Thứ Sáu, 16/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Phát triển thương mại biên giới trở thành động lực tăng trưởng của Đồng Tháp

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành kế hoạch phát triển thương mại biên giới của địa phương giai đoạn 2021-2025. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, thương mại biên giới sẽ là động lực tăng trưởng của tỉnh.

Quy hoạch chung xây dựng kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030. Ảnh: dongthap.gov.vn

Trong kế hoạch do ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp ký ban hành cũng đề ra mục tiêu đưa Đồng Tháp trở thành điểm trung chuyển hàng hóa trọng yếu của vùng vào thị trường Campuchia và tiến tới thị trường các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Phát huy lợi thế về hạ tầng cửa khẩu, tài nguyên và vị trí địa lý của tỉnh để chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu qua các cửa khẩu theo hướng tăng tỷ trọng hàng hóa có giá trị gia tăng cao, đặc biệt là nhóm hàng nông sản, thủy sản.

Kế hoạch cũng đề ra mục tiêu cụ thể, đó là đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ở địa bàn khu vực biên giới đạt mức tăng trưởng 11-12% mỗi năm trong giai đoạn 2021 – 2025. Giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa biên mậu qua các cửa khẩu ở giai đoạn này tăng 8%/năm.

Đến năm 2025, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa biên mậu đạt 300 triệu đô la Mỹ, trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa biên mậu đạt 174,8 triệu đô la Mỹ, trong khi nhập khẩu hàng hóa biên mậu đạt 125 triệu đô la Mỹ.

Tỉnh Đồng Tháp cũng đề ra mục tiêu hoàn thành cơ bản hạ tầng kỹ thuật khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp và các cửa khẩu khác, nhất là hai cửa khẩu quốc tế; hoàn thành nâng cấp cửa khẩu Thường Phước thành cửa khẩu quốc tế đường bộ, đường sông; bổ sung cặp cửa khẩu Thường Phước (Đồng Tháp) – KohRoKa (Prây-veng của Campuchia) vào Nghị định thư vận tải đường bộ giữa hai nước; hoàn chỉnh hồ sơ nâng cấp cửa khẩu Mộc Rá trình Thủ tướng Chính phủ.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đề ra các nhiệm vụ giải pháp, bao gồm rà soát, tích hợp quy hoạch phát triển thương mại, trong đó, có thương mại biên giới vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng và quốc gia; xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển thương mại biên giới.

Ngoài ra, Đồng Tháp cũng thực hiện phát triển kết cấu hạ tầng thương mại khu vực biên giới; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy phát triển thương mại biên giới; phát triển đội ngũ thương nhân, doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn khu vực biên giới; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác phát triển thương mại biên giới.

Song song đó, sẽ triển khai các hoạt động khuyến khích, thúc đẩy phát triển các mặt hàng tiềm năng, lợi thế của địa phương; phát triển thương mại hàng hóa và dịch vụ khu vực gắn với hoạt động du lịch và phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ thương mại khu vực biên giới…

Kế hoạch nêu trên sẽ được thực hiện trên địa bàn các huyện Tân Hồng, Hồng Ngụ và TP Hồng Ngự của tỉnh Đồng Tháp.

Về nguồn vốn thực hiện là từ nguồn ngân sách Nhà nước theo phân cấp, nguồn tài trợ, viện trợ và các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Báo cáo của UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, giá trị xuất, nhập khẩu hàng hóa biên mậu  6 tháng đầu năm ước đạt 158 triệu đô la Mỹ, trong đó, giá trị xuất khẩu ước đạt 47 triệu đô la Mỹ.

Được biết, vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước do tỉnh quản lý và phân bổ hỗ trợ các địa phương biên giới trong giai đoạn 2021 – 2025 là trên 4.937 tỉ đồng, chiếm 20,5% tổng vốn đầu tư công toàn tỉnh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới