Thứ Bảy, 30/09/2023, 00:45
34 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Quả bóng đã lăn!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quả bóng đã lăn!

Chi Lan

Lế khai mạc sôi động và nhiều màu sắc chào mừng quả bóng Worldcup lần đầu tiên lăn trên sân cỏ lục địa đen. Ảnh: AP.

(TBKTSG Online) – Vậy là quả bóng Jabulani đã lăn trên sân cỏ thành phố Johannesburg ở Nam Phi! Cứ như “đến hẹn lại lên” triệu triệu con người trên hành tinh xanh này lại mở hết lòng ra theo dõi quả bóng lăn suốt một mùa vàng World Cup để thấy hồn mình cũng xanh theo, rộn ràng theo tiếng kèn Vuvuzela vừa được cất lên.

>> Lan man World Cup

Bản thân tôi trước đây chỉ biết loáng thoáng về Nam Phi, xứ sở của những mỏ vàng, mỏ kim cương lớn nhất thế giới; giờ lại lên mạng, đọc báo để biết thêm nhiều điều thú vị về đất nước nằm ở cực nam lục địa đen này. Chẳng hạn như Nam Phi thuộc châu Phi khô cằn nhưng lại có khí hậu ôn hòa, mát mẻ nhờ được bao quanh bởi Ấn Độ Dương, Đại Tây Dương với bờ biển dài 2.798km.

Rằng Nam Phi có loại linh dương đầu bò, một trong 5 loài động vật chạy nhanh nhất thế giới và hoa búp Protea lạ lùng chỉ mọc duy nhất ở xứ sở này. Chưa hết, người Nam Phi rất yêu bóng đá nên tuyển bóng đá Nam Phi được gọi trìu mến là “Bafana Bafana” (Những chàng trai). Trong những ngày này người dân sẽ mặc áo thun màu vàng truyền thống có in chữ “Bafana” để ủng hộ đội nhà, ủng hộ World Cup.

Từ đêm qua 11-6 (giờ VN), sau lễ khai mạc đầy ấn tượng trên sân vận động Soccer City ở thành phố Johannesburg, quả bóng sẽ lăn suốt một tháng trời trên “quốc gia cầu vồng” đa dạng về văn hóa này trong sự theo dõi, hồi hộp của bao người trên khắp thế giới. Người ta sẽ “ăn bóng đá, nói bóng đá, ngủ bóng đá, vui buồn cùng bóng đá…”. Và với những người đam mê bóng đá, thì mỗi đêm, mỗi ngày sẽ là những bửa tiệc thịnh soạn, những niềm vui ngất ngây cuốn theo quả bóng tròn Jabulani.

Còn nhớ, những ngày hội bóng đá của hành tinh thường trùng với mùa thi quan trọng ở Việt Nam (cũng may mà không diễn ra hàng năm). Coi thi rồi chấm thi, các thầy cô giám khảo cứ mắt nhắm mắt mở ngáp dài ngáp vắn. Đâu đó có tiếng than thở “Múi giờ căng quá, cứ một đêm hai trận thế này, có mà ngủ gục!”. Nhưng có hề gì, những cữ cà phê, những cữ ăn sáng thua độ cũng tưng bừng, rôm rả như tết. Cứ thế, năm nào nhằm mùa bóng đá, đi chấm thi sao mà vui!

Tshabalala (Nam Phi) ghi bàn thắng đầu tiên tại World Cup lần thứ 19. Ảnh: AP

Hãy nghĩ xem, chỉ cần bạn thích một đội tuyển nào đó (nhiều người còn thích không chỉ một đội), thế là đủ hồi hộp, náo nức rồi. Bởi chỉ cần vậy thôi, bạn đã hít thở không khí của từng trận đấu căng thẳng trên màn hình kia, sẽ buồn vui theo từng trái bóng tung lưới cầu môn, thú vị và ý nghĩa lắm chứ.

Và, khi quả bóng lăn, tôi cũng nghiệm ra nhiều điều. Khi hòa cùng trận đấu, ta say sưa hồi hộp theo một đường chuyền tài hoa, một cú tạt cánh tinh tế, một cú sút đẹp như mơ, ta chắt lưỡi hít hà vì một pha phối hợp vụng, một cái kéo áo, cộp chân thô bạo, một hơ hỏng không đáng có của một cầu thủ nào đó và cứ thế ta quên hết những lo âu trăn trở đời thường, quên hết những tranh đua quyết liệt, gay gắt trong cuộc sống, những đen bạc của thế thái nhân tình…

Nhiều khi ta lại thấy mình như “người xưa”, chỉ “phù suy không phù thịnh” khi ta thương mến, ái mộ những đội tuyển chưa phải là “đại gia” mà tinh thần thi đấu ngoan cường, hào sảng, những đội tuyển mà sự thắng thua trên sân cỏ đều để lại hình ảnh thật đẹp trong lòng người.

Bởi vì, khi quả bóng lăn, lòng người cũng lăn theo và tiếng còi kết thúc trận đấu với người hâm mộ không chỉ là tỷ số bàn thắng, bàn thua mà còn nằm ở sự cống hiến của cả hai đội. Cống hiến đẹp có nghĩa là tất cả đều chiến thắng và ngược lại…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới