Thứ Ba, 16/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Phước Minh Cung ở Trà Vinh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Phước Minh Cung ở Trà Vinh

Bài và ảnh: Cát Lộc

Bia di tích lịch sử cấp quốc gia.

(TBKTSG Online) – Phước Minh Cung tọa lạc tại số 44 đường Điện Biên Phủ (thuộc phường 2, thành phố Trà Vinh), con đường chính lúc nào cũng nườm nượp xe cộ qua lại, nhưng chỉ cần bước vào bên trong chánh điện, du khách sẽ cảm nhận một không gian trầm lắng, u nhàn.

Phước Minh Cung là tên chữ còn tên dân gian thường gọi chùa Ông Quan Thánh vì thờ Quan Công.

Quan Công tên thật là Quan Vũ, tự Quan Vân Trường, thường được gọi là Quan Thánh Đế Quân, Quan Đế, Hán Vũ Đế, Xích Đế. Quan Công sinh năm 162 ở tỉnh Sơn Tây, Trung Hoa. Ông mất năm 219. Quan Công đã cùng với Lưu Bị và Trương Phi kết nghĩa anh em tại vườn đào. Quan Công là người hội đủ các đức tính trung dũng, nghĩa tình độ lượng và công minh chính trực, là nhân vật nổi tiếng thời Tam Quốc hậu Hán. Chính vì vậy mà khi ông qua đời người ta đã tôn thờ ông như một vị thánh.

Gian chính thờ Quan Thánh Đế Quân.

Theo 2 bi ký (một bằng đá và cái còn lại bằng gỗ quý) được lưu giữ trong chùa, cả hai đều ghi khắc chữ Hán, thì Phước Minh Cung được xây dựng vào năm Bính Thìn 1556. Và trùng tu vào đầu thế kỷ XX.

Phước Minh Cung được xây dựng theo phong cách “nội công ngoại quốc”, truyền thống kiến trúc các nơi thờ tự của người Hoa trên đất Việt, với ba tòa nhà nằm ngang song song nhau, gồm tiền điện, trung điện và chánh điện theo hình chữ “Tam”. Dọc hai bên chùa là hai dãy tả điện và hữu diện hướng vào tòa nhà tạo thành một công trình khép kín hình chữ “Khẩu”.

Toàn bộ mái chùa lợp ngói âm dương tiểu đại cong vút rực sắc đỏ vàng, thiết kế theo kiểu “trùng thềm diệp ốc”. Diềm mái nổi bật màu ngói men xanh ngọc. Gờ mái, mặt dựng đầu hồi đều được trang trí tượng lưỡng long tranh châu,bát tiên, tứ linh, muông thú, đào viên kết nghĩa, tùng hạc trường xuân, đào lộc trường thọ

Mặt trước chùa Ông Quan Thánh ở Trà Vinh.

Khung sườn chịu lực đỡ mái chùa là những cột gỗ quý hình tròn và vuông. Chân cột được kê bởi những tảng đá hình cánh sen, bát giác hết sức tinh xảo. Tiền điện Phước Minh Cung là một tập hợp đặc sắc về tính mỹ thuật, với 3 cửa ra vào: chánh môn, tả môn và hữu môn. Cửa cái hơi lùi vào trong, được thiết kế theo kiểu ô hộc, phía trong hai bên có hai cửa phụ tạo thành “Ngũ môn kín”.

Cửa cái được làm bằng bỗ với bốn cánh, trang trí hình tượng hai vị môn thần là Tần Thúc Bảo và Uất Trì Cung, Từ Mậu Công và Ngụy Trưng. Hai bên vách là hai bức phù điêu Thanh long, Bạch hổ. Ở giữa bên trên là tấm biển với ba chữ Hán lớn: Phước Minh Cung cùng các mảng phù điêu với các đề tài như song tiền, đào viên kết nghĩa (Quan Công,Lưu Bị, Trương Phi), tứ dân (sĩ, nông, công, thương), điển tích cổ Trung Hoa cùng bao lam lưỡng phụng tranh châu. Trên các rường cột đều được chạm trổ sắc sảo họa tiết long, lân, hoa lá…

Bên trong chánh điện bố trí nhiều khánh thờ, bàn thờ theo một trật tự quy định, với các liễn đối, hoành phi treo trên các cột được chạm khắc tinh xảo. Tất cả thể hiện phong cách chạm khắc mỹ thuật truyền thống Trung Hoa xưa với lưỡng long chầu nguyệt, long phụng tranh châu, tứ linh, tứ bình, bát tiên, đào viên kết nghĩa

Tượng Xích thố của Quan Công làm bằng mây.
Cửa cái treo bức hoành đề ba chữ Hán: Phước Minh Cung.

Chánh điện gồm ba gian, gian chính thờ Quan Thánh Đế Quân, Mẹ Thai Sanh và Phước Đức Chánh Thần ở hai bên. Các gian thờ nầy đều được chạm lộng, chạm bông, chạm nổi tỉ mỉ, tinh xảo, bài trí hài hòa, toát lên vẻ đẹp uy nghiêm của thánh thần… Gian phải là nơi thờ Phước Đức Chánh Thần, tục gọi thần Tài, có câu đối: “Phước đức bảo ngã tử tôn an thả kiết / Thần đàn vi dân phụ mẫu thọ nhi khang”.

Ngoài ra, chánh điện còn có các bàn thờ, tượng thờ, ngũ sự, hoa quả cùng hai bộ bát bửu, hai bộ lỗ bộ. Tất cả đều là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Đáng chú ý là có tượng xích thố – con ngựa quý của Quan Công – bằng mây cũng là công trình nghệ thuật hiếm thấy.

Trung điện Phước Minh Cung cũng được trang trí các phù điêu, liễn đối, hoành phi… Nhưng nổi bật lên là đồ án bát tiên kỵ thú, gồm Lý Thiết Quài cưỡi tượng cầm bầu trói, Lam Thái Hòa cưỡi phụng cầm giỏ hoa, Tào Quốc Cựu cưỡi hươu cầm ngọc quyển, Hà Tiên Cô cưỡi phụng cầm đóa sen, Hàn Tương Tư cưỡi công thổi sáo, Hán Chung Ly cưỡi sư tử cầm quạt, Lã Đồng Tân cưỡi hạc cầm phất trần, Trưởng Quả Lão cưỡi lừa cầm sên. Đồ án nầy thể hiện tám chặng đường tu tập bí pháp để thành tiên và cũng là biểu trưng cho sự trường sanh bất tử.

Có thể nói Phước Minh Cung là một tập hợp đa dạng mỹ thuật, nghệ thuật Trung Hoa từ hàng trăm năm trước. Chính vì vậy mà Phước Minh Cung được xem như một bảo tàng mỹ thuật, một công trình kiến trúc nghệ thuật cổ độc đáo, một biểu tượng văn hóa đáng tự hào của cộng đồng người gốc Hoa đang sinh sống tại địa phương. Tháng 11-2005, Phước Minh Cung được Bộ Văn hóa – Thông tin (cũ) công nhận là di tích cấp quốc gia về loại hình kiến trúc nghệ thuật.

Hằng năm Phước Minh Cung tổ chức các ngày lễ vía tính theo âm lịch như sau: ngày 13 tháng Giêng vía Quan Bình (con trai Quan Công), ngày 16-3 vía Châu Xương, ngày 24-6 vía Quan Đế Thánh Quân. Đặc biệt, ngày rằm tháng Giêng, Phước Minh Cung diễn ra lễ hội Nguyên tiêu – một lễ hội vui vẻ của cộng đồng người gốc Hoa, được xem là cái tết thứ hai trong năm của họ. Trong các ngày lễ vía nầy, Phước Minh Cung phục vụ miễn phí bá tánh món bún nước lèo ăn với thịt heo quay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới