Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

 Phong trào làm gang thép!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

 Phong trào làm gang thép!

Hiện đang xảy ra tình trạng đáng lo ngại khi doanh nghiệp ở các tỉnh đua nhau xây nhà máy luyện gang, thép mà không tính đến nguồn cung ứng nguyên liệu.

Năm 2006, nhà máy luyện gang công suất 150.000 tấn/năm thuộc Công ty Kim khí Gia Sàng ở tỉnh Thái Nguyên phải ngưng hoạt động một thời gian, do không mua được quặng sắt. Đến giữa năm 2007, UBND tỉnh Thái Nguyên ra quyết định cấm các doanh nghiệp vận chuyển quặng sắt đi bán ở ngoài tỉnh và sau đó một lệnh cấm tương tự cũng được áp dụng ở Cao Bằng. Những quyết định trên giúp cho các doanh nghiệp luyện gang trong tỉnh phần nào giải tỏa mối lo về nguồn cung ứng quặng sắt, nhưng lại đẩy doanh nghiệp ở địa phương khác vào cảnh khốn đốn và mới đây Nhà máy Gang Cẩm Giàng thuộc tỉnh Bắc Kạn phải tạm đóng cửa vì thiếu quặng sắt.

Việc các cơ quan hành chính bị lôi kéo vào cuộc tranh giành mua nguyên liệu giữa các nhà máy luyện gang không chỉ chứng tỏ tình trạng thiếu quặng sắt đã trở nên trầm trọng và hành động can thiệp đó không phù hợp với nền kinh tế thị trường, mà còn cho thấy tình trạng đáng ngại là các tỉnh đua nhau thu hút đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất mà không tính đầy đủ đến nguồn nguyên liệu, dẫn đến nhiều nhà máy phải hoạt động cầm chừng. Điều này cũng đã từng xảy ra với ngành mía đường và chế biến rau quả.

Trước đây Việt Nam chỉ có một doanh nghiệp luyện gang là Công ty Gang thép Thái Nguyên, với hai lò cao. Nhưng trong hai năm gần đây, đã có thêm sáu nhà máy mới ra đời ở Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, sử dụng dây chuyền thiết bị của Trung Quốc với lò cao có dung tích 20-40 tấn, là loại lò cao mà Trung Quốc đang tìm cách loại bỏ. Theo Hội Đúc và Luyện kim Việt Nam, hiện còn ít nhất sáu dự án luyện gang, thép do các doanh nghiệp trong nước đầu tư đã khởi công hoặc đang trong quá trình chuẩn bị xây dựng. Hầu hết những dự án mới này cũng sử dụng thiết bị Trung Quốc và loại lò cao dung tích nhỏ mà nước này đang thải ra hoặc cấm sử dụng. Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hội Đúc và Luyện kim Việt Nam, lo ngại : “Với tình trạng các địa phương đua nhau đầu tư những cơ sở luyện gang, thép nhỏ, sử dụng thiết bị và công nghệ cũ như vậy, rất có thể phong trào toàn dân làm gang thép của Trung Quốc trước đây lại tái diễn ở Việt Nam và chúng ta cũng sẽ phải trả giá như họ”.

Phong trào đầu tư nhà máy luyện gang, thép đang có chiều hướng gia tăng ở một số tỉnh phía Bắc phần nào bắt nguồn từ những số liệu mơ hồ về trữ lượng quặng sắt ở địa phương. Đến nay, Việt Nam đã phát hiện hàng trăm điểm có chứa quặng sắt và đơn vị tìm kiếm cũng đưa ra những dự báo về trữ lượng cho từng mỏ. Tuy nhiên, hầu hết các mỏ chỉ mới được thăm dò sơ bộ, còn số mỏ được khảo sát, thăm dò tỉ mỉ đến nay chỉ đếm trên đầu ngón tay, nên số liệu về trữ lượng không đủ độ tin cậy. Trường hợp mỏ sắt Ngườm Tráng ở Cao Bằng là một ví dụ. Theo báo cáo địa chất, mỏ này có trữ lượng trên bốn triệu tấn và chiều dày thân quặng tốt cho việc khai thác. Tuy nhiên, khi Công ty Gang thép Thái Nguyên tiến hành thăm dò chi tiết để lên kế hoạch khai thác, mới nhận ra trữ lượng thực chưa bằng một nửa so với báo cáo.

Không ít tỉnh đã sai lầm khi dựa vào số liệu ước tính của báo cáo địa chất để lên kế hoạch đầu tư cơ sở luyện gang thép, mà không tiến hành thăm dò kỹ trước. Chỉ riêng sai số về trữ lượng cũng đã đủ làm thay đổi toàn bộ tính toán về hiệu quả của dự án. Bên cạnh đó, sản lượng quặng có khả năng khai thác cũng là yếu tố quan trọng, nhưng nhiều địa phương ít để ý. Ngay mỏ sắt Thạch Khê, tuy có trữ lượng đến gần 600 triệu tấn, nhưng các chuyên gia dự báo chỉ có khả năng khai thác 300 triệu tấn, do một phần thân quặng nằm sâu dưới lòng biển. Đó là chưa nói đến vấn đề mỏ có đủ các điều kiện để khai thác thương mại không. Chẳng hạn như thân quặng có đủ dày, hàm lượng sắt trong quặng có lớn, độ sâu của mỏ, điều kiện cơ sở hạ tầng có thuận lợi hay không. “Mỏ sắt Việt Nam tuy nhiều, nhưng hầu hết có trữ lượng rất nhỏ, chỉ có thể khai thác nhỏ lẻ để tận thu quặng, nên sẽ là sai lầm nếu đầu tư mà không có những mỏ sắt đủ lớn để cung ứng cho nhà máy trong ít nhất 10 năm”, ông Cường nói.

Trước tình cảnh thiếu nguyên liệu, một số nhà máy luyện gang phải tính đến phương án nhập khẩu quặng. Tuy nhiên, với cách đầu tư nhỏ và manh mún, nhập khẩu quặng sẽ không khả thi về kinh tế. Trước hết, với dung tích lò cao khoảng 20-40 mét khối, nhu cầu quặng không đủ lớn để nhập khẩu có hiệu quả. Thêm vào đó, hầu hết những cơ sở luyện gang thép hiện nay lại xây dựng ở xa cảng biển, nên việc vận chuyển quặng sẽ rất tốn kém. Ngoài ra, tìm được cảng cho tàu chở quặng sắt bốc dỡ hàng cũng không đơn giản, vì quặng sắt rất bụi nên khó sử dụng chung ở các cảng tổng hợp.

Ngoài các dự án do doanh nghiệp trong nước đầu tư, còn sáu dự án luyện cán thép lớn khác của các nhà đầu tư nước ngoài với mức đầu tư từ 0,5-3,5 tỉ đô la Mỹ. Với quy mô lớn như vậy, chắc chắn sản phẩm làm ra từ các dự án này sẽ có khả năng cạnh tranh tốt hơn so với những cơ sở luyện gang thép nhỏ hiện nay.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, mức tiêu thụ thép của thị trường trong nước năm nay dự kiến trên tám triệu tấn và sẽ tiếp tục tăng khoảng 20%/năm trong những năm tới. Nhưng tốc độ tăng nhu cầu vẫn chậm hơn tốc độ gia tăng năng lực sản xuất. Trong điều kiện đó, những doanh nghiệp nhỏ, sức cạnh tranh kém sẽ chết. Vì thế, vấn đề đặt ra hiện nay là có nên tiếp tục phát triển những cơ sở luyện gang, thép nhỏ hay không, nhất là những cơ sở với công nghệ, thiết bị lạc hậu mà các nước đang muốn bỏ đi.

Tấn Đức

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới