Thứ ba, 28/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

“Phim” chiến tranh thương mại chiếu qua chỉ số đô la Mỹ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Phim” chiến tranh thương mại chiếu qua chỉ số đô la Mỹ

Nguyễn Quang Bình

(TBKTSG Online) - Đồng đô la Mỹ tăng mạnh những ngày qua đã ảnh hưởng như thế nào đến thị trường chứng khoán và hàng hóa thương phẩm toàn cầu?

Tình hình tranh chấp và trả đũa (retaliation) thương mại lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng quyết liệt. Ngày 19-6, Washington bật đèn xanh cho việc áp thuế nhập khẩu (tariffs) thêm trên 200 tỉ đô la đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc. Đây được xem là động thái đáp trả việc Bắc Kinh áp thuế 25% lên 50 tỉ đô la hàng nhập khẩu từ Mỹ. Cũng hôm ấy, hầu hết giới đầu tư chứng khoán đều ấn nút bán (hit the sell button), các sàn hàng hóa phái sinh (derivatives) cũng đều đỏ quạch, tức giá rớt.

Giá trên các sàn chứng khoán và phái sinh cũng biết “ra bắc vào nam” rất lãng mạn chứ không khô khan như nhiều người tưởng. Khi investors hit the sell button, giá niêm yết trên bảng điểm của các sàn đều có dấu mũi tên màu đỏ chỉ xuống. Theo bản đồ địa lý, các mũi tên đang chỉ theo hướng Nam. Nhưng bạn chớ nói “giá vào Nam” mà phải nói “prices turn south”, tức “giá rớt”.

“Phim” chiến tranh thương mại chiếu qua chỉ số đô la Mỹ
DXY từ đầu năm 2018 đến nay

Khi giá cổ phiếu và hàng hóa thương phẩm (commodities) rớt, nhiều khả năng giá trị chỉ số đồng đô la Mỹ tăng mạnh (USD index, mã kinh doanh thường gọi là DX hoặc DXY), tức là DXY turn north. Nhìn riêng đồ thị (chart) diễn biến DXY, ta thấy giá trị DXY tăng dựng đứng từ giữa tháng 4-2018 đến nay. DXY là chỉ số đo lực mạnh/yếu (strength/weakness) của đồng đô la so với rổ tiền tệ của 6 đồng ngoại tệ mạnh của thế giới.

So sánh diễn biến của DXY với các hàng hóa khác.

Người kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa thương phẩm (commodities) thường dùng các sàn lấy đồng đô la làm phương tiện thanh toán. Do vậy, người kinh doanh trên các sàn phái sinh gặp nhiều rủi ro khi giá trị DXY turn north, giá trên các sàn commodities turn south, và ngược lại. Như vậy, có thể nói rằng thông thường (chứ không phải là luôn luôn) có một mối quan hệ nghịch đảo giữa giá trị đồng đô la Mỹ và giá hàng hóa thương phẩm (there's normally an inverse relationship between the value of the dollar and commodity prices).

Đến đây, hãy tạm nhất trí khi USD value turns north, thì giá hàng hóa giảm hay the prices of commodities turn south.

Thị trường cũng còn sử dụng một chỉ số giá hàng hóa quan trọng gọi là CoreCommodity CRB Indices hay gọi tắt là CRB index. CRB index là chỉ số của một rổ 19 loại hàng hóa kinh doanh (a basket of 19 commodities) trên các sàn tài chính phái sinh như dầu thô (crude oil), kim loại vàng (gold), bạc (silver), đậu nành (soya beans), bắp (corn), cà phê (coffee)...

Nhìn đồ thị 2 ta thấy khi giá trị DXY tăng, thì giá commodities nói chung (CRB index) và một số hàng hóa khác như vàng, bạc giảm. Trường hợp cụ thể trong thời gian qua, kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) quyết định tăng lãi suất đồng đô la (interest rate), DXY mạnh lên, và đặc biệt khi Washington công bố áp thuế hàng hóa nhập khẩu (tariffs announced) từ Trung Quốc, giá hàng hóa đi vào ngay pha rớt mạnh. 

Tại sao có động thái này? Thật ra nên nói gọn và dễ hiểu thế này: khi DXY giảm tức khi đồng đô la rẻ, nhất là khi lãi suất thấp, các nhà đầu tư có nhiều khả năng tiếp cận nguồn vốn đô la, vậy là họ có nhiều đô la hơn, tạo điều kiện mua hàng hóa nhiều và giúp giá tăng (when the value of the dollar drops, it costs more dollars to buy commodities).

Hiện tượng giá dầu thô, cà phê, bông vải, kim loại quí và dùng trong công nghiệp nặng... thời gian gần đây giảm và sắp tới chắc còn giảm nữa nếu như DXY cứ tăng mãi như thế này.

Các phương tiện truyền thông quốc tế đưa tin ngày 22-6, đứng trước quyết định nhanh chóng của Mỹ về áp đặt thuế nhập khẩu với hàng Trung Quốc, một vị quan chức thương mại Trung Quốc cho biết họ sẽ "tấn công" những đại gia có trong danh mục của chỉ số Dow Jones, hay rút vốn đầu tư khỏi Mỹ.

Nếu Trung Quốc thực sự hành động như vậy, giá chứng khoán và giá hàng hóa thương phẩm toàn cầu sẽ đối mặt với nguy cơ rớt giá, và điều này đặc biệt nguy hiểm đối với các nước xuất khẩu nguyên liệu (raw materials).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới