(KTSG) - Đầu tuần này, Quốc hội thảo luận về báo cáo giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Nhiều đại biểu cho rằng, qua đại dịch chúng ta thấy rõ tình yêu thương, đoàn kết của người dân; lòng tham của một số quan chức, cán bộ; những lỗ hổng pháp luật cùng rất nhiều việc phải làm cả trong ngắn và dài hạn.
- Tuyên bố kết thúc dịch Covid-19, tình hình sẽ có gì khác?
- Tàu du lịch quốc tế đầu tiên quay lại Phú Quốc sau đại dịch Covid-19
Bản đầy đủ của Báo cáo giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid- 19 và việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng (Báo cáo giám sát) dài tới 125 trang; trong đó 108 trang nội dung, phần còn lại dành cho 19 phụ lục. Riêng chi tiết này đã cho thấy sự công phu cũng như tính phức tạp của vấn đề được Quốc hội chọn làm chuyên đề giám sát tối cao trong năm 2023.
Báo cáo giám sát cho biết, đến 31-12-2022, tổng số tiền đã được huy động để trực tiếp phục vụ phòng, chống dịch và thực hiện các chính sách an sinh xã hội là khoảng 230.000 tỉ đồng (gồm 186.400 tỉ đồng ngân sách nhà nước và 43.600 tỉ đồng tài trợ, viện trợ). Cùng với đó là hơn 11.600 tỉ đồng đã được huy động vào Quỹ Vaccine và 259,3 triệu liều vaccine viện trợ trị giá khoảng 24.000 tỉ đồng (trong đó gần 150 triệu liều là viện trợ của chính phủ các nước).
Cùng với “sức của” là “sức người”. Đã có hàng triệu tình nguyện viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ, lực lượng vũ trang trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia phòng, chống dịch. Riêng đợt dịch thứ 4, chỉ trong thời gian ngắn đã huy động gần 300.000 lượt cán bộ của trung ương và 34 địa phương hỗ trợ một số tỉnh, thành, trong đó tập trung chủ yếu cho TPHCM.
Nhưng chúng ta không chỉ thấy lòng tốt mà còn thấy cả lòng tham! “Lòng tham của một số người, kể cả những người có chức, có quyền, lợi dụng sự mất mát, đau thương của người dân, đất nước để cấu kết làm trái quy định pháp luật, làm giàu bất chính” như đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) phát biểu.
Bên cạnh đó, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế đã trực tiếp tham gia phòng, chống dịch và đóng góp sức lực, tiền, hiện vật và nhiều khoản đóng góp khác với nhiều hình thức khác nhau. Nhiều khoản đóng góp, ủng hộ không thể lượng hóa được bằng tiền!
Theo Đoàn giám sát, “đây là những đóng góp vô cùng to lớn, là thông điệp lớn lao và đầy ý nghĩa về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tình yêu thương, lòng nhân ái, thể hiện truyền thống và đạo lý nhân văn, tốt đẹp của dân tộc và con người Việt Nam”. Nguồn lực này “được sử dụng cơ bản đúng chủ trương, chính sách đã ban hành”, “góp phần đáp ứng kịp thời yêu cầu của công tác phòng, chống dịch, mang lại hiệu quả tích cực trong bối cảnh khó khăn, cấp bách”.
Nhưng chúng ta không chỉ thấy lòng tốt mà còn thấy cả lòng tham!. “Lòng tham của một số người, kể cả những người có chức, có quyền, lợi dụng sự mất mát, đau thương của người dân, đất nước để cấu kết làm trái quy định pháp luật, làm giàu bất chính” như đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) phát biểu. Đáng tiếc là Báo cáo giám sát tuy rất dày dặn, công phu nhưng dung lượng dành cho “Việt Á” và “chuyến bay giải cứu” - những sai phạm nghiêm trọng trong huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch - lại rất ít ỏi và chung chung.
Bù lại, các lỗ hổng, điểm yếu của hệ thống pháp luật được Báo cáo giám sát nhận diện cặn kẽ và toàn diện. Trong đó, hệ thống pháp luật hiện hành chưa bao quát hết, chưa điều chỉnh được các quan hệ, tình huống phát sinh, dẫn tới tình trạng thực hiện thiếu thống nhất, chậm triển khai, làm lãng phí nguồn lực. Điển hình là quy định về lựa chọn nhà thầu trong việc sử dụng ngân sách để mua sắm phục vụ hoạt động phòng, chống dịch. Quy trình lựa chọn nhà thầu quá nhiều thủ tục, mất nhiều thời gian trong khi việc mua sắm khi đó rất cấp bách.
Luật Đấu thầu cho phép áp dụng chỉ định thầu với “gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách” nhưng lại chưa làm rõ thế nào là “trường hợp cấp bách”. Vì thế, khi xảy ra dịch Covid-19 chưa có sự nhất quán trong chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện thống nhất trên phạm vi cả nước và chính điều này đã dẫn nhiều cán bộ vướng vào vòng lao lý.
Đáng tiếc là Báo cáo giám sát tuy rất dày dặn, công phu nhưng dung lượng dành cho “Việt Á” và “chuyến bay giải cứu” - những sai phạm nghiêm trọng trong huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch - lại rất ít ỏi và chung chung.
Bên cạnh đó, một số chính sách ban hành trong bối cảnh cấp bách của dịch bệnh nên chưa có thời gian đánh giá kỹ tác động, mà nói như đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) là “có những chính sách trong dịch giờ nhìn lại thấy hơi vô lý”. Trong lúc đang thiếu vaccine, báo chí nói “chuyện ông nội, ông ngoại đi can thiệp để tiêm” thì lại không cho phép tiêm dịch vụ để bớt gánh nặng cho y tế công lập. Hay khi cả cộng đồng đang sục sôi thiếu thuốc điều trị thì Bộ Y tế lại chậm trễ trong cấp số đăng ký cho thuốc này dù đã có tác dụng ở nước ngoài, dẫn đến tình trạng mua bán bên ngoài, trên mạng, đẩy giá, gây thiệt hại cho người dân…
Sau tất cả, cuộc giám sát cho thấy đại dịch đã qua đi nhưng còn rất nhiều việc phải làm để xử lý các tồn đọng, vướng mắc trong công tác quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch. Đoàn giám sát cho rằng, trước mắt, Chính phủ phải xử lý bốn nhóm việc cụ thể: thanh quyết toán chi phí; mua sắm trang thiết bị y tế; sở hữu với tài sản người dân đóng góp cho chống dịch; và xử lý các tài sản khi giải thể cơ sở phòng, chống dịch lưu động.
Cùng với đó là rất nhiều vấn đề đại biểu đặt ra. Phải xử lý nghiêm những ai tham nhũng, xà xẻo, tuy nhiên cần xem xét thật có lý, có tình, công bằng với những ai sai sót nhưng không phải vì vụ lợi mà chỉ nhằm kịp thời chống dịch, vì lợi ích cộng đồng; đồng thời, nên sớm kết thúc điều tra vụ án để xã hội ổn định, cán bộ vững lòng thực hiện các công vụ mới - đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đề xuất.
Hay chuyện các bệnh viện đang lo trả nợ cho doanh nghiệp vật tư y tế, thuốc men trong tình huống cấp thiết đã mượn trước để cứu người, chống dịch. Doanh nghiệp liên tục đòi nợ nhưng bệnh viện không có cơ sở để hoàn trả, như phản ánh của đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận).
Về dài hạn, nhiệm vụ quan trọng là hoàn thiện khung khổ pháp luật. Báo cáo giám sát đề xuất hai nhóm vấn đề: (1) sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các luật có liên quan đến lĩnh vực y tế cơ sở, y tế dự phòng, phòng thủ dân sự và tình trạng khẩn cấp; (2) bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản hướng dẫn thi hành luật trong công tác mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, hóa chất bảo đảm thống nhất với Luật Đấu thầu và Luật Giá. Đây đều là những công việc trọng tâm mà Quốc hội có thể đề nghị Chính phủ lưu ý để sớm đưa vào chương trình xây dựng pháp luật sắp tới.
Dự thảo Nghị quyết giám sát sẽ được Quốc hội thông qua trong những ngày làm việc cuối của kỳ họp này. Nhiều khả năng, theo đề xuất của Đoàn giám sát, Quốc hội sẽ đặt ra các mốc thời gian cụ thể cho từng công việc mà Chính phủ phải hoàn thành để tháo gỡ khó khăn và yêu cầu Chính phủ thường xuyên báo cáo Quốc hội trong các kỳ họp về hai nội dung giám sát trong chuyên đề giám sát này. Điều này được kỳ vọng sẽ mang lại những chuyển biến rõ nét trên thực tế, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực giám sát của Quốc hội.