(KTSG Online) - Đến năm 2030 Việt Nam đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên đáp ứng được nhu cầu tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn.
- Hàng tỉ đô la đổ vào ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam
- NVIDIA (Mỹ) muốn lập trung tâm công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam
Ngày 21-9, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long ký ban hành Quyết định số 1017/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050", TTXVN đưa tin.
Theo Quyết định, mục tiêu chung đến năm 2030, Việt Nam đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn có chất lượng, tập trung vào công đoạn thiết kế vi mạch bán dẫn, đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn; từng bước nắm bắt công nghệ trong công đoạn sản xuất bán dẫn; trong đó đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Đến năm 2050, Việt Nam có đội ngũ nhân lực mạnh, gia nhập vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu; đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam cả về chất lượng và số lượng.
Bên cạnh đó, đào tạo chuyên sâu về công nghiệp bán dẫn cho 1.300 giảng viên của Việt Nam giảng dạy tại các viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở hỗ trợ đào tạo và doanh nghiệp.
Theo Quyết định, ngân sách nhà nước bố trí để hỗ trợ nguồn vốn đầu tư phát triển cho việc đầu tư hình thành, nâng cấp, hiện đại hóa bốn phòng thí nghiệm bán dẫn dùng chung cấp quốc gia tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, thành phố Đà Nẵng và các phòng thí nghiệm bán dẫn cấp cơ sở phục vụ đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn tại 18 cơ sở giáo dục đại học công lập.