục.
Câu chuyện ở thôn Kho Vàng một lần nữa đặt ra vấn đề, phòng chống thiên tai không thể chỉ dựa vào dự báo của siêu máy tính hay các phương tiện, trang thiết bị hiện đại. Tất cả đều bất lực trước cơn cuồng phong, lũ quét, sạt lở... Đây là lúc con người phải dựa vào kinh nghiệm dân gian truyền thống để tự bảo vệ bản thân. Kiến thức bản địa thật ra đã là một dạng khoa học, “khoa học thuận thiên”; dựa vào sự hiểu biết sâu sắc về điều kiện tự nhiên ở địa phương, được đúc kết và cập nhật qua nhiều thế hệ.
Rõ ràng, việc phát triển khoa học công nghệ để phòng chống thiên tai sẽ trở nên hiệu quả hơn khi đi cùng với nó là việc giữ gìn và phát huy kiến thức bản địa. Trong khoa học thuận thiên này, người trưởng thôn chính là chuyên gia. Việc kết hợp kiến thức bản địa với nghiên cứu khoa học có tiềm năng nâng cao tính toàn diện và hiệu quả của các hệ thống quản lý thảm họa tự nhiên và sinh thái. Phương pháp tích hợp này có thể khắc phục những khoảng trống kiến thức và đưa ra câu trả lời toàn diện hơn cho các nan đề môi trường phức tạp.
Kết luận
Mọi hệ thống sự sống trên Trái đất đều được thiên nhiên và đa dạng sinh học hỗ trợ. Ngoài việc thiết yếu đối với phúc lợi của con người, thiên nhiên còn đóng vai trò quan trọng trong sự ổn định và phát triển của nền kinh tế toàn cầu. Để phát triển bền vững, không chỉ cần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, chúng ta cần cả giải pháp dựa vào thiên nhiên và công nghệ chế thiên để bảo vệ con người và những thành quả của phát triển.
Để phát triển bền vững, bảo vệ những thành tựu văn minh và tính mạnh của con người, chúng ta cũng cần sự kết hợp của khoa học và tri thức bản địa - “khoa học thuận thiên” - được tích lũy và kiểm chứng qua hàng ngàn năm. Sự hiểu biết sâu sắc của người dân địa phương với các hệ sinh thái trong khu vực cho phép họ dự đoán và phản ứng thành công với những thay đổi trong môi trường. Trí tuệ bản địa bao gồm các chuỗi phản ứng đã vun đắp từ nhiều thế kỷ rất hữu ích để kiểm soát và giảm thiểu tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan. Như vậy, bằng cách tôn trọng và kết hợp kiến thức bản địa với khoa học hiện đại, chúng ta có thể nâng cao khả năng dự đoán, chuẩn bị và ứng phó với rủi ro thiên tai, xây dựng được các cộng đồng kiên cường và bền vững hơn.
Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, phát triển thuận thiên và đổi mới chế thiên là sự kết hợp tất yếu, không thể tách rời. Bằng việc thay đổi cách chúng ta đổi mới phương thức sản xuất, tiêu dùng có trách nhiệm và tương tác với thiên nhiên, chúng ta có thể xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho thế hệ mai sau.
(*) Tiến sĩ quản lý bền vững và môi trường, Cố vấn bền vững, ESG-S