Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Phố Wall lo ngại những động thái cứng rắn từ Fed

Song Thanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Những tuyên bố cứng rắn trong vấn đề thắt chặt chính sách tiền tệ từ giới chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã khiến các chỉ số chính của Phố Wall giảm mạnh trong tuần trước. Nhiều nhà đầu tư lo ngại, kế hoạch kiểm soát lạm phát của Fed có thể dẫn tới những thiệt hại lớn cho nền kinh tế và thị trường tài chính.

Phố Wall chao đảo trước các thông điệp “diều hâu” từ Fed

Hôm 21-4-2022, trong một hội thảo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Chủ tịch Fed Jerome Powell một lần nữa nhấn mạnh việc kiềm chế lạm phát là “vô cùng cần thiết” và cho biết Fed sẽ tăng lãi suất 50 điểm cơ bản vào tháng 5 thay vì 25 điểm cơ bản như dự kiến trước đó.

Tại một sự kiện hồi đầu tuần trước, một quan chức cấp cao khác của Fed là ông James Bullard – Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis cũng nhấn mạnh rằng Fed cần “khẩn trương” nâng lãi suất nhằm đối phó với lạm phát. Ông Bullard thậm chí đã đề cập tới mức tăng 75 điểm cơ bản.

Các tuyên bố trên, ngay lập tức đã tác động mạnh tới thị trường tài chính Mỹ, vốn đã chịu nhiều tác động tiêu cực từ cuộc chiến Nga – Ukraine, tỷ lệ lạm phát tăng vọt và làn sóng dịch Covid-19 mới tại Trung Quốc. Một trong những lo ngại lớn nhất khi lãi suất tăng là các công ty sẽ phải trả khoản lãi lớn hơn, từ đó có thể cắt giảm hoạt động đầu tư. Nhiều nhà giao dịch lo lắng rằng, chu kỳ thắt chặt của Fed có thể khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đã tăng mạnh, trong đó lợi suất trái phiếu kỳ hạn hai năm – loại trái phiếu nhạy cảm nhất với các đợt tăng lãi suất, đã chạm mốc cao nhất trong vòng ba năm qua.

Thị trường chứng khoán cũng bị một phen chao đảo, khi các chỉ số chủ chốt đều giảm mạnh, bất chấp những báo cáo kinh doanh quí 1 khả quan của nhiều doanh nghiệp. Kết thúc tuần giao dịch từ ngày 18 đến 22-4, cả ba chỉ số chính của Phố Wall đều chìm trong sắc đỏ. S&P 500 và Nasdaq đã ghi nhận tuần sụt giảm thứ ba liên tiếp, còn với chỉ số công nghiệp Dow Jones là tuần giảm thứ tư liên tiếp. Chỉ số Dow Jones chốt phiên ngày thứ Sáu đã giảm tới 2,82% – mức giảm theo ngày lớn nhất kể từ tháng 10-2020.

“Chúng ta có lẽ đang ở trong thời kỳ đỉnh cao của quan điểm diều hâu”, James Solloway – giám đốc chiến lược thị trường và quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại công ty SEI Investments nhận xét. “Rõ ràng là Fed đã có phần chậm chân trong việc xử lý tỷ lệ lạm phát đang ở mức cao kỷ lục, và cho đến nay, mới chỉ thực hiện duy nhất một đợt nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm”.

Theo Steven Violin – nhà quản lý danh mục đầu tư tại F.L.Putnam Investment Management, các nhà đầu tư đang phải đối mặt với những tác động rất lớn trên thị trường. “Động lực to lớn từ sự phục hồi kinh tế sau đại dịch, giờ đang bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi nhanh chóng về chính sách tiền tệ. Thị trường đang gặp nhiều khó khăn, và tất cả đều cố gắng tìm hiểu xem mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào. Tôi không chắc rằng sẽ có ai thực sự biết được câu trả lời”.

Những hoài nghi về chính sách thắt chặt tiền tệ

Giới chức Fed muốn thiết kế một lộ trình hạ cánh mềm cho nền kinh tế, nhằm đảm bảo việc thắt chặt chính sách tiền tệ để ứng phó với lạm phát cao kỷ lục sẽ không gây ra suy thoái. Tuy nhiên, nếu xét từ góc độ quá khứ, điều này là không hề đơn giản.

Một nghiên cứu được thực hiện bởi Roberto Perli, trưởng bộ phận chính sách toàn cầu tại Piper Sandler cho thấy, trong 6/8 chiến dịch kiểm soát lạm phát kể từ những năm 1970, khi Fed nâng lãi suất lên hoặc vượt qua ngưỡng “trung lập”, vốn không hỗ trợ cũng như không tác động tiêu cực đến tăng trưởng, nền kinh tế Mỹ sau đó đều rơi vào suy thoái.

“Rủi ro suy thoái chắc chắn sẽ tăng lên”, Karen Dynan, giáo sư kinh tế học tới từ Đại học Harvard, người từng có thời gian công tác tại ngân hàng trung ương Mỹ nhận định. “Nói về vấn đề kiểm soát lạm phát, Fed đang phải đối mặt với thách thức lớn nhất trong nhiều thập kỷ”.

Các nhà quản lý danh mục đầu tư của Osterweis Capital Management lại tỏ ra nghi ngờ về khả năng của Fed khi cho rằng, chính sách tiền tệ của Fed trong những năm qua đã dẫn tới tình trạng mong manh hiện nay. Theo các chuyên gia, Fed có thể tăng lãi suất để hạ nhiệt nền kinh tế đồng thời thu hẹp bảng cân đối kế toán để kiềm chế lạm phát, tuy nhiên “điều đáng buồn là việc thực hiện một kế hoạch thắt chặt định lượng theo hai hướng như vậy, đòi hỏi một mức độ khéo léo mà Fed chưa từng có được”.

Chia sẻ quan điểm trên, giáo sư kinh tế học Steve Hanke tại Đại học Johns Hopkins cho rằng, Fed vẫn có thể ngăn chặn một cú hạ cánh nguy hiểm, nhưng phải thực hiện một cách chuẩn xác để đạt được các mục tiêu phù hợp. “Vấn đề thực sự không phải là Fed không thể hạ cánh mềm, mà rắc rối nằm ở chính sách của họ. Fed giống như tay phi công đang phớt lờ cao độ kế của máy bay”. Theo ông, chính việc in tiền quá mức của Fed để bù đắp thâm hụt tài khóa đã tạo ra áp lực giá cả như hiện nay.

Các chuyên gia cũng ngày càng tỏ lo ngại về sự đảo ngược của đường cong lợi suất trái phiếu trong thời gian gần đây, khi lãi suất của các loại trái phiếu kỳ hạn ngắn tăng lên cao hơn lãi suất của các loại trái phiếu kỳ hạn dài.

Đây thường được xem là một dấu hiệu cho thấy giới đầu tư đang lo ngại về tương lai gần hơn là dài hạn. Theo các nhà phân tích, tình trạng này phản ánh “một lỗi chính sách” khi giới chức Fed đã để lãi suất ở mức thấp trong thời gian quá dài, và sau đó tiến hành nâng lãi suất quá muộn và cũng có thể là quá nhiều.

Anthony Saglimbene – chiến lược gia thị trường toàn cầu tại Ameriprise Financial nhận định “Fed nhiều khả năng sẽ tiến hành nâng lãi suất 50 điểm cơ bản vào tháng 5, nhưng thị trường chứng khoán đang gặp khó khăn trong việc tiếp nhận quan điểm cho rằng, các đợt tăng tương tự cũng sẽ được tiến hành trong các tháng 6 và tháng 7”. Theo chuyên gia này, tốc độ tăng lãi suất nhanh hơn của Fed có thể đưa lãi suất quỹ liên bang về mức mục tiêu khoảng 2,25-2,5% trước khi kết thúc năm 2022, sớm hơn so với dự đoán của các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng đang lo lắng về kế hoạch của Fed nhằm thu hẹp bảng cân đối kế toán khổng lồ khoảng 9.000 tỉ đô la Mỹ. Theo đó, Fed dự kiến sẽ cắt giảm khoảng 1.000 tỉ đô la khỏi bảng cân đối kế toán trong vòng một năm, nhằm chống lại lạm phát đang ở mức cao nhất trong bốn thập kỷ.

Theo chuyên gia Steven Violin, ngân hàng trung ương đang hướng tới tốc độ thu hẹp bảng cân đối kế toán nhanh hơn so với lần thực hiện trước đó vào tháng 9-2017. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ khi đó đã khiến lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn hai năm tăng mạnh hơn bao giờ hết, trong khi thị trường chứng khoán cũng lao dốc mạnh. Chuyên gia này nhận định “Điều khiến mọi người lo lắng vào thời điểm hiện tại là chúng ta đang hướng đến cùng một kịch bản như vậy. Khi đề cập đến việc thu hẹp bảng cân đối kế toán, vấn đề được đặt ra là bao nhiêu sẽ là quá nhiều?”

Triển vọng nào cho thị trường chứng khoán

Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn cho rằng Fed nên tiếp tục tập trung vào giải quyết tình trạng lạm phát, thay vì bận tâm đến vấn đề tăng trưởng chậm lại. Lý do là bởi thị trường việc làm Mỹ vẫn còn khá mạnh mẽ với tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 3,6%. Theo chuyên gia Solloway tại SEI Investments, trong lần cuối cùng Fed cố gắng thu hẹp bảng cân đối kế toán của mình, lạm phát không phải là vấn đề lớn. Giờ đây, giới hoạch định chính sách đang dồn mọi sự chú ý vào lạm phát cao, và hiểu rằng “họ sẽ phải thắt chặt mọi thứ”.

Luke Tilley, nhà kinh tế trưởng tại Wilmington Trust, cũng cho biết quan điểm diều hâu hơn của Fed là điều cần thiết để chống lại sự gia tăng lạm phát hiện nay tại Mỹ. Ông cũng bày tỏ kỳ vọng, lạm phát sẽ dần lắng dịu trong nửa cuối năm, và Fed sẽ có thể giảm dần tốc độ nâng lãi suất.

Trong khi chờ đợi tình hình, chuyên gia Saglimbene tại Ameriprise Financial nói rằng ông hy vọng các nhà đầu tư có thể tạm “lờ đi” những lo ngại về lãi suất, ít nhất là cho đến khi Fed thực sự đẩy nhanh việc thắt chặt chính sách tiền tệ, và đà tăng trưởng kinh tế chậm lại một cách rõ ràng hơn. Ông cũng cho biết, sẽ tiếp tục theo dõi kỹ lưỡng các báo cáo thu nhập doanh nghiệp hàng quí từ các hãng công nghệ lớn, và những công ty có hệ sinh thái trao đổi trực tiếp với người tiêu dùng.

Nhiều nhà đầu tư khác vẫn tin tưởng rằng, bất chấp những lo ngại về suy thoái, nền kinh tế và thị trường chứng khoán Mỹ sẽ có thể tiếp tục duy trì khả năng phục hồi trong thời gian tới. Solita Marcelli – giám đốc đầu tư khu vực châu Mỹ tại UBS Global Wealth Management nhận định, nền kinh tế Mỹ đủ mạnh để tăng trưởng, ngay cả khi Fed nâng lãi suất phù hợp với kỳ vọng hiện tại. “Chúng tôi tin tưởng rằng, thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục giao dịch trong phạm vi giới hạn, cho đến khi giới đầu tư nhận thức được rằng, một cuộc suy thoái do việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ không xảy ra”.

Nguồn: Financial Times, Market Watch, WSJ, Reuters, Yahoo Finance

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới