Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Phí sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư: đã thu thì phải hiệu quả!

Huỳnh Thiên Tứ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Tháng 5 vừa qua Bộ Tài chính đã công bố Dự thảo Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác và sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Như vậy, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLDC) không phải miễn phí và có thể không dành cho tất cả mọi người.

Vì sao khai thác, sử dụng không miễn phí?

Nói ngắn gọn thì Việt Nam không xem CSDLDC là dữ liệu mở. Theo định nghĩa tại điều 3 Nghị định 47/2020/NĐ-CP, dữ liệu mở (của cơ quan nhà nước) là dữ liệu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố rộng rãi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân tự do sử dụng, tái sử dụng, chia sẻ. Đã “mở” thì phải “hiếu khách”, nghĩa là việc khai thác, sử dụng thông tin từ dữ liệu mở là tự do, theo nguyên tắc làm những gì luật không cấm. Nếu CSDLDC là dữ liệu mở thì việc sử dụng sẽ là miễn phí theo điều 17 nghị định này.

Tuy nhiên, điều 10 Luật Căn cước công dân đã thể hiện: CSDLDC là tài sản quốc gia, được Nhà nước bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Việc khai thác, sử dụng thông tin trong CSDLDC phải thực hiện theo quy định cụ thể, áp dụng đối với từng nhóm chủ thể khác nhau. Nói cách khác, việc khai thác, sử dụng CSDLDC phải thông qua cơ quan quản lý nhà nước, và phải tiến hành theo luật định hoặc theo trình tự xin – cho.

Ai được sử dụng, và trình tự thế nào?

Trình tự khai thác CSDLDC thế nào là phụ thuộc vào chủ thể khai thác. Hiện tại, có bốn trình tự khai thác CSDLDC, với mức độ khác nhau, được áp dụng cho bốn nhóm chủ thể, quy định tại điều 10 Luật Căn cước công dân và điều 8, Nghị định 137/2015/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi điều 1 của Nghị định 37/2021/NĐ-CP).

Cơ quan thẩm quyền cũng cần giải trình lý do đồng ý cũng như từ chối cấp phép, và công khai toàn bộ kết quả cấp phép, thu phí, và danh tính người nộp phí tại một vị trí dễ nhìn, dễ thấy.

Đối với nhóm (1) là nhóm cơ quan quyền lực nhà nước, trong đó bao gồm cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, thì được khai thác thẳng từ CSDLDC qua mọi phương thức luật định, nhưng với điều kiện là phục vụ công tác quản lý nhà nước và phải theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao cụ thể của cơ quan đó.

Nhóm (2) là nhóm các tổ chức cung cấp dịch vụ dân sự và có thể có liên quan đến công tác xác thực điện tử và định danh điện tử, ví dụ như các ngân hàng, nhà mạng viễn thông, các tổ chức chứng thực chữ ký số, thậm chí cả văn phòng công chứng, thừa phát lại,… Nhóm này thì không được khai thác thẳng, mà phải qua các cổng dịch vụ công hoặc qua văn bản yêu cầu.

Nhóm (3) là công dân Việt Nam muốn khai thác thông tin thì chỉ có thể khai thác những thông tin của chính mình, qua phương thức yêu cầu bằng văn bản, qua tin nhắn hoặc qua truy cập cổng dịch vụ công. Phương thức này thì bị giới hạn: ai truy cập của người nấy, không được xem thông tin của người khác.

Cuối cùng, những chủ thể nào không thuộc ba nhóm trên thì khai thác thông qua cơ chế xin – cho, theo yêu cầu bằng văn bản cho mỗi lần cụ thể.

Gánh nặng chi phí rơi vào nhóm trung gian số

Theo điều 2 Dự thảo Thông tư nói trên, chỉ hai nhóm là cơ quan công quyền và người dân là không cần trả phí khi khai thác, sử dụng thông tin trong CSDLDC; những tổ chức, cá nhân còn lại khi có đề nghị và được cơ quan thẩm quyền chấp thuận cung cấp thông tin thì phải nộp phí. Như vậy, thực tế phần lớn nguồn thu phí này đến từ các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ số (ISP), theo nghĩa rộng nhất của từ này.

Mấu chốt để giải bài toán phát triển hệ sinh thái số là phát huy tiềm lực của những chủ thể ở nhóm (2) là nhóm trung gian số. Một mặt, với nguồn lực có hạn, cơ quan quản lý nhà nước có thể san sẻ một số nhiệm vụ, giao về cho khu vực tư nhân theo phương thức hợp tác triển khai(1); mặt khác, có thể tận dụng khu vực tư nhân với năng lực hạ tầng tốt hơn để “nhờ” họ tiến hành một số công đoạn trong công tác tuân thủ và tư pháp, chẳng hạn như định danh điện tử, xác thực điện tử và nền tảng giao dịch điện tử(2). Nhóm trung gian số cần quyền truy cập và khai thác các cơ sở dữ liệu, trong đó có CSDLDC. Thu phí sử dụng có nguy cơ tạo nên gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp chuyển đổi số, đi ngược với chính sách khuyến khích khởi nghiệp và xu hướng hợp tác công – tư trong chuyển đổi số.

Đã thu phí thì phải hiệu quả

Trong khung thể chế phát triển kinh tế số, các tổ chức trung gian dữ liệu đóng một vai trò quan trọng. Các trung gian dữ liệu sẽ đóng góp tích cực trong việc kiểm soát dòng chảy của dữ liệu; thanh, kiểm tra và đánh giá mức độ an toàn của hệ thống cơ sở dữ liệu; kịp thời phát hiện sai phạm, và đảm bảo sự tuân thủ của tất cả các bên trong quan hệ liên quan đến dữ liệu(3). Một khoản phí trong việc tiếp cận dữ liệu có nguy cơ trở thành gánh nặng, làm giảm bớt sự tham gia của các trung gian dữ liệu trong việc đảm bảo tính dân chủ, khách quan của môi trường số.

Trong thành phần của CSDLDC bao gồm khá nhiều dữ liệu định danh cá nhân, dữ liệu liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, vì vậy, việc mở chia sẻ những dữ liệu này phải tuân thủ quy định về an toàn, an ninh mạng và những quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Song nhà thiết kế chính sách có thể sử dụng khoản phí này để “hích” các trung gian dữ liệu, khuyến khích họ tham gia vào thị trường. Khi bỏ ra chi phí, các chủ thể sẽ kỳ vọng nhận được chất lượng tương xứng. Nếu khoản phí này được thiết kế hợp lý, “vừa túi tiền”, đi liền với chất lượng xứng tầm, thì nhà đầu tư trung gian số sẽ chấp nhận bỏ ra chi phí để tham gia thị trường, với kỳ vọng nhận lại chất lượng và hiệu quả tương xứng.

Vì vậy, cơ quan quản lý cần thường xuyên cập nhật và đồng bộ hóa các nền tảng liên ngành, đảm bảo dữ liệu được cung cấp phải ở định dạng giúp các thiết bị và máy tính có thể “đọc” được một cách tiện lợi nhất. Bên cạnh đó, để phát huy hiệu quả quản trị CSDLDC thì cơ quan quản lý phải đảm bảo tính hợp pháp, thẩm quyền và minh bạch trong toàn bộ quy trình cấp phép và mở truy cập CSDLDC. Mặc dù đã có quy định về công khai lịch sử truy cập, cơ quan thẩm quyền cũng cần giải trình lý do đồng ý cũng như từ chối cấp phép, và công khai toàn bộ kết quả cấp phép, thu phí, và danh tính người nộp phí tại một vị trí dễ nhìn, dễ thấy.

Bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân

Về nguyên tắc, công dân không phải trả phí khi thực hiện quyền tiếp cận thông tin, trừ những chi phí thực tế mang tính kỹ thuật như chi phí in ấn, sao chụp, gửi thông tin(4). Vì vậy, việc thu phí trên yêu cầu khai thác, sử dụng CSDLDC không được đi ngược với quyền tiếp cận thông tin, và phải được đặt trên cơ sở biện minh chính đáng. Song cơ sở này là gì thì chưa thấy thể hiện rõ trong Dự thảo Thông tư hay những văn bản pháp lý khác.

Trong thành phần của CSDLDC bao gồm khá nhiều dữ liệu định danh cá nhân, dữ liệu liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân(5), vì vậy, việc mở chia sẻ những dữ liệu này phải tuân thủ quy định về an toàn, an ninh mạng và những quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân (hiện vẫn trong giai đoạn dự thảo). Cơ quan chủ quản cần có kế hoạch phân loại dữ liệu sẵn theo nhiều tổ hợp khác nhau, trong đó có những tổ hợp đã được khử định danh sẵn để có thể sẵn sàng chia sẻ khi có yêu cầu. Bên cạnh đó cần cập nhật, bảo trì kỹ thuật hệ thống và tăng khả năng chống chịu của hệ thống CSDLDC một cách liên tục, định kỳ. Có thể tham khảo và áp dụng đồng thời những quy chuẩn an toàn như ISO 27001 và một số bộ quy chuẩn khác, có quy trình đánh giá, kiểm định chặt chẽ để duy trì bảo mật, an toàn cho hệ thống.

————

(1) Xem điểm c, khoản 1 điều 29 Thông tư 47/2020/NĐ-CP.
(2) Xem Dự thảo Nghị định về định danh và xác thực điện tử
(3) https://www.pdpc.gov.sg/-/media/Files/PDPC/New_DPO_Connect/feb_16/pdf/DataIntermedieries.pdf
(4) Điều 12 Luật Tiếp cận thông tin.
(5) Xem thêm điều 37 Luật Cư trú 2020.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới