Thứ tư, 20/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Phương án tăng vốn điều lệ bằng nguồn ngân sách nhà nước của Agribank không khả thi

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho rằng Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (Agribank) cần xem lại cơ sở về kế hoạch tăng vốn thêm 5.000 tỉ đồng. Lý do là việc tăng vốn từ nguồn hỗ trợ của ngân sách nhà nước hiện rất khó khăn và không khả thi.

Phương án tăng vốn và mục tiêu đề ra

Báo cáo Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước (NHNN) cho biết việc thực hiện Đề án cơ cấu lại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (Agribank) không đạt được một số mục tiêu liên quan của phương án cơ cấu lại như tỷ lệ thu nhập phi tín dụng, mục tiêu khách hàng và thị phần, mục tiêu tăng trưởng tín dụng gắn liền với chất lượng tín dụng.

Một chi nhánh của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank). Ảnh minh hoạ: H. Thắng.

Với mục tiêu tăng vốn điều lệ, cơ quan kiểm toán cho rằng ngân hàng chưa đạt được do xây dựng mục tiêu không khả thi, dù đã có khuyến nghị từ NHNN. Cụ thể, Agribank đưa ra mục tiêu vốn điều lệ tăng trên 5.000 tỉ đồng một năm.

Phản hồi, NHNN đã có ý kiến tại mục IV.2, văn bản số 2088/TTGSNH4.m với nội dung “cần xem lại cơ sở để đưa ra kế hoạch tăng vốn bình quân hàng năm là 5.000 tỉ đồng vì hiện nay tăng vốn từ nguồn hỗ trợ của ngân sách nhà nước (NSNN – PV) là rất khó khăn và không khả thi”.

Còn tại mục IV.3, NHNN cho rằng Agribank đưa ra mục tiêu tăng vốn điều lệ bình quân là 5.000 tỉ đồng một năm với nguồn tăng chủ yếu từ NSNN cấp. Nhưng hiện việc tăng vốn từ nguồn NSNN là rất khó khăn và không khả thi. Do đó, Agribank cần chủ động xây dựng các giải pháp khác hoặc điều chỉnh tăng vốn cho phù hợp.

Tuy nhiên, khi chỉnh sửa Phương án cơ cấu lại trình NHNN phê duyệt Agribank vẫn giữ nguyên mục tiêu tăng vốn điều lệ hàng năm là 5.000 tỉ đồng và chưa có giải pháp, lộ trình cụ thể để đánh giá tính khả thi của việc đạt được mục tiêu.

Trước đó, tại văn bản gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, NHNN cho biết đang phối hợp các bộ, ngành liên quan xem xét, trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước.

Với BIDV, Vietcombank, VietinBank, NHNN đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét, có ý kiến về việc phân phối lợi nhuận năm 2021 để làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền xem xét tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng này.

Vốn điều lệ của 4 ngân hàng thương mại nhà nước gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV đạt 180.300 tỉ đồng tính tới cuối tháng 7-2022. Tổng tài sản đạt 7.060.300 tỉ đồng, huy động vốn thị trường 1 đạt 5.618.200 tỉ đồng, dư nợ cho vay thị trường 1 đạt 5.151.400 tỉ đồng.

Theo NHNN, Agribank đã được Bộ Tài chính cấp bổ sung 3.500 tỉ đồng vốn điều lệ.

VietinBank đã chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ thêm 10.824 tỉ đồng sau khi được Thủ tướng phê duyệt phương án. Vietcombank cũng được Thủ tướng phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ phần lợi nhuận còn lại năm 2019 với tổng vốn điều lệ tăng thêm là 10.237 tỉ đồng.

BIDV được Thủ tướng phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước thông qua chi trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại giai đoạn 2018-2020, tổng số vốn điều lệ tăng thêm là 10.365 tỉ đồng.

Như vậy, vốn điều lệ của 4 ngân hàng đã được bổ sung. Nhưng NHNN cho rằng việc tăng vốn của các ngân hàng thương mại nhà nước tăng chậm hơn rất nhiều so với khối ngân hàng thương mại cổ phần. Điều này ảnh hưởng đến vai trò dẫn dắt thị trường, vai trò chủ lực, chủ đạo của toàn hệ thống.

Hạn chế về vốn kéo theo hạn chế về năng lực

Trên thực tế, đại diện các ngân hàng thương mại nhà nước từng nhiều lần kiến nghị Chính phủ ưu tiên tăng vốn điều lệ do quy mô vốn điều lệ, hệ số an toàn vốn của các ngân hàng còn ở mức rất khiêm tốn so với nhu cầu phát triển và các chuẩn mực quốc tế.

Tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp nhà nước ngày 24-3, Vietcombank cho rằng tổng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại nhà nước chỉ còn chiếm 23,6% vốn điều lệ toàn hệ thống ngân hàng.

Hạn chế về vốn, theo Vietcombank, sẽ hạn chế năng lực của các ngân hàng trong việc mở rộng kinh doanh, cung ứng vốn cho nền kinh tế, giảm sút thị phần huy động vốn, tín dụng và có nguy cơ làm suy yếu vai trò chủ đạo, dẫn dắt thị trường của các ngân hàng thương mại nhà nước.

Còn tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022 diễn ra chiều 29-12-2021, ông Phạm Đức Ấn – Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank – cho rằng việc bổ sung vốn điều lệ cho ngân hàng là cần thiết để ngân hàng duy trì được tăng trưởng tín dụng, nhất với là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Lý giải điều này, ông Ấn cho biết hiện có ngân hàng thương mại cổ phần với quy mô tín dụng chỉ bằng 1/4 so với Agribank, nhưng vốn điều lệ đã cao hơn Agribank.

Còn ông Phan Đức Tú – Chủ tịch BIDV – cho biết ngân hàng đang chịu áp lực tăng vốn khi tiếp tục thực hiện chuẩn mực Basel 2 nâng cao và Basel 3. Ngoài ra, các ngân hàng còn đối mặt với áp lực duy trì mức tăng trưởng tín dụng cao trong giai đoạn 2022–2023 – giai đoạn Chính phủ thực hiện chương trình phục hồi kinh tế – xã hội.

Bên cạnh đó, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng Việt Nam đã giảm từ 13% năm 2015 xuống còn 11,1% vào tháng 6-2021, theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank).

 

1 BÌNH LUẬN

  1. Vốn điều lệ là “tư chất cơ bản” của một doanh nghiệp. Đối với ngân hàng thì càng quan trọng hơn nữa. Ngân sách thì luôn có hạn. Chưa kể thủ tục để xài ngân sách chưa bao giờ dễ dàng. Nếu chỉ dựa vào ngân sách, không có giải pháp đa dạng hóa nguồn lực, thì chờ bao giờ cho đến tháng… quyết toán tài khóa ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới