Phú quý giật lùi!
Phan Trọng Hiền
Công viên là nơi các vị nam thanh nữ tú thời nay "vô tư" xả rác... |
(TBKTSG) - Trong bài Đành phải kiên nhẫn thôi! trên TBKTSG ra ngày 30-4-2009, nhà văn Lý Lan tỏ ý phàn nàn khi bị bạn bè cho rằng thói quen không xả rác của chị là do học được khi sống ở nước ngoài. Chị thanh minh rằng chị đã được một anh lơ xe đò dạy cho từ khi mới lên 8 tuổi, tức hơn 40 năm về trước.
Tôi là cư dân Sài Gòn - Gia Định lâu đời, sống cùng thời với chị Lý Lan, nên rất đồng cảm với những gì chị viết trong bài. Đến tận bây giờ, giống như chị Lý Lan, tôi cũng giữ được thói quen không xả rác bậy, nhờ thuở nhỏ được dạy kỹ trong gia đình và nhà trường.
Hiện nay, ngoài việc xả rác bừa bãi, nhiều thanh thiếu niên - kể cả học sinh, sinh viên - còn có một thói xấu khác là chửi thề, văng tục quá nhiều. Thời chúng tôi còn nhỏ, nhiều gia đình nề nếp, gia giáo dạy con rất nghiêm, con cái họ không hề chửi thề!
Tôi có một kỷ niệm nhớ đời về chuyện này: Cách đây bốn mươi mấy năm, thuở tôi khoảng 10 tuổi, có lần em kế tôi bắt chước bạn bè, thốt lên mấy “tiếng đan mạch” (Đ.M), bị má tôi nghe được. Ngay lập tức, bà bắt nó đứng khoanh tay, đồng thời triệu tập tất cả anh chị em chúng tôi lại răn dạy, rồi tát mạnh vào má em tôi hai cái; bắt nó xin lỗi và hứa: “Con xin lỗi má, từ nay về sau con không dám chửi thề, nói bậy nữa!”. Từ đó cho đến tận bây giờ, tất cả anh chị em chúng tôi đều không chửi thề và con, cháu chúng tôi cũng vậy.
Điều mà tôi muốn chia sẻ thêm là vấn đề lương tâm nghề nghiệp của công dân - yếu tố đảm bảo sự phát triển bền vững của xã hội. Trước 1975, môn công dân giáo dục rất chú trọng dạy dỗ học sinh điều này. Lương tâm nghề nghiệp, hiểu một cách đơn giản, là tinh thần trách nhiệm đối với công việc phải làm hàng ngày của mỗi người, dù cho mục tiêu là kiếm tiền để sống. Người có lương tâm nghề nghiệp luôn toàn tâm toàn ý với công việc, không làm dối, làm ẩu; làm việc gì cho ai cũng tận tình như làm cho chính mình hoặc cho gia đình mình.
Nghiên cứu các nước phát triển, tôi thấy họ làm tốt việc giáo dục lương tâm nghề nghiệp cho công dân, khiến mỗi người, dù làm bất cứ việc gì, ở đâu, cũng đặt vấn đề chất lượng, hiệu quả lên hàng đầu, không có chuyện làm dối, làm ẩu! Thí dụ, những công trình mà người Pháp, người Mỹ xây dựng trên đất nước ta, tuổi thọ nhiều công trình đến nay cũng từ 40 năm đến cả trăm năm, nhưng chất lượng vẫn còn tốt! Ngược lại, nhiều tổ chức, công ty, công nhân Việt Nam thường có thói quen làm dối, làm ẩu, nhiều công trình trị giá cả trăm, ngàn tỉ đồng nhanh chóng “xuống cấp”.
Ở TPHCM, tai tiếng nhất có lẽ là cây cầu Văn Thánh 2. Để cho “nhẹ tội”, có người đưa ra lập luận: do điều kiện địa chất ở đây không tốt(!). Họ quên rằng cầu Sài Gòn cũng ở gần đó thôi, được người Mỹ xây dựng cách đây hơn 50 năm đến nay vẫn vững vàng.
Nước ta đang có hiện tượng “phú quý giật lùi”, kinh tế phát triển đi lên nhưng đạo đức - tinh thần, lương tâm, nếp sống văn hóa - văn minh... lại có biểu hiện đi xuống. Khắc phục được điều này, theo tôi, chỉ có giáo dục, giáo dục và giáo dục mà thôi!