Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Phim Việt tìm đường xuất ngoại, ‘điểm danh’ trên ứng dụng quốc tế

An Phú

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Đem phim đi công chiếu tại nước ngoài, phát sóng lại trên các ứng dụng truyền hình trả phí theo yêu cầu (VOD) của quốc gia khác hay lên ứng dụng phim Netflix… không còn là điều “vô tiền khoáng hậu” ở thị trường điện ảnh Việt Nam. Nhiều nhà làm phim đã tìm được các mảnh đất dụng võ khác sau khi công chiếu tại hệ thống rạp trong nước, nỗ lực tiếp cận với khán giả quốc tế.

Một loạt phim Việt lên nền tảng Netflix

Netflix được biết đến là hệ thống xem phim trả phí có mặt tại hơn 190 quốc gia trên khắp thế giới. Mỗi đất nước có một danh mục các chương trình truyền hình và phim khác nhau. Việc đưa phim nhà lên sóng ứng dụng này từng là mong muốn của biết bao nhiêu nhà làm phim, trong đó có Việt Nam.

Năm 2022, Kẻ độc hành là series phim Việt Nam đầu tiên được Netflix phát hành độc quyền ở toàn châu Á, mini series Trại hoa đỏ cũng là phim dài tập đầu tiên của đạo diễn Victor Vũ được khán giả nước ngoài tiếp cận qua nền tảng Netflix. Điện ảnh Việt liên tiếp có cơ hội đến gần hơn với thế giới như Hai Phượng của đạo diễn Ngô Thanh Vân, đồng đạo diễn với Thanh Sói, Siêu lừa gặp siêu lầy của đạo diễn Võ Thanh bán được giá trên ứng dụng Netflix sau khi bán vé tại rạp. Các đơn vị làm phim khác cũng góp thêm tên tuổi làm đầy kho phim Việt tại Netflix.

Theo đại diện người chuyên tham gia hậu kỳ phim lên các ứng dụng xem phim trả tiền (VOD), anh Võ Huy Giáp, cho biết không chỉ ở Việt Nam mà các nước trong khu vực Châu Á có phim lên Netflix rất nhiều. Chất lượng phim lên đây thường có tiêu chuẩn như bản điện ảnh dù nhiều hay ít tập, vậy nên giới làm phim có thể tự hào vì sản phẩm mình đáp ứng được một khung chuẩn kỹ thuật khắc nghiệt hơn từ trước đến nay.

Tuy vậy, việc phim Việt xuất hiện ở Netflix chỉ là sự khẳng định nhất thời, còn bước tiến phát triển phải có những “bom tấn” ngang ngửa Hollywood. Nhìn chung, với góc nhìn của người làm hậu kỳ, chỉ cần có chi phí làm tiền kỳ tốt, hậu kỳ có đội ngũ giỏi, hiểu rõ tiêu chí yêu cầu, vấn đề bảo mật là có thể đáp ứng ngay về yêu cầu kỹ thuật của Netflix hay bất kỳ ông lớn khó tính nào.

Hoạt động trong lĩnh vực phim ảnh nhiều năm nay, biên kịch Hồng Nhung (Nhung Khìn) nhận định giờ đây ai cũng có thể chào bán phim của mình với đại diện Netflix tại quốc gia đó. Thậm chí, nếu Netflix muốn chiếm thị phần lớn ở thị trường Việt Nam thì việc bỏ tiền đầu tư vào kho phim Việt là quyết định không sớm thì muộn. Cụ thể, người Việt vẫn có thói quen xem phim Việt dù rất nhiều sự lựa chọn Âu Á trên ứng dụng. “Tôi nghĩ việc đem yếu tố địa phương, văn hóa bản địa vào từng quốc gia là rất quan trọng. Nhưng những sản phẩm đó vẫn phải phù hợp với thị trường khán giả thế giới thì Netflix mới đầu tư kèm theo một số tiêu chuẩn kỹ thuật riêng của mình”, chị nhấn mạnh.

Phát hành ra quốc tế: con đường đầy tiềm năng

Được biết, nguồn thu từ các nền tảng VOD, OTT thường chiếm khoảng 10-20% kinh phí sản xuất phim, đến từ hợp đồng mua bán phim, tỷ lệ người dùng xem phim. Đây cũng là nguồn hỗ trợ cho chi phí sản xuất phim sau khi phát hành ở rạp. Bởi lẽ không chỉ dừng lại ở việc thương mại, kiếm thêm tiền từ phim, chủ sở hữu có cơ hội quảng bá mình ra thị trường quốc tế, làm thương hiệu cho sản phẩm nội địa về lâu dài. Điều này cũng phản ánh được sự chuyển biến tích cực trong tư duy của khán giả, sẵn sàng bỏ tiền cho sản phẩm nghệ thuật để giải trí thay vì xem miễn phí, tạo động lực sản xuất cho đơn vị thực hiện về sau.

Đem phim chào hàng quốc tế được giới làm phim đánh giá là sân sau đầy tiềm năng và là con đường mỗi nhà làm phim đều mong muốn chạm đến. Ở mỗi thị trường khác nhau đều có những tệp khán giả riêng phù hợp với tiêu chí dự án của mình, theo đạo diễn Võ Thanh Hòa, trước khi xuất khẩu phim, đơn vị cần chuẩn bị ngay công đoạn tiền kỳ chứ không phải chiếu rạp, rồi đem đi tận thu từ những nguồn phát hành khác. “Việc nghiên cứu dự án kĩ lưỡng trước khi bấm máy sẽ giúp một người nước ngoài tuy có thể không hiểu hết tiếng Việt nhưng vẫn cảm nhận được tình huống và cảm xúc phim đem lại, từ đó phim bán được giá cao nhất với một thỏa thuận phù hợp nhất ngoài Việt Nam”, anh Hòa nhấn mạnh.

Người trẻ chọn xem phim giải trí vào cuối tuần. Ảnh: An Phú

Mỗi đất nước sẽ có một gu xem phim khác nhau, không nhất thiết phải chiếu rạp mới gọi là phát hành phim. Đơn vị sở hữu có thể chiếu phim trên VOD của quốc gia đó hoặc các ứng dụng xem phim người Việt Kiều ưa chuộng, được xem là thị phần chính khi công chiếu phim ra nước ngoài.

Ngoài ra, câu chuyện đem phim ra biển lớn cũng gặp nhiều khó khăn ở khâu truyền thông cho khán giả khu vực đó. Cụ thể, người làm phim cần biết mình biết ta để chọn thị trường phù hợp tiến vào. Theo nhà sản xuất phim Siêu lừa gặp siêu lầy, chị Mai Bảo Ngọc cho biết ở một đất nước rộng lớn như Mỹ, những diễn viên Hollywood nổi tiếng đôi khi người dân Mỹ còn chưa biết đến thì khó có thể marketing cho phim đến từ một đất nước xa xôi như Việt Nam.

Chính vì thế, tại một điểm đến, đội ngũ chị chọn một dạng phát hành khác nhau, như ở Úc hay New Zealand, tuần lễ chiếu phim Việt rất phổ biến nên người Việt có thể theo dõi thường xuyên và hứng thú với những dự án của Việt Nam, phim sẽ tham gia vào hệ thống rạp tại đây.

Chị nhìn nhận nếu đem ra phát hành hệ thống rạp ở Mỹ, chi phí quảng bá lớn hơn rất nhiều so với lợi nhuận có thể thu được. Hơn nữa, khán giả Mỹ không thiếu bom tấn hàng tuần để xem và luôn có sự tìm hiểu, đặt vé trước thành thói quen khi ra rạp, nên sẽ cân nhắc phát VOD, tránh tình trạng lỗ chi phí quảng cáo, giảm suất chiếu hoặc rời rạp nếu không bán được vé. Ở các quốc gia khác như Nhật Bản, Úc, New Zealand, chị Ngọc cho biết sẽ truyền thông bán vé, ở Trung Quốc cũng sẽ chiếu trên website.

Nhiều người dân Việt Nam chuộng dịch vụ của nền tảng phát sóng phim ảnh và truyền hình trực tuyến Netflix. Ảnh: Screenrant

Đạo diễn Võ Thanh Hòa cũng nói thêm để đi ra nước ngoài, chúng ta cần xác định rõ hai câu hỏi phim đi bằng đường nào và chiếu trên nền tảng nào. Ngoài cộng đồng người Việt ở mỗi quốc gia, những đơn vị truyền thông trung gian có thể giúp mình chào hàng sản phẩm ở chợ phim quốc tế, hoặc chính người làm phim tự khai phá thị trường mới tiềm năng, đi hội chợ phim khắp nơi trên thế giới, làm việc với những người có kinh nghiệm xuất khẩu phim rồi mới trả lời câu hỏi chiếu bằng hình thức nào. Hiện nay, phim ảnh có nhiều nền tảng để thử sức, nếu sản phẩm không đủ sức chiếu tại rạp, ta có thể hợp tác bán cho app xem phim trả tiền, kênh truyền hình các quốc gia, hoặc kênh phát lại trên máy bay, du thuyền…

“Tôi nghĩ chuyện khai thác phim sau chiếu rạp là việc làm phổ thông mà bất kì nhà làm phim chuyên nghiệp nào cũng nghĩ tới. Tuy nhiên làm sao phim bán cho đúng định vị khách hàng, bán với giá tốt nhất thì mất nhiều thời gian tìm kiếm. Nhưng khó không phải không làm, đây là cơ hội tốt để ta xuất khẩu văn hóa mình ra nước bạn, kéo theo sự phát triển của nhiều ngành nghề lĩnh vực khác”, ông Hòa nhấn mạnh.

Chọn con đường phim xuất ngoại, giới làm phim nhìn nhận sẽ thu về được nhiều thứ hơn doanh thu. Cơ hội quảng bá văn hóa Việt Nam, chạm đến đa dạng tầng lớp khán giả ở những vùng đất xa lạ, thêm động lực cho sự phát triển điện ảnh Việt Nam hướng đến công nghiệp điện ảnh thế giới vẫn là những giá trị lâu dài mà người làm phim mong chờ, và thực tế chúng ta ngày càng có nhiều cơ hội hơn để hiện diện trước khán giả thế giới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới