Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Phim Việt nỗ lực ‘dò tìm’ thị trường quốc tế phù hợp

Hoàng An

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Năm 2023, phim Việt đã xuất hiện ở các phòng vé nhiều quốc gia, đây không chỉ là dư địa kế tiếp của phim ảnh sau khai thác trong nước, mà còn là cơ hội xuất khẩu, quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Hiện các nhà phân phối bản quyền phim đang trong hành trình "dò đường" tìm những thị trường phù hợp để gia tăng giá trị xuất khẩu phim Việt trong tương lai.

Khởi động sớm sau một năm ảm đạm

Tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng đến các đối tác quốc tế khi họ bắt đầu thay đổi nhiều trong chiến lược mua phim và muốn tận dụng lại kho phim mà họ đã mua hoặc có trước đó. Do đó, con đường đưa phim Việt ra quốc tế trong năm qua vì thế cũng chững lại.

Bà Hằng Trịnh, đại diện Skyline Media, đơn vị phân phối bản quyền phim hoạt động ở Việt Nam, cho biết số lượng phim Việt ra quốc tế đã giảm nhiều so với các năm trước. Một phần vì số lượng phim được sản xuất năm nay chỉ bằng 80% năm 2022. Ngoài ra, vì các phim có chất lượng tốt không nhiều, nên cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế cũng thấp hơn.

Thông thường, phim truyện từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ… có chất lượng và định vị cao trong lòng khán giả quốc tế. Vậy nên, nếu một phim truyện Việt Nam đặt cạnh sản phẩm đến từ quốc gia khác, nhà phân phối bản quyền cũng dễ dàng đoán được sự lựa chọn thông thường của khán giả. Đối với các thể loại phim sitcom, truyền hình… cần nhiều thời gian hơn để nhà làm phim Việt Nam khẳng định vị thế, chất lượng và tìm kiếm cơ hội tại thị trường quốc tế.

Đại diện Skyline Media đánh giá tình hình doanh thu rạp của phim Việt trong năm 2023 khá ảm đạm. “Tuy vậy, theo chúng tôi được biết, từ cuối năm 2023 sang năm 2024 sẽ có nhiều bộ phim với chất lượng tốt đang được sản xuất và sẽ ra mắt khán giả, cũng như đã có kế hoạch phát hành quốc tế từ sớm. Cụ thể bộ phim Kẻ ăn hồn ra rạp ngày 15-12 vừa qua không chỉ tạo được nhiều tiếng vang đối với khán giả trong nước, mà còn chuẩn bị công chiếu rộng rãi ở nhiều nước trong và sau dịp Tết Nguyên đán sắp tới”, bà Hằng Trịnh cho hay.

Skyline Media đã đồng hành cùng đại diện hai phim điện ảnh Tro tàn rực rỡ và Đêm tối rực rỡ để tham dự Tuần phim quốc tế Lan Thương - Mekong lần thứ 5 tại thành phố Côn Minh (Trung Quốc). Ảnh: NVCC

Ông Thiên A. Phạm, Giám đốc của 3388 Films, một công ty có trụ sở tại Bắc Mỹ chuyên sản xuất và phát hành phim châu Á ở thị trường quốc tế, vừa đưa phim Người vợ cuối cùng của đạo diễn Victor Vũ chiếu rạp tại Mỹ và Canada vào tháng 12 năm ngoái. Sắp tới, đây cũng là phim Việt đầu tiên được chính thức công chiếu tại các rạp chiếu phim ở Cộng hòa Czech. Hiện phim vẫn còn đang công chiếu tại Bắc Mỹ.

Một phân cảnh trong phim Người vợ cuối cùng của đạo diễn Victor Vũ. Ảnh: ĐPCC

Theo ông, điện ảnh Bắc Mỹ vẫn còn trong quá trình hồi phục. Cách đây chỉ khoảng 6 năm, việc chiếu một bộ phim Việt ở 8-10 rạp tại 1-2 tiểu bang là một kỳ công. Gần 3 năm trở lại đây, 3388 Films là công ty đầu tiên phát hành phim Việt tại trên 50 rạp trên 30 tiểu bang Hoa Kỳ. Hơn một nửa trong số 50 rạp này thì đây là lần đầu tiên họ chiếu phim Việt.

Về phía khán giả, đối tượng đầu tiên của một bộ phim Việt Nam sẽ là cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Cộng đồng người Việt ở nước ngoài đủ mạnh và đủ lớn để tạo tiếng vang giúp một bộ phim Việt có thể thu hút và tạo sự chú ý của khán giả nước ngoài.

“Dựa vào tình hình chung của phim Việt vài năm qua thì tôi nghĩ số lượng phim Việt có tiềm năng xuất ngoại nhiều nhưng chưa đủ. Những thể loại phim comedy hoặc rom-com (hài kịch lãng mạn) phục vụ khán giả trong nước nhiều khi lại không phù hợp với khán giả nước ngoài. Những thể loại phim kinh dị, hồi hộp hay hành động thì khi sang nước ngoài lại dễ bị so sánh với các phim bom tấn của Hollywood”, ông nhấn mạnh.

Nhìn chung, số lượng phim Việt ra rạp năm nay có hạn chế, tuy nhiên, nhiều phim điện ảnh trong hoặc sau khi ra rạp tại Việt Nam đã có lịch chiếu tại thị trường các nước khác. Đây là một tín hiệu tốt khi các nhà sản xuất, nhà phát hành phim Việt đã quan tâm nhiều hơn đến việc đưa phim Việt tiếp cận thị trường quốc tế và lên kế hoạch từ sớm cho việc này.

Nỗ lực tìm thị trường phù hợp

Trong thực tế, không ít bộ phim được thay đổi “số phận” khi có cơ hội tiếp cận thị trường ngoài Việt Nam. Cụ thể, phim Thang máy của đạo diễn Peter Mourougaya tuy chưa ghi được nhiều dấu ấn sau khi ra mắt tại Việt Nam, nhưng khi phát hành ra quốc tế, bộ phim đã giành được nhiều sự chú ý và có được những kết quả ngoài mong đợi.

Bộ phim là đại diện duy nhất của Việt Nam tranh giải tại Liên hoan phim giả tưởng quốc tế Bucheon - BIFAN 2021. Ngoài ra, phim đã được công chiếu tại 44 cụm rạp trên toàn Đài Loan, tại hơn 150 cụm rạp ở Colombia và đánh bại bộ phim Everything Everywhere At Once để trở thành top 1 doanh thu phim mới của tuần, cũng như công chiếu tại nhiều cụm rạp ở Peru, Bolivia.

Skyline Media đã giới thiệu những tựa phim Việt đặc sắc đến các đối tác quốc tế thuộc khuôn khổ của Taiwan Creative Content Fest (TCCF). Ảnh: NVCC

Như vậy có thể thấy, việc tìm kiếm được thị trường phù hợp với bộ phim sẽ mang lại những kết quả vượt bậc, tăng giá trị và danh tiếng cho bộ phim và nhà sản xuất. Dù vậy, việc khai thác được điểm mạnh của phim và tìm ra thị trường phù hợp là một trong những công tác quan trọng và đầy thách thức trong quá trình phát hành phim.

“Bên cạnh những kinh nghiệm có sẵn của các nhà phát hành thì việc nghiên cứu để hiểu rõ về sự thay đổi tính chất, xu hướng, gu khán giả, chọn lựa cách tiếp cận hiệu quả tại một thị trường cũng chiếm rất nhiều thời gian, để quyết định việc phát hành một bộ phim vào quốc gia đó có thành công hay không”, bà Hằng Trịnh, đại diện Skyline Media nhấn mạnh.

Ông Thiên A. Phạm của công ty 3388 Films chia sẻ với hai bộ phim Live (Phát trực tiếp) của đạo diễn Khương Ngọc và Người vợ cuối cùng của đạo diễn Victor Vũ đạt thành tích trái ngược nhau tại phòng vé nội địa Việt Nam, nhưng khi tiến ra quốc tế và tiếp cận được lượng khán giả rộng lớn hơn, ông tin tưởng vào thị trường mới đón nhận.

Về lâu dài, song song với việc phim Việt dần được nhận diện, xuất hiện nhiều hơn ở thị trường quốc tế, thì giá trị phim Việt cũng ngày được nâng cao. Trong tương lai, việc phát hành quốc tế sẽ không chỉ mang đến danh tiếng cho bộ phim và nhà sản xuất mà doanh thu từ mảng này cũng đóng góp một phần không nhỏ trong tổng doanh thu của một bộ phim.

"Để có được một viễn cảnh khả quan như vậy, những người trong ngành cần nỗ lực nhiều hơn trong việc mở rộng thị trường phát hành và tìm kiếm cơ hội tiếp cận các khán giả tiềm năng", bà Hằng Trịnh, đại diện Skyline Media nhìn nhận.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới