(KTSG) - Sau 14 năm kể từ khi có Luật Trọng tài thương mại (2010), Việt Nam vẫn mải miết xây dựng đội ngũ trọng tài viên quốc tế đủ chất và lượng để đáp ứng nhu cầu hội nhập sâu rộng của nền kinh tế.
- Có nên chọn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại không?
- Rủi ro cho các phán quyết của trọng tài thương mại
Cùng với việc tham gia vào nền kinh tế toàn cầu, các hợp đồng thương mại quốc tế ngày càng trở nên phức tạp đối với doanh nghiệp Việt Nam, đặt ra yêu cầu cấp thiết về một hệ thống giải quyết hiệu quả trong trường hợp xảy ra tranh chấp. Với lợi thế về thời gian, tính linh hoạt và mức độ bảo mật, trọng tài thương mại đã chứng tỏ là một phương thức hữu hiệu trong các giao dịch thương mại xuyên biên giới.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, mạng lưới trọng tài thương mại - một cơ chế tài phán nằm ngoài hệ thống cơ quan tư pháp nhà nước - vẫn chưa thực sự phát huy hết tiềm năng. Sự thiếu hụt các trọng tài viên quốc tế, đặc biệt là những người am hiểu sâu sắc về luật pháp và thực tiễn kinh doanh trong và ngoài nước, đang trở thành một rào cản lớn đối với việc giải quyết hiệu quả các tranh chấp phát sinh cho các doanh nghiệp, đặc biệt là từ các hợp đồng có yếu tố nước ngoài.
Thực tế nói trên không chỉ làm gia tăng chi phí và thời gian giải quyết tranh chấp, mà còn ít nhiều ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh tại Việt Nam trong mắt doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Cơ chế hiệu quả trong giải quyết tranh chấp thương mại
Trên thế giới, ADR là thuật ngữ chung chỉ các phương thức giải quyết tranh chấp bên ngoài hệ thống tòa án, trong đó trọng tài là một hình thức phổ biến. Khác với phương thức ADR như hòa giải và thương lượng, với cách làm này, các bên tranh chấp sẽ cùng thống nhất chọn một hoặc một hội đồng các trọng tài viên độc lập để giải quyết vụ việc. Sau khi nghe các bên trình bày, trọng tài viên sẽ xem xét chứng cứ và đưa ra quyết định cuối cùng, hay phán quyết chung thẩm có tính ràng buộc về mặt pháp lý(1).
Điểm mạnh của cơ chế trọng tài là tính linh hoạt cao. Tùy theo những điều kiện cụ thể, các bên có thể quyết định quy trình, luật áp dụng và ngôn ngữ sử dụng trong quá trình trọng tài. Đồng thời, thông tin về vụ kiện thường được bảo mật, giúp bảo vệ uy tín và lợi ích thương mại của cá nhân và doanh nghiệp.
Với nhiều ưu điểm nổi trội, phương thức trọng tài được sử dụng rộng rãi trong giao dịch thương mại toàn cầu. Năm 2023, Tòa Trọng tài Quốc tế (trực thuộc Phòng Thương mại Quốc tế ICC), ghi nhận 870 vụ việc với 2.389 đương sự liên quan tại 141 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các đương sự tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm 25%, trong đó chủ yếu ở Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Úc, Hàn Quốc và Nhật Bản(2).
Tại Việt Nam, Quốc hội khóa 12 đã thông qua Luật trọng tài thương mại vào ngày 17-6-2010 với 13 chương và 82 điều. Văn bản luật này thay thế cho Pháp lệnh Trọng tài thương mại do Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 10 ban hành năm 2003, được xem là bước thể chế hóa quan trọng chủ trương khuyến khích phát triển trọng tài thương mại tại Việt Nam(3).
Việc Việt Nam tham khảo Luật Mẫu UNCITRAL (Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Luật Thương mại Quốc tế) khi xây dựng luật trọng tài trong nước đã tạo ra nền tảng pháp lý tương thích với thông lệ quốc tế, thuận lợi cho việc thực thi Công ước New York 1958 mà Việt Nam tham gia vào năm 1995. Việc áp dụng các nguyên tắc cốt lõi của Luật Mẫu như tôn trọng thỏa thuận của các bên, tính độc lập của thỏa thuận trọng tài, quyền tự xem xét thẩm quyền và tính chung thẩm của phán quyết trọng tài đã góp phần tạo nên một nền tảng pháp lý vững chắc cho trọng tài thương mại tại Việt Nam, đảm bảo tính công bằng, minh bạch và hiệu quả trong quá trình giải quyết tranh chấp(4).
Nhiều quy định trong Luật Trọng tài Thương mại Việt Nam tương đồng với các quy định trong Luật Mẫu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng Công ước New York. Nhờ tính thi hành quốc tế của các phán quyết trọng tài, Việt Nam đã có thể tăng cường hợp tác kinh tế với các quốc gia khác theo nguyên tắc “có đi có lại” trên cơ sở bình đẳng và tương hỗ, đồng thời giải quyết hiệu quả các vụ tranh chấp xuyên biên giới, góp phần tạo ra một môi trường đầu tư minh bạch hơn(5).
Xây dựng đội ngũ trọng tài viên quốc tế ở Việt Nam
Việc ban hành Luật Trọng tài Thương mại năm 2010 đã tạo ra một cú hích mạnh mẽ cho sự phát triển của trọng tài thương mại tại Việt Nam. Theo số liệu của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) - trung tâm lớn và lâu đời nhất tại Việt Nam - số vụ tranh chấp được thụ lý đã tăng từ 6 (năm 1993) đến 292 (năm 2022)(6). Từ năm 2010, số vụ tranh chấp VIAC tiếp nhận tăng hầu như liên tục (chỉ có ba lần giảm, vào các giai đoạn 2011-2012, 2016-2017 và 2019-2020), cho thấy nhu cầu giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài ngày càng lớn.
Không chỉ các doanh nghiệp trong nước mà doanh nghiệp nước ngoài cũng ngày càng tin tưởng và lựa chọn trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp. Trong tổng số 2,513 vụ tranh chấp ghi nhận tại VIAC từ năm 1993-2022, hơn một phần ba (35,97%) số vụ có yếu tố FDI. Con số này tăng liên tục từ 40 vụ năm 2016 đến 116 vụ năm 2022. Trong đó, các vụ việc cũng đa dạng về lĩnh vực, từ mua bán hàng hóa (40,7%), xây dựng (18,1%), đến bảo hiểm (8,3%) và cho thuê (7%), thể hiện mức độ linh hoạt cao và khả năng thích ứng của trọng tài thương mại, nhất là trong giải quyết các tranh chấp xuyên biên giới.
Tuy nhiên, nguồn lực trọng tài viên và các trung tâm trọng tài vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu giải quyết tranh chấp thương mại tại Việt Nam. Mặc dù có thị trường chứng kiến nhiều nỗ lực phát triển hệ thống trọng tài trong nước, nhưng sự thiếu hụt trọng tài viên quốc tế và các trung tâm trọng tài chuyên nghiệp vẫn là một thách thức lớn đối với quá trình hội nhập của nền kinh tế. Dường như Việt Nam chưa có một chiến lược đào tạo bài bản và chuyên sâu về trọng tài đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực cho công tác đóng vai trò không thể thiếu đối với hoạt động kinh doanh thời hội nhập(7).
Phát biểu tại một hội thảo tổ chức hôm 31-10 tại TPHCM, ông Phạm Việt Tuấn, Trọng tài viên, Luật sư cấp cao tại Indochine Counsel (IC), cho biết Việt Nam mới chỉ có khoảng 44 trung tâm trọng tài thương mại trên cả nước, tập trung chủ yếu ở TPHCM (23) và Hà Nội (12). Theo số liệu từ Bộ Tư pháp, tính đến tháng 11-2024, cả nước có khoảng 700 trọng tài viên là người Việt Nam và nước ngoài(8). Con số này thậm chí chưa bằng số lượng trọng tài viên của riêng Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (SIAC) với hơn 800 người từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ(9).
Quan trọng hơn, ở trong nước, tỷ lệ các phán quyết trọng tài bị hủy bỏ vẫn còn khá cao. Theo số liệu do Hội Luật gia Việt Nam tổng hợp, từ năm 2011-2024, có 43 trên 181 vụ án trọng tài bị hủy, trong đó 45% là do phán quyết chung thẩm trọng tài trái với pháp luật Việt Nam. Điều này không chỉ làm lãng phí thời gian và tài nguyên của các bên tranh chấp mà còn phần nào làm giảm niềm tin của doanh nghiệp và nhà đầu tư vào cơ chế trọng tài(10).
Như bà Đặng Diệu Phương, Trọng tài viên, Phó chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương nhân Việt Nam (VTA), đã chỉ ra, thế giới đang ghi nhận xu hướng ngày càng nhiều các tổ chức quốc tế thống nhất các quy tắc trọng tài. Đặc điểm này không chỉ giúp đơn giản hóa thủ tục mà còn tạo ra một môi trường trọng tài quốc tế chuyên nghiệp, minh bạch và đáng tin cậy hơn. Bà khuyến nghị các trung tâm trọng tài quốc tế tại Việt Nam nên chủ động nghiên cứu và áp dụng những quy tắc trọng tài quốc tế phổ biến để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Một hệ thống trọng tài thương mại phát triển mạnh mẽ không chỉ đơn thuần là một công cụ giải quyết tranh chấp mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững. Khi có thể tin tưởng vào một quá trình giải quyết tranh chấp công bằng, nhanh chóng và chuyên nghiệp, các doanh nghiệp, cả trong nước và quốc tế, sẽ mạnh dạn mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Động lực đó không chỉ góp phần tăng trưởng GDP mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đảm bảo cơ hội cho doanh nghiệp trong nước phát triển, đồng thời tiếp tục củng cố sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.
(1) https://www.pon.harvard.edu/daily/dispute-resolution/what-is-alternative-dispute-resolution/
(2) https://iccwbo.org/wp-content/uploads/sites/3/2024/06/2023-Statistics_ICC_Dispute-Resolution_991.pdf
(3) https://phaply.net.vn/mot-so-vuong-mac-tu-thuc-te-ap-dung-luat-trong-tai-thuong-mai-va-de-xuat-huong-hoan-thien-a258065.html
(4) http://dzungsrt.com/wp-content/uploads/2015/03/20150831-Du-thao-Tham-Luan-tong-ket-thi-hanh-LTTTM-updated-clean.pdf
(5) https://aslgate.com/vi/vai-tro-cua-trong-tai-quoc-te-giai-quyet-tranh-chap-xuyen-bien-gioi-tai-viet-nam/
(6) https://www.viac.vn/thong-ke/thong-ke-hoat-dong-giai-quyet-tranh-chap-tai-viac-1993-2022-s39.html
(7) https://nguoidothi.net.vn/ra-mat-vien-trong-tai-quoc-te-viet-nam-26363.html
(8) https://phaply.net.vn/hoan-thien-the-che-phap-luat-nang-vi-the-trong-tai-thuong-mai-dap-ung-yeu-cau-cua-hoi-nhap-va-phat-trien-a257588.html
(9) https://siac.org.sg/-panel-directory
(10) https://moj.gov.vn/dtvb/dtvbp/Lists/DsDuThao/Attachments/656/Bao%20cao%20danh%20gia.pdf