Phúc lành cũng tận
Nguyễn Ngọc Tư
(TBKTSG) - Dễ nhận ra mảnh đất nằm gần lộ tẻ xuống đình, bởi đang bạt ngàn nhà xưởng bãi xe bỗng chen vào một không gian hoang dã của lau sậy của những thứ dây leo chẳng theo một trật tự nào, nên cả khi chúng trổ bông, sắc tím bìm bìm và trắng ngọn lau, cũng nhợt. Người ta vẫn nhớ ở đó từng là khu vườn, tuy không sum sê nhưng đủ cho vài cây lớn tàn cho hoa trái, bên thềm dập dờn bông dừa cạn. Người ta vẫn nhớ ở đó từng có hai căn nhà xây kiểu dáng y khuôn đúc, cho tới khi cây xoài giữa hai nhà bị đốn, và anh em họ cấu xé nhau, đúng nghĩa đen. Vì đất. Ngang năm tấc, dài chạy thẳng trăm hai chục thước. Ba người trọng thương, một phiên tòa, hai án tù. Câu chuyện tương tàn được những con số kể bằng thứ chất giọng lạnh trơ của chúng.
Mảnh đất như vết sẹo, dân xóm ngoại ô coi đó để soi mình. Ngay sau vụ tranh giành chấn động, người già rủ nhau đi làm di chúc, ai có đất cho con cháu thì cắt sang tên, không để dư ra một tấc nào. Bà mẹ của hai anh em nọ, đã cố gắng công bằng khi cất cho con hai căn nhà sao chép in hệt nhau tới từng lam gió, từng khung cửa, màu gạch lót nền. Chút đất bà mẹ chừa ra, dành làm đường đi vào vườn sau. “Mai này gặp khó, tụi nhỏ có thể cất phòng cho thuê trọ, hay cắt đất nền bán lẻ”, hồi còn sống, bà hay nói vậy với xóm giềng. Ai nghe cũng khen bà mẹ biết nhìn xa, nhưng có xa đến đâu cũng không nghĩ tới ngày hai núm ruột bà lao vào sát thương nhau không chút xót.
Thấy người bên xóm tương tàn, cậu tôi hơi chấn động, nhưng nghĩ nhà mình chắc không sao. Đề huề con cái hơn nửa chục, ông cho mỗi đứa miếng đất, đứa nào ra riêng cũng được gói tiền làm vốn. Chỉ hôm rồi thằng rễ nhậu ba sợi rượu bỗng buột miệng so đo, đất chị Hai nằm ngay ngã ba chợ nên có giá hơn của tụi còn lại. Cậu kể lúc đó ông ớn lạnh, nhìn vào đám con đang chén xình chén xang, tự hỏi còn tâm tư nào tụi nó chưa nói ra, còn những tỵ hiềm nào đang bão trong lòng chúng, còn bao ý nghĩ về nhau bắt đầu sắc nhọn?
Hồi còn đương sức cậu lái xe tải nhỏ chở vật liệu xây dựng, ngõ ngách biết nhiều, nên thấy đâu đất rẻ là mua. Không chỗ nào giống chỗ nào. Lúc đó chỉ nghĩ chuyện đừng để tụi nhỏ ở gần nhau quá, dễ va chạm. Cậu đâu nghĩ đất sau này nhảy múa trên nhiều bậc giá, mỗi bậc tương đương với những so sánh, chạnh lòng. Nghe có đứa còn lấy đất hồi môn đó ra mà quy đổi tình thương của ba má.
Tường vách là có thật. Hố sâu là có thật. Đời có quá nhiều thứ khiến kết cấu gia đình, quan hệ huyết thống lỏng lẻo: công việc, địa vị, thu nhập, tính cách. Nhưng cậu thực không mong khởi đầu của hố sâu là từ quà của cha mẹ.
“Phải trước đổi đất lấy vàng, rồi đem chia đều, cho khỏe”, cậu thở dài nói với vợ, một khuya mất ngủ. Nhưng hồi đó cậu mợ đâu nghĩ ra gì khác để lại cho con, ngoài đất. Người già nhà dượng và của cả cái xứ sở này đều bảo nhau đất là phúc lành. Hơn một món hàng có thể bán mua, ở đất có gì đó linh thiêng, không thì dịp giỗ, Tết người ta đâu dành riêng cho đất đai mâm cúng. Ẳm bé sơ sinh còn đỏ từ nhà bảo sanh về, dọc đường ai đó níu lại hỏi trai hay gái, giống ai trong nhà, rồi khi sắp đi khỏi, thể nào họ cũng vói một câu, “chuẩn bị kiếm tiền mua đất làm hồi môn cho đứa nhỏ là vừa”. Cũng vậy, cầm mớ thiệp hồng đi mời cưới, hay nhận được câu hỏi đã sẵn đất cho tụi nhỏ ra riêng chưa. Đất là nỗi ám ảnh hàng ngàn năm, của những linh hồn đói, những biển mồ hôi đổ trên đất của người, những xác thân lúc chết rồi không chỗ chôn, những người bỏ xứ sở đền đài đi tìm mảnh đất cho mình.
Nỗi mê tiền kiếp đó, sẵn đâu trong xương tủy. Sáu đứa con cậu thì hết năm bị đất bỏ bùa. Thằng mê nặng nhất làm cậu mợ rầu hết hơi. Vợ chồng nó lục đục hoài bởi mỗi lý do, có nhiêu tiền chồng lén đi tậu đất. “Con đâu phải mua đất để diện lên người”, có lần thằng con nói vậy. Nên có nhiêu tiền nó kiếm đất mua chơi. Có đất sinh lợi, có đất sang tên xong rớt vô khu quy hoạch. Vợ than trời, kêu đất nhiều chi mà không dám ăn một bữa ngon ở nhà hàng, đất nhiều chi mà chạy xe cà tàng cứ lên dốc cầu lại chết máy. Nhưng thằng chồng vẫn không thôi ngoái nhìn mỗi khi đi qua bảng rao bán đất bên đường, vẫn xao xuyến ghi số điện thoại người ta ghi trên đó, dù là xó núi đó nó chỉ tình cờ đi qua một lần, không bao giờ quay lại. Nó không tin được khi nghe chuyện nhiều triệu phú của Mỹ sống nhà thuê. Nó cũng không chịu đựng nổi cái viễn cảnh mà những nhà khoa học vẽ ra khi vài chục năm tới nước biển nhấn chìm cả vùng miền trù phú này, đương nhiên là sứa tung tăng trên những miếng đất mang tên nó.
Sợ đám con không đủ trí tưởng tượng để hình dung ra cảnh ấy, cậu tìm cớ rủ tụi nó, chẳng thể cùng lúc thì từng đứa một, ghé lại chỗ mảnh đất hoang - vết sẹo xóm. Từ con đường của dự án dân cư phía sau chắn ngang, nước dâng ngập cả vườn. Chủ tan tác sau cuộc tranh giành vấy máu, không ai chăm sóc, chẳng người cơi nền, giờ đất là giang sơn của nước, chỉ nắng tháng ba mới đủ sức hong khô những chân sậy ướt mèm.
Ẩn ý xa xôi, tụi nhỏ coi bộ chẳng thẩm thấu nổi. Dịp thanh minh rồi, cậu kêu đám con lại, chỉ vô những nấm mộ mới quét vôi, “nhìn coi, đất đai của nả cỡ nào, cuối cùng cũng nằm gọn vô chỗ đó”. Nhìn vẻ mặt tỉnh trân của đám trẻ, cậu nhận ra bài giảng nọ cũng không ăn thua. Nó đã cũ nhàm. Ai cũng biết kết cuộc đó, hiển nhiên như cái thành phố đến gần cuối năm là ngập hơn một nửa trong triều cường. Nhưng lòng tham khiến cho mọi nhận thức đều mờ nhoè hết. Tham được mùa, đồng nghĩa với mọi giá trị khác đều thất bát, rụng rơi.