(KTSG Online) - Ngày 26-11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư Vùng, với chủ đề “Tư duy mới - Đột phá mới - Giá trị mới”.
Hội nghị được tổ chức tại TP Vũng Tàu với sự tham gia của hơn 1.200 đại biểu bộ, ngành và 6 tỉnh thành vùng Đông Nam bộ. Ngoài ra, còn có lãnh đạo hai tỉnh miền Tây Nam Bộ gắn kết với miền Đông là Tiền Giang và Long An, cùng hàng trăm doanh nghiệp, hiệp hội liên quan.
Đông Nam bộ, gồm 6 tỉnh thành là TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước và Tây Ninh, có diện tích hơn 23.560 km2, dân số hơn 18,7 triệu người (năm 2021), đóng góp 32% GDP của cả nước.
Đổi mới về tư duy, phát huy sự sáng tạo
Triển khai Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 154/NQ-CP về Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết trên cơ sở bám sát quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị. Chương trình đã đề ra 19 chỉ tiêu; 7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; 35 nhiệm vụ, đề án cụ thể và 29 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng vùng Đông Nam Bộ.
Chương trình hành động của Chính phủ thể hiện định hướng chỉ đạo theo tinh thần đổi mới về tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành phát triển của từng địa phương trong Vùng. Trong đó, phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trở thành động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế vùng; đi đầu trong phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ số, các ngành dịch vụ cao cấp, chất lượng cao; đẩy mạnh hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng, tạo không gian kinh tế thống nhất, khắc phục các điểm nghẽn, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh vùng.
Bên canh đó là việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá, vượt trội, cạnh tranh quốc tế để xây dựng TPHCM thành trung tâm tài chính quốc tế; huy động tối đa nguồn lực cho phát triển vùng, trong đó tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, quan trọng, trọng điểm, có sức lan toả, nhất là phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, quốc lộ, các tuyến đường vành đai, cảng hàng không, cảng biển, đường sắt trong vùng và kết nối với các vùng khác. Chương trình cũng đề cập việc tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong lĩnh vực ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ; có chế độ đãi ngộ, thu hút nhân tài làm việc trong vùng.
TTXVN dẫn thông tin từ các tham luận trình bày tại hội nghị về chương trình, hành động của Bộ, ngành, địa phương thực hiện Nghị quyết 24. Trong đó, Bộ Giao thông vận tải có kế hoạch về việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kết nối vùng Đông Nam bộ gắn với các vùng lân cận và cảng biển, sân bay thông qua các tuyến đường bộ cao tốc.
Bộ Xây dựng có kế hoạch nâng cao chất lượng đô thị vùng Đông Nam bộ, thực hiện đồng bộ các chính sách giải nén, giảm tải cho các đô thị lớn, thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh vùng Đông Nam bộ.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có giải pháp giải quyết các vấn đề tạo việc làm, bảo đảm cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất vùng Đông Nam Bộ...
UBND TPHCM có phương hướng phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành phố hiện đại, thông minh, năng động, sáng tạo, trung tâm tài chính quốc tế, phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực châu Á. Tỉnh Bình Dương phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp có giá trị gia tăng cao, đô thị, dịch vụ, logistics gắn với vành đai công nghiệp dọc hành lang 3, 4 và các tuyến cao tốc. Tỉnh Bình Phước đẩy mạnh cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, sinh thái, bền vững...
Các tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp tham luận về việc hợp tác đầu tư, đẩy mạnh kết nối hạ tầng vùng Đông Nam bộ với hạ tầng quốc gia và khu vực; huy động sự quan tâm và hỗ trợ của cộng đồng trong hợp tác phát triển hài hòa giữa kinh tế-xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường; tiềm năng, cơ hội hợp tác kinh tế xanh trên địa bàn.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) khuyến nghị những giải pháp đột phá về chính sách, thể chế giúp vùng Đông Nam bộ tăng tốc phát triển và trở thành khu vực có năng lực cạnh tranh quốc tế hàng đầu. Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KOCHAM) đánh giá về môi trường, cơ hội đầu tư tại Việt Nam nói chung và Đông Nam bộ nói riêng, đồng thời có khuyến nghị chính sách phát triển vùng.
Khắc phục hạn chế, hướng đến mục tiêu bền vững
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Đông Nam bộ là nơi “hội tụ tiềm năng, thế mạnh”. Vùng đạt nhiều kết quả nổi bật: đóng góp vào GDP nhiều nhất cả nước; GRDP bình quân đầu người cao nhất và tỷ lệ nghèo, chênh lệch giàu - nghèo thấp nhất; tỷ lệ đô thị hoá cao nhất; tổng thu ngân sách Nhà nước nhiều nhất; có số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất; tuổi thọ trung bình người dân luôn đạt mức cao nhất.
Bên cạnh đó, ông cũng nêu ra những điểm hạn chế như cơ chế chính sách còn hạn hẹp; kết nối hạ tầng chiến lược chưa hiệu quả; huy động nguồn lực còn hạn chế, chưa huy động hợp tác công tư, nguồn lực trong xã hội; đổi mới, sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa ngang tầm yêu cầu; phát triển văn hóa chưa theo kịp với chính trị, kinh tế, xã hội. Những thách thức cả nội tại và khách quan như: phát triển chưa bền vững; tắc nghẽn giao thông; tác động của biến đổi khí hậu; ô nhiễm môi trường; phân hóa giàu nghèo; an sinh xã hội...
Theo Baochinhphu.vn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phân tích các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển vùng với phương châm “Tư duy đổi mới - Đột phá mới - Giá trị mới”.
“Tư duy mới” là phải phát huy tính tự lực, tự cường, dựa vào nội lực là cơ bản, chiến lược lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá. Vùng phải xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả; biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể; những vấn đề toàn cầu phải có cách tiếp cận toàn cầu, vấn đề tác động toàn dân phải có cách tiếp cận toàn dân.
“Đột phá mới” là phải có cơ chế chính sách đột phá, trong đó có cách thức, phương thức mới huy động nguồn lực; huy động hợp tác công tư. Đưa giáo dục, đào tạo, đổi mới sáng tạo, khoa học, công nghệ, khởi nghiệp, tăng năng xuất lao động trở thành phong trào, xu thế phát triển của vùng. Thực hiện cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, trong đó có chăm lo nhà ở cho công nhân, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công...
Về “Giá trị mới”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phân tích, đó là phải mang lại tốc độ tăng trưởng nhanh hơn; đóng góp vào ngân sách Nhà nước, thu nhập bình quân đầu người phải cao hơn, sánh với khu vực và quốc tế; phấn đấu chỉ số phát triển con người cao hơn, ngang tầm với các nước phát triển; hạ tầng kết nối vùng, cả nước và quốc tế phải tốt nhất cả nước; khắc phục hậu quả về môi trường và suy thoái môi trường; khắc phục được những tồn tại, bức xúc; phát triển xanh, phát triển bao trùm, toàn diện...
Trong khuôn khổ hội nghị, Thủ tướng Chính phủ chứng kiến lễ công bố Thỏa thuận hợp tác và trao Giấy chứng nhận đầu tư, Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ với các đối tác, nhà đầu tư. Sự kiện ghi nhận 20 dự án với tổng số vốn hơn 10 tỉ đô la Mỹ và hơn 5.000 tỉ đồng, thuộc các lĩnh vực lọc hóa dầu, điện tử, hạ tầng khu công nghiệp, đô thị, du lịch...
Chương trình hành động xác định 19 chỉ tiêu cụ thể về kinh tế-xã hội và môi trường, phấn đấu đến năm 2030 đạt một số chỉ tiêu quan trọng như tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 8-8,5%. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 380 triệu đồng/năm. Tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm 41,7% trong GRDP, khu vực công nghiệp và xây dựng 45,3% (riêng công nghiệp chế biến, chế tạo 33%). Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP chiếm 30-35%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt khoảng 40-45%.