Thứ sáu, 8/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Phía sau ‘quả ngọt’ từ các FTA …

Hùng Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong những năm gần đây không chỉ là kết quả của nỗ lực của doanh nghiệp mà còn được đóng góp bởi các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới đã "mở rộng cửa" cho hàng hóa Việt Nam tiến vào nhiều thị trường. Tuy nhiên, khi nguồn thu từ xuất khẩu tăng cao, doanh nghiệp Việt càng đối mặt nhiều hơn với các vụ việc điều tra, áp thuế chống bán phá giá, các biện pháp phòng vệ thương mại từ các thị trường nước ngoài.

Sản phẩm đồ gỗ Việt Nam là một trong những mặt hàng bị Mỹ đưa vào điều tra, phòng vệ thương mại... Ảnh minh họa: Lê Hoàng

Tình trạng kiện tụng thương mại giữa các nước tăng cao

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) gần đây đã khuyến nghị doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm máy xịt rửa áp lực cao chạy bằng gas đi Mỹ cần hợp tác với Bộ Thương mại Mỹ (DOC) trong việc điều tra sau khi cơ quan này chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá với sản phẩm này nhập khẩu từ Việt Nam.

Cục Phòng vệ thương mại lưu ý với nhà sản xuất rằng trong suốt quá trình diễn ra vụ việc, bất kỳ hành động thể hiện sự bất hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ có thể dẫn tới việc Cơ quan điều tra Mỹ sử dụng các chứng cứ sẵn có bất lợi hoặc áp dụng mức thuế chống bán phá giá cao nhất cho doanh nghiệp.

Về vụ việc này, theo phía Mỹ, nguyên đơn trong vụ việc này là FNA Group, Inc (Mỹ). Ngày khởi xướng điều tra 19-1-2023, thời kỳ điều tra là từ ngày 1-4-2022 đến 30-9-2022.

Nguyên nhân điều tra vì lượng hàng xuất khẩu theo dữ liệu sơ bộ từ Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (USITC), trong năm 2021, Việt Nam xuất khẩu khoảng 430 triệu đô la Mỹ sản phẩm máy xịt rửa áp lực cao chạy bằng gas sang Mỹ, chiếm khoảng 44% tổng trị giá xuất khẩu từ tất cả các nước vào Mỹ, tăng hơn 1,5 lần so với năm 2020, và gấp 25 lần so với năm 2019. Biên độ phá giá cáo buộc đối với sản phẩm Việt Nam mà phía Mỹ đưa ra là từ 110,23% đến 225,65%.

Sau khi đăng công báo chính thức khởi xướng điều tra, DOC đã ban hành Bản câu hỏi về Lượng và Giá trị (Q&V) cho các doanh nghiệp Việt Nam. Thực tế trong các vụ việc trước đây DOC điều tra, nếu doanh nghiệp không trả lời bản câu hỏi Q&V thì không được DOC xem xét hưởng thuế suất riêng rẽ.

Máy xịt rửa áp lực cao chạy bằng gas là dòng sản phẩm mới nhất mà Mỹ công bố điều tra. Trên thực tế, trong thời gian qua, Mỹ là quốc gia tiến hành điều tra và áp dụng nhiều nhất các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Bởi lẽ đây là thị trường mang lại giá trị xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và kim ngạch liên tục gia tăng trong những năm qua. Đơn cử như năm 2022, tổng trị giá xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam vào nền kinh tế xứ cờ hoa đạt 109,1 tỉ đô la, chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước (cả nước đạt 371,3 tỉ đô la Mỹ, tăng 10,5% so với năm 2021). Đây cũng là thị trường xuất khẩu đầu tiên từ trước đến nay vượt mốc 100 tỉ đô la/năm.

Chính vì kim ngạch xuất khẩu gia tăng cao mà Mỹ cũng đã liên tục mở các cuộc điều tra về hàng hóa Việt Nam. Theo ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, cho biết đến tháng 12-2022, Mỹ là thị trường điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng xuất khẩu của Việt Nam với 52 vụ việc (chiếm khoảng 22,5%).

Các mặt hàng bị điều tra tương đối đa dạng, từ các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thép, gỗ, thủy sản, dệt may, lốp xe, đến các sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu nhỏ như mật ong, máy cắt cỏ, đệm mút, túi dệt...

Không chỉ thị trường Mỹ mà nhiều thị trường khác, hàng xuất khẩu Việt Nam cũng bị điều tra phòng vệ thương mại nhiều hơn.

Giai đoạn 2005-2010 là 25 vụ việc phòng vệ thương mại với hàng Việt , thì đến giai đoạn 2011-2015 tăng lên 52 vụ và giai đoạn 2016-2021 là 109 vụ. Đến tháng 1-2023, có tổng 228 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Lý do chính của xu thế gia tăng các vụ việc phòng vệ thương mại đánh vào hàng xuất khẩu của Việt Nam là do xuất khẩu của Việt Nam tăng rất nhanh.

Cùng với việc Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do, các hàng rào thuế quan dần được dỡ bỏ, xuất khẩu nhiều mặt hàng trên đà tăng trưởng mạnh. Điều này gây áp lực cho doanh nghiệp tại thị trường nhập khẩu.

Điều này buộc chính phủ nước sở tại phải sử dụng công cụ chính sách để bảo vệ lợi ích của ngành sản xuất trong nước, trong đó có các biện pháp PVTM - công cụ được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho phép.

Những năm qua, tác động của đại dịch Covid-19 cộng với tình hình chính trị thế giới có nhiều diễn biến phức tạp đã tác động đến các nền kinh tế, khiến nhiều ngành sản xuất phải thu hẹp hoạt động, cắt giảm nhân lực trong khi thị trường tiêu thụ hàng hóa bị thu hẹp. Thách thức này buộc các quốc gia phải tăng cường sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.

Tính đến hết tháng 1-2023, hàng xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với 228 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường, xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

Theo các chuyên gia, sự vươn lên của các trung tâm sản xuất hàng hóa mới nổi như Việt Nam với thế mạnh hàng hóa có giá cả phải chăng, đạt tiêu chuẩn chất lượng đã làm cho nhiều thị trường nhập khẩu, đặc biệt là một số nền kinh tế phát triển áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với tần suất cao hơn.

Lốp xe cũng là mặt hàng bị các nước đưa vào điều tra, phòng vệ thương mại .Ảnh minh họa: L.H

Gia tăng bị điều tra lẩn tránh thuế

Xuất khẩu tăng trưởng nhanh cho thấy năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam ở nhiều lĩnh vực đã cao hơn, hàng hóa của Việt Nam đã thâm nhập được và có chỗ đứng tại nhiều thị trường. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra áp lực cạnh tranh đối với các ngành sản xuất tại nước nhập khẩu, khiến các ngành sản xuất này có thể phải yêu cầu chính phủ sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ để bảo vệ mình.

Do đó, cùng với việc kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam ngày càng có khả năng trở thành đối tượng bị điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Trên thực tế, số lượng vụ việc phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của ta đã tăng nhanh trong những năm gần đây.

Đáng chú ý, gần đây các vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế của các nước, trong đó là Mỹ có xu hướng gia tăng khi nước này sửa đổi quy định liên quan.

Cụ thể Mỹ sẽ điều tra mặt hàng xuất khẩu vào nước này bị nghi ngờ có hàm lượng giá trị gia tăng thấp, có thể được nhập khẩu từ một nước thứ ba vào Việt Nam và xuất khẩu sang Mỹ để lẩn tránh thuế.

Tức là nước này nghi ngờ hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam chưa đáp ứng điều kiện "chuyển đổi đáng kể" tại Việt Nam (tức chưa đạt được hàm lượng giá trị gia tăng về tỉ lệ nội địa hóa được tạo ra ở Việt Nam, mà có khả năng hàng hóa từ nước thứ ba xuất khẩu vào Việt Nam sau đó xuất sang Mỹ).

Trên thực tế DOC cũng đã khởi xướng hơn 20 vụ việc chống lẩn tránh thuế với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Những mặt hàng đang là đối tượng bị áp thuế phòng vệ thương mại của Mỹ mà có liên quan tới nước thứ ba bị Mỹ sẽ đưa vào điều tra lẫn tránh thuế. Nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn bị điều tra như pin năng lượng mặt trời (1,4 tỉ đô la), tủ gỗ (2,7 tỉ đô la)...

Sản phẩm bị điều tra lẩn tránh thuế là sản phẩm được sản xuất gia công từ những nguyên liệu được nhập khẩu từ những quốc gia bị áp dụng điều tra. Hoạt động sản xuất gia công thực hiện không đáng kể.

"Với những vụ việc này, cuộc điều tra của Bộ Thương mại Mỹ còn có tính chất rộng hơn, tức là không chỉ điều tra những hành vi gian lận mà còn điều tra để xem hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có hàm lượng giá trị gia tăng tạo ra tại Việt Nam có lớn hay không", ông Chu Thắng Trung, Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại nói tại Tọa đàm "Rủi ro và giải pháp hạn chế bị điều tra, áp dụng biện pháp chống lẩn tránh với hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ" do tạp chí Công Thương tổ chức vào cuối năm 2022.

Thậm chí Mỹ còn sửa đổi lại các quy định pháp luật về điều tra chống lẩn tránh và áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh để làm sao các thủ tục, các điều kiện quy định được chặt chẽ hơn và tạo cho cơ quan có thẩm quyền, ở đây là Bộ Thương mại Mỹ, quyền hạn phù hợp hơn cho các hoạt động điều tra.

Tuy nhiên, việc xác định thế nào là "chuyển đổi đáng kể" để tạo ra giá trị gia tăng trong từng công đoạn sản xuất là vấn đề phức tạp và. Điều này tùy thuộc vào từng mặt hàng cụ thể và theo quy định của mỗi quốc gia nhập khẩu có thể khác nhau.

Trong khi đó, theo đại diện Cục Phòng vệ thương mại, đến nay các vụ điều tra chống lẩn tránh thuế đang gia tăng. Vì vậy, cơ quan này khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam không nên tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

Vì thực tiễn cho thấy nếu phát hiện các hành vi này, nước nhập khẩu sẽ áp dụng chế tài trừng phạt rất nặng, trong nhiều trường hợp doanh nghiệp sẽ mất toàn bộ thị trường xuất khẩu liên quan.

Ngoài ra, các nước thường có xu hướng kiện nhiều nước, gồm những nước có thị phần lớn, nước thứ ba có nghi ngờ chuyển tải hàng hóa để lẩn tránh thuế. Trong đó, Việt Nam đang là quốc gia thường xuyên bị kiện chung với một số nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ...

Doanh nghiệp cần làm gì để giảm thiệt hại?

Với 15 FTA đang thực thi đã tạo điều kiện để hàng hóa gia tăng xuất khẩu, được ưu đãi thuế nhưng khi một mặt hàng có sự gia tăng xuất khẩu quá mạnh tại một thị trường, cũng gia tăng bị khởi kiện.

Với 15 FTA đang thực thi đã tạo điều kiện để hàng hóa gia tăng xuất khẩu, được ưu đãi thuế. (Ảnh: TTXVN)

Việt Nam đã lọt vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế vào cuối năm 2021. Quy mô xuất nhập khẩu tăng cao, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng ngày càng phải đối mặt nhiều hơn với các vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài.

Theo các chuyên gia, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, trong đó xuất khẩu là một trong 3 động lực tăng trưởng chính, để tránh hoàn toàn các vụ kiện phòng vệ thương mại là không thể, vì biện pháp này luôn đi kèm với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Đối với doanh nghiệp Việt Nam, việc bị nước ngoài điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ có những tác động tiêu cực. Vì nếu hàng hóa xuất khẩu bị áp thuế phòng vệ thương mại ở mức cao sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh, dẫn đến mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu...

Do đó để giảm thiểu các vụ việc này, các chuyên gia thương mại lưu ý doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh lệ thuộc vào một thị trường, theo dõi cảnh báo sớm về các mặt hàng có nguy cơ bị khởi kiện để có sự điều chỉnh phù hợp.

Giải pháp quan trọng nữa là cần chủ động lưu trữ hồ sơ, dữ liệu cho các lô hàng xuất khẩu đi từng thị trường; đối với từng vụ việc, nên hợp tác với cơ quan điều tra để chứng minh rằng mình không bán phá giá, không nhận trợ cấp, thuê các công ty luật có uy tín soạn thảo hồ sơ để giải trình với cơ quan điều tra của nước khởi kiện...

Do đó, lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam cần phải tăng cường tìm hiểu pháp luật về các quy định về phòng vệ thương mại để chủ động ứng phó.

Trường hợp bị điều tra, khởi kiện, doanh nghiệp nên hợp tác đầy đủ, toàn diện, cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài. Đồng thời, doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại trong quá trình ứng phó vụ việc để được hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời.

Từ góc độ cơ quan quản lý, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại thông qua các hoạt động đa dạng.

Điển hình là cảnh báo sớm nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại để doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch xử lý. Trao đổi kịp thời với hiệp hội, doanh nghiệp để cung cấp thông tin cập nhật giúp doanh nghiệp nắm được diễn biến vụ việc. Tư vấn pháp lý, quy trình thủ tục điều tra, quy định điều tra của nước khởi kiện và đưa ra các khuyến nghị, định hướng xử lý cụ thể cho doanh nghiệp…

Trên thực tế trong 11 tháng đầu năm 2022, các nước đã tiến hành 16 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong các vụ việc này, Bộ Công thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xử lý hiệu quả thông qua các hoạt động đa dạng.

Nhờ đó, Việt Nam đã xử lý đạt kết quả tích cực trong nhiều vụ việc, giúp nhiều doanh nghiệp, nhiều mặt hàng xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc được hưởng mức thuế thấp (với các mặt hàng như tôm, cá tra-basa, một số sản phẩm thép, mật ong...), góp phần duy trì tăng trưởng xuất khẩu, nhất là sang các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Canada...

Ông Chu Thắng Trung cho biết, công tác phòng vệ thương mại của Việt Nam thời gian qua đã được đẩy mạnh cả về phạm vi, quy mô, mức độ và đạt được kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tham gia các Hiệp định FTA thế hệ mới.

2 BÌNH LUẬN

  1. Bài viết lạ thật. Toàn thấy Mỹ kiện Việt Nam trong khi Việt Nam đâu có FTA với Mỹ. Nếu có thì các tranh chấp thương mại sẽ tuân theo FTA hơn là các luật của WTO rồi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới