Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Phía sau di sản

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Phía sau di sản

Lan Nhi

Phía sau di sản(TBKTSG) – Vịnh Hạ Long dù có nằm trong danh sách “Bảy kỳ quan thiên nhiên thế giới” của New7Wonders hay không, có lẽ không quá quan trọng đối với người Việt Nam, bởi lẽ Vịnh Hạ Long thực sự là một di sản thiên nhiên của thế giới đã được UNESCO hai lần công nhận.

Ai cũng biết mục tiêu phát động cuộc bầu chọn nhằm hướng tới sự quan tâm của người dân trong nước và khách du lịch quốc tế đối với tiềm năng du lịch của Hạ Long. Nhưng cũng cần phải nói thẳng, việc thu hút thêm khách du lịch cho một vùng đất nhiều thắng cảnh như Vịnh Hạ Long là không khó. Song nó sẽ chỉ có ý nghĩa nếu chính quyền và người dân Quảng Ninh hiểu được giá trị đích thực của danh hiệu di sản. Việc “đeo” thêm danh hiệu cho Vịnh Hạ Long cũng là cách buộc thêm trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn và phát triển Hạ Long bên cạnh việc khai thác các dịch vụ du lịch.

Với tư cách là khách du lịch đến Vịnh Hạ Long nhiều lần, có thể nói tôi chưa khi nào cảm nhận được các “giá trị mềm” của vùng đất di sản. Người ta luôn khai thác nó một cách rầm rộ mà quên đi điều quan trọng nhất là phải giữ chân du khách bằng cả văn hóa của vùng đất này.

Đành rằng ở các khu du lịch của Việt Nam nói chung hay nhiều nơi khác nữa vẫn có tình trạng “chặt chém” du khách, chất lượng kinh doanh dịch vụ chưa cao, các hoạt động văn hóa “ăn theo” du lịch nghèo nàn, nhưng ở Hạ Long, điều này là rất rõ.

Không phải khách du lịch Hạ Long nào cũng có điều kiện ở khách sạn 3 sao. Phần lớn du khách tìm đến khu Vườn Đào, ở Bưu điện Hạ Long, hay những dãy phố tập trung dành cho khách du lịch bình dân. Vậy mà giá cả của loại phòng ốc kém chất lượng này vào những dịp lễ (cao điểm) cũng không thua kém gì khách sạn 3 sao; giá ăn uống ở những khu vực không niêm yết giá đắt đến không ngờ, chưa kể đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn là câu chuyện dài.

Đã có lần, để tránh cảnh chờ dài cổ trong khu ăn uống ở Vườn Đào, nhiều đoàn khách đã sang tận Hòn Gai. Nhưng chất lượng phục vụ tại các quán ăn ở đây có thể làm du khách sợ hãi: trước khi bị tính tiền với giá “cắt cổ”, khách chẳng những buộc phải “hưởng dịch vụ” theo “quyền phục vụ” của chủ quán, mà còn phải nhận những cái nhìn thiếu thiện cảm, với kiểu nói năng: “Có thế thôi, không thích thì về Hà Nội mà ăn!”.

Nếu khách có điều kiện ăn ở tại Tuần Châu cũng không thể an lòng. Ở Tuần Châu, muốn ăn ngon, không có! Số quán ăn ở đây rất ít, chất lượng phục vụ rất kém và giá cả cũng khiến cho khách phải “đau lòng”.

Rồi còn chuyện mua hải sản. Lời khuyên của những người hướng dẫn du lịch lâu năm là chớ có rẽ vào mua hải sản ở các bè cá. Nhiều công ty du lịch đã rất vui vẻ trả thêm số tiền 300.000 đồng cho mỗi tàu thuê chở khách đi chơi trên vịnh, chỉ để họ… khỏi ghé vào các bè cá ấy!

Trong lúc “cao điểm” bầu chọn này, chính quyền Hạ Long ra tay dẹp tệ nạn quyết liệt lắm, nhưng vẫn mong rằng ý thức giữ gìn vẻ đẹp của cả một vùng đất không mang tính thời điểm, để du khách đến Hạ Long không chỉ mở lòng chiêm ngưỡng di sản thiên nhiên thế giới mà còn có thể mở lòng với văn hóa của một vùng đất Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới