Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quá trình toàn cầu hóa đi vào ngõ cụt?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quá trình toàn cầu hóa đi vào ngõ cụt?

Nguyễn Như Vinh (CHLB Đức)

Quá trình toàn cầu hóa đi vào ngõ cụt?
Hàng rào ngăn người di cư ở Calais, Pháp. Nạn di dân ở châu Âu còn diễn biến phức tạp Ảnh: Getty

(TBKTSG Online) – Trước thềm năm Đinh Dậu, nhìn lại các biến động, bất ổn suốt một năm qua nhiều người không khỏi băn khoăn lo âu, không hiểu thế giới sẽ đi về đâu khi ông Trump lên cầm quyền nước Mỹ, khi chủ nghĩa khủng bố ngày càng lan rộng, nạn di dân ở châu Âu còn diễn biến phức tạp, Trung Đông vẫn chưa hết chiến tranh, nước Anh rời khỏi EU, và Triều Tiên thì đang loay hoay thử nghiệm bom nguyên tử, đầu đạn liên lục địa…

“Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, tuyên ngôn của ông Trump là lời thú nhận nước Mỹ đang yếu đi, đang lúng túng về đối nội và đối ngoại, và tiến trình toàn cầu hóa có vẻ đang đi vào bế tắc?

“Chúng ta phải bảo vệ biên giới khỏi sự tàn phá từ những nước sản xuất sản phẩm của chúng ta, ăn cắp công ty của chúng ta và hủy hoại công việc của chúng ta”, đó là cách mà ông Trump lựa chọn: đối đầu và đi ngược với chiến lược toàn cầu hóa mà nước Mỹ chủ trương, tiên phong hơn nửa thập kỷ qua.

Ông Trump đổ lỗi cho tất cả thế giới, nhưng ông nói đi mà không nhìn lại.

Nhờ có toàn cầu hóa mà dân Mỹ trở thành người tiêu dùng sướng nhất hành tinh, từ các sản phẩm cao cấp như iPhone, laptop, xe hơi đến quần áo, giày dép, hàng xa xỉ và tôm càng, cua bể… Tóm lại tất cả các sản phẩm tốt nhất, thực phẩm ngon nhất trên thế giới và giá cũng rẻ nhất đều phục vụ cho thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, được như vậy cũng có cái giá của nó. Trong khi giới tư bản Mỹ trở thành siêu giàu thì cuộc sống của đại bộ phận người dân lao động trở nên khó khăn hơn, sự phân hóa xã hội ngày càng nghiêm trọng. Chi phí cho nhà cửa, y tế, giáo dục… khiến cho ngay cả giới trung lưu cũng thấy cuộc sống khó khăn, là các vấn đề xã hội nhức nhối chưa được giải quyết và là các trái bom nổ chậm trong lòng nước Mỹ.

Mặc dù tổng thu nhập quốc dân (GDP) của Mỹ tăng trong 30 năm qua và hiện nay ở mức trên 18.000 tỉ đô la Mỹ, dẫn đầu thế giới, nhưng thu nhập hay sức mua của dân lao động lại giảm. Theo thống kê, 1% giới tinh hoa, tư bản Mỹ chiếm đến 40% tổng thu nhập quốc dân; trong khi 80% dân Mỹ chỉ có 7%. An sinh xã hội ở Mỹ đang bị khủng khoảng trầm trọng và đây có lẽ là nguyên nhân chính lý giải cho việc ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ.

Quá trình phân hóa xã hội hay sự bất bình đẳng, thực chất là tình trạng bần cùng hóa xã hội, đang diễn ra gay gắt không chỉ trong nước Mỹ mà còn đang lan rộng trong những nước công nghiệp như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc,… và là xu hướng xã hội ngày càng lan rộng trên khắp thế giới.

Theo thống kê của Liên hiệp quốc, 1/5 các nước nghèo trên thế giới hiện nay chỉ chiếm 1,4% tổng sản lượng quốc dân toàn cầu, trong khi 1/5 các nước giàu chiếm đến gần 90%. Tại các nước công nghiệp EU, sự bất bình đẳng cũng tăng cao làm phân hóa xã hội theo chiều từ Bắc đến Nam khiến các nước phía Nam như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp chủ yếu dựa vào du lịch và nông sản lâm vào khủng khoảng. Ngay CHLB Đức, là nước có nền kinh tế hài hòa, đặt trọng tâm xây dựng lớp trung lưu thì trong vòng 10 năm qua cũng có sự chuyển dịch từ trung lưu sang thành phần nghèo, đồng thời thu nhập, sức mua của người nghèo ngày càng kém đi…

Người dân lao động, dù thế giới ngày nay đã phát triển vượt bậc, thị trường hàng hóa phong phú, càng thấy khó sống và bất an khi mức thu nhập ngày càng khó theo kịp cuộc sống; an sinh xã hội, môi trường bị đe dọa, sinh ra nhiều nghịch cảnh “người ăn không hết, kẻ lần không ra”.

Sự bất bình đẳng này có thể lý giải cho hiện tượng Brexit, khủng khoảng di cư ở EU, khủng hoảng tài chính ở Hy Lạp và đó cũng là sự thất bại của lớp chính trị truyền thống, đã không đưa ra giải pháp kinh tế-chính trị cho vấn nạn này.

Chính vì vậy mà ở Mỹ và châu Âu dấy nên phong trào dân túy, các đảng cực hữu đang ngóc đầu dậy. Sự việc này chỉ làm thêm bế tắc tiến trình toàn cầu hóa, khiến các mâu thuẫn kinh tế-xã hội trên toàn thế giới ngày càng sâu sắc mà hậu quả tất yếu là nguy cơ xung đột bạo lực trên toàn hành tinh là điều khó tránh khỏi. 

Với sự tiến bộ về khoa học, công nghệ và quá trình thương mại toàn cầu phát triển mạnh mẽ, thế giới bây giờ rất gần nhau, mọi vấn đề của các quốc gia đều có tác động hữu cơ lẫn nhau. Không thể một quốc gia nào, dù là siêu cường đi nữa có thể một mình giải quyết được mọi vấn đề, như ô nhiễm môi trường, hiện tượng biến đổi khí hậu, các dịch bệnh… Do đó chủ nghĩa ích kỷ dân túy chỉ dẫn tới bế tắc và thảm hoạ.

Công nghệ kỹ thuật số phát triển, robot thay thế con người trong công việc càng làm cho tình cảnh người lao động trở nên khốn đốn, sự bất bình đẳng càng thêm trầm trọng…

Thay vì tìm kiếm một giải pháp chính trị, kinh tế, xã hội toàn diện cho sự bất bình đẳng ngay trong lòng nước Mỹ, ông Trump lại đưa ra các chủ trương bảo hộ, dân tộc chủ nghĩa đi ngược lại các giá trị truyền thống Mỹ, đối đầu với cả thế giới và ngay chính các đồng minh lâu năm của mình. Dĩ nhiên chủ trương là một chuyện còn thực hiện được không là chuyện khác. Rút khỏi TPP hay đàm phán lại NAFTA, xung đột đến lợi ích giới đại tư bản Mỹ chắc chắn họ sẽ không để yên. Bỏ Obamacare liên quan đến 50 triệu dân nghèo Mỹ là những ngòi nổ cho các làn sóng biểu tình chống đối. Tương lai có lẽ người ta sẽ chứng kiến nhiều xáo trộn, biến động ở Mỹ.

Quá trình toàn cầu hóa là tất yếu của thời đại ngày nay để thế giới phát triển. Mọi chính sách bảo hộ, dân túy đều đi ngược với phát triển kinh tế cho chính mình và thế giới. Mọi đường lối áp đặt, phong tỏa kinh tế đều có tính thiển cận, vị kỷ mâu thuẫn với quá trình toàn cầu hóa. Vấn đề chủ chốt là cách làm, là cải cách, là đổi mới. Cơ chế toàn cầu hóa đang có vấn đề, thì nhất thiết phải chính sửa.

Một số người cho rằng với Mỹ là siêu cường, trật tự thế giới lâu nay chỉ có một trục, cả thế giới xoay quanh nó là một tình trạng không lành mạnh, tất yếu đi đến chỗ tha hóa. Cũng giống như trên phương diện kinh tế, bất cứ hình thức kinh doanh nào độc quyền là trái với quy luật cạnh tranh, đi đến tha hóa, triệt tiêu chính mình. Cạnh tranh là động cơ của sự phát triển. Độc quyền tức tự mình xóa đi lực cạnh tranh, tức đánh mất đi động cơ phát triển và như vậy là “tự sát”.

Có lẽ bây giờ là giai đoạn giao thời để bàn cờ thế giới sắp xếp lại thành một trật tự mới đa cực, cạnh tranh với nhau. Và nếu như vậy, tương lai thế giới sẽ có một thời gian bất ổn và biến động cho đến khi một trật tự mới, đa trục được thành hình?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới