(KTSG Online) – Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đẩy nhanh việc đầu tư dự án lọc hoá dầu, đảm bảo đủ nhu cầu xăng dầu trong nước để tránh tình trạng vừa xuất, vừa nhập dầu thô.
Yêu cầu này được Phó thủ tướng nêu tại buổi làm việc với PVN ngày 11-3.
Phó thủ tướng đề nghị các bộ, ngành có biện pháp tháo gỡ vướng mắc về tình trạng phải nhập khẩu dầu thô để lọc hóa trong khi lại xuất khẩu dầu thô.
"Dứt khoát phải đổi mới, nếu vướng ở cơ chế, chính sách thì sửa ngay. Không thể để trong cùng tập đoàn PVN mà đơn vị này khai thác, xuất khẩu dầu thô, đơn vị khác lại đi nhập khẩu dầu thô để chế biến", Phó thủ tướng nói.
Ông cũng yêu cầu PVN khẩn trương đầu tư xây dựng dự án tại Khu công nghiệp Long Sơn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó có hạng mục đầu tư nhà máy lọc hoá dầu thứ 3 tại Việt Nam để đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu xăng dầu trong nước.
Yêu cầu của Phó thủ tướng được đưa ra trong bối cảnh giá dầu thô trên thị trường thế giới đã ở mức trên 100 đô-la Mỹ một thùng. Còn Việt Nam đang xuất khẩu phần lớn dầu thô, nhưng phải nhập khẩu chủng loại khác để chế biến.
Hiện tổng công suất của cả hai nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất mới đáp ứng 70% nhu cầu thị trường trong nước.
Theo Phó thủ tướng, trữ lượng dầu khí của Việt Nam khoảng 1,5 tỉ mét khối, đứng thứ 26 thế giới, nhưng sản lượng khai thác hiện chỉ đứng thứ 34. Tức là tốc độ hiện thực hoá tiềm năng dầu khí chưa cao.
"Cần đưa được nguồn tài nguyên này vào phục vụ nền kinh tế, phải chế biến sản phẩm hiệu quả nhất", Phó thủ tướng nói.
Cũng tại cuộc họp, Phó thủ tướng đề nghị PVN rà soát kế hoạch sản xuất kinh doanh, tài chính, lợi nhuận của năm 2022 trước diễn biến phức tạp của giá dầu thế giới, nhưng cần phấn đấu tăng trưởng 10% so với năm 2021.
Ngoài ra, PVN cần xây dựng đề án phát triển điện gió ngoài khơi để phát huy trang thiết bị và công nghệ, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, xây dựng phương án khai thác hiệu quả nguồn khí khai thác được để đảm bảo hiệu quả cao nhất.
Trước đó, ông Lê Mạnh Hùng - Tổng giám đốc PVN – cho biết tập đoàn dã khai thác 0,84 triệu tấn dầu trong tháng 2-2022, vượt 24% kế hoạch. Lũy kế 2 tháng đầu năm, PVN khai thác 1,78 triệu tấn.
Với mức sản lượng này, tập đoàn ghi nhận doanh thu 118.730 tỉ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ 2021. Mức nộp ngân sách của PVN là hơn 18.000 tỉ đồng, tăng 48%.
Xu thế sắp đến sẽ là thời kỳ phát triển mạnh năng lượng sạch, bao gồm cả năng lượng tái tạo (mặt trời/ gió…) và công nghệ cao (hạt nhân/ lượng tử…). Như vậy PVN và EVN cần phải chuyển hướng gấp, không nên cứ đi khoan /đào/ hút/ đốt… mãi mà cần có chiến lược mới để trở thành một tập đoàn đa ngành nghề chuyên sâu / chuyên nghiệp về công nghệ năng lượng. Như vậy, PVN / EVN sẽ không còn là tập đoàn dầu khí / điện lực nữa mà phải thống nhất thành một tập đoàn năng lượng bền vững của quốc gia VPP (Vietnam Powerful Power).
Cần phải nhanh chóng thiết lập một bộ chuyên ngành năng lượng mạnh mẽ thì đất nước mới có thể phát triển bền vững và dân ta mới có cơ hội hưởng lợi từ tài nguyên năng lượng tái tạo dồi dào ngay chính trên đất nước mình. Bộ này không chỉ quản lý dầu khí, điện lực… mà còn tập trung vào nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng của lĩnh vực năng lượng sáng tạo, có cơ chế quản trị hiệu quả để tạo ra động lực cạnh tranh phát triển, không để tình trạng tập trung, độc quyền, thao túng, lợi ích nhớm chi phối.