Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Phòng chống tội phạm ‘tín dụng đen’ còn gặp nhiều khó khăn

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm cho vay lãi nặng, tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” là một trong những nội dung được lựa chọn tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào ngày 10-8.

Thông tin trước phiên chất vấn, Bộ Công an cho biết vấn đề “tín dụng đen” đã được kiềm chế nhưng có lúc, có nơi tình trạng này còn diễn biến phức tạp, nhất là hoạt động biến tướng cho vay qua mạng (app) khó phát hiện, đấu tranh, xử lý hơn.

Các đối tượng trong một đường dây cho vạy nặng lãi qua phần mềm cài trên di động. Ảnh minh họa: Cơ quan Công an cung cấp

Bộ Công an cho biết, thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các địa phương rà soát, phát hiện các cơ sở kinh doanh, cá nhân, băng nhóm, đối tượng có biểu hiện hoạt động tín dụng đen và tăng cường xử lý các vi phạm.

Cụ thể, các cơ quan chức năng đã khởi tố 1.575 vụ/3.399 bị can; xử phạt hành chính 719 vụ/1.182 đối tượng. Riêng tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đã khởi tố 1.038 vụ/2025 bị can; xử lý hành chính 359 vụ/485 đối tượng. Bộ Công an cho biết, do đấu tranh trấn áp quyết liệt nên tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” đã được kiềm chế; nhiều chỗ tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Tuy nhiên, có lúc, có nơi tình trạng này còn diễn biến phức tạp, nhất là hoạt động biến tướng cho vay qua mạng (app) khó phát hiện, đấu tranh, xử lý hơn.

Bộ Công an cho biết, công tác đấu tranh với tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: công tác quản lý nhà nước đối với các nền tảng mạng xã hội còn hạn chế; các đối tượng thông qua mạng xã hội (zalo, facebook), các app, website để cho nhiều bị hại vay lãi nặng, đòi nợ, siết nợ gây bức xúc nhưng việc tiếp nhận, xác minh, xử lý các tin báo tố giác tội phạm gặp khó khăn do các đối tượng sử dụng tài khoản ảo, sim điện thoại rác, sử dụng công nghệ cao để thực hiện; chế tài xử lý về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự quá nhẹ (hình phạt cao nhất là 3 năm tù) chưa đủ sức răn đe...

Bên cạnh đó, còn một bộ phận người dân vẫn tìm đến “tín dụng đen”, chưa nâng cao ý thức cảnh giác và ý thức chấp hành pháp luật và các quy định, thỏa thuận về vay mượn dân sự dẫn đến việc các đối tượng thực hiện các hành vi đòi nợ, siết nợ trái pháp luật.

Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, thời gian tới, Bộ Công an cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp như: tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác điều tra, xử lý các hành vi liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; xử lý triệt để, nghiêm minh các vụ án liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, nhất là các vụ án liên quan đến các cán bộ thuộc các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tiếp tay, cung cấp vốn cho “tín dụng đen” hoạt động...

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới