Thứ sáu, 24/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Quan hệ thương mại Mỹ – Trung sau hội nghị thượng đỉnh: Hạ nhiệt căng thẳng nhưng chưa thể tạo ra cú hích

Song Thanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Cuộc gặp trực tuyến thượng đỉnh Mỹ - Trung giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 15-11 đã giúp hạ nhiệt căng thẳng trong quan hệ song phương. Tuy nhiên theo giới phân tích, điều này chưa thể tạo ra cú hích đủ lớn để xử lý những tranh chấp thương mại và kinh tế dai dẳng giữa hai nước.

Tạm gác đối đầu để hợp tác kinh tế

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, cuộc chiến được Tổng thống Donald Trump khởi xướng năm 2018, đã khiến người tiêu dùng ở cả hai nước phải chịu thiệt hại khi mua hàng hóa từ bên còn lại. Thuế quan leo thang cũng đã tạo ra những đứt gãy trong chuỗi cung ứng hàng hóa, ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn thế giới.

Thế nhưng, tại cuộc họp thượng đỉnh vừa qua, nhóm vấn đề kinh tế lại bị xếp sau những chủ đề địa chính trị trong chương trình thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo. Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ đề cập ngắn gọn đến việc “chính sách kinh tế, thương mại bất bình đẳng” của Trung Quốc gây hại đến người lao động và doanh nghiệp Mỹ.

Về phần mình, tại cuộc điện đàm, Chủ tịch Tập Cận Bình khi đề cập đến vấn đề thương mại, đã trực tiếp kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, chính giới Mỹ ngừng việc lạm dụng khái niệm “an ninh quốc gia” để kìm kẹp công ty, doanh nghiệp Trung Quốc. Ông cũng nhắc đến khả năng nới lỏng các biện pháp hạn chế thương mại, giúp nền kinh tế hai nước phục hồi nhanh hơn.

SCMP bình luận, sau quãng thời gian tranh cãi gay gắt, Washington và Bắc Kinh dường như đều chấp nhận hạ nhiệt căng thẳng để cải thiện quan hệ kinh tế song phương, ít nhất là trong ngắn hạn. Tuy nhiên, cuộc hội đàm trực tuyến cũng cho thấy, hai nước vẫn còn khác biệt rất lớn trong hàng loạt vấn đề, từ cạnh tranh địa chính trị, công nghệ, nhân quyền, và dĩ nhiên là cả kinh tế.

Triển vọng cắt giảm thuế quan

Theo chuyên gia Taylor Loeb tại Trivium China, với việc không có tuyên bố chung nào được đưa ra sau cuộc hội đàm thượng đỉnh, vòng tiếp xúc này rõ ràng chưa đủ lực để tạo ra những thay đổi lớn đối với quan hệ thương mại - kinh tế Mỹ - Trung.

Tuy nhiên, vẫn có những triển vọng tích cực nhất định, đặc biệt là trong vấn đề thuế quan. Nếu xung đột thương mại được tháo gỡ, Mỹ có thể hủy bỏ mức thuế 7,5% đánh vào số hàng hóa xuất khẩu trị giá 120 tỉ đô la của Trung Quốc, đồng thời giảm nhẹ mức thuế 25% đánh vào số hàng hóa Trung Quốc trị giá 250 tỉ đô la.

“Có thể có một số hàm ý từ các tuyên bố của hai bên. Nổi bật nhất là khả năng giảm hoặc loại bỏ thuế quan để giúp ứng phó với lạm phát trong ngắn hạn. Đây là một vấn đề gai góc mà chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang phải đối mặt”, chuyên gia Taylor Loeb nhận định. Theo ông, việc giảm thuế có thể sẽ xuất hiện ở một thời điểm nào đó, nhưng sẽ không đồng loạt với mọi mặt hàng. “Mỹ sẽ nới lỏng thuế ở những nhóm sản phẩm mang lại lợi ích kinh tế nhiều nhất cho mình, đồng thời ít liên quan tới vấn đề an ninh quốc gia”.

Chia sẻ quan điểm trên, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton dự đoán, chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ sớm dỡ bỏ một số loại thuế quan trừng phạt áp lên hàng hóa Trung Quốc. Phát biểu tại một hội nghị trực tuyến do Bloomberg tổ chức, bà Hillary chia sẻ rằng, một số loại thuế quan, đặc biệt là đối với hàng hóa nông nghiệp có thể gây tổn hại cho nước Mỹ trong tương lai gần, và một nỗ lực xem xét lại các loại thuế quan này đang được tiến hành.

Các trọng tâm đàm phán trong thời gian tới

Hồi tháng 1-2020, Mỹ và Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, kêu gọi tiến hành những cách cải mang tính cấu trúc với nền kinh tế và hoạt động thương mại Trung Quốc, trong các vấn đề như quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, nông nghiệp, dịch vụ tài chính, tiền tệ và ngoại hối. Cũng theo thỏa thuận này, Trung Quốc phải cam kết tăng mua hàng hóa nông nghiệp, công nghiệp, tài nguyên tự nhiên và dịch vụ của Mỹ.

Tuy nhiên, trong năm qua, phía Trung Quốc mới chỉ mua khoảng 60% lượng hàng hóa cam kết theo thỏa thuận. Chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết sẽ tiếp tục theo sát thỏa thuận này và hy vọng phía Bắc Kinh duy trì các cam kết của mình.

Theo bà Chen Fengying, chuyên gia Viện Quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc (CICIR), cho biết cam kết mua hàng theo từng giai đoạn của Bắc Kinh, cùng với vấn đề chuỗi cung ứng, sẽ là chủ đề của các cuộc thảo luận trong thời gian tới, đặc biệt là trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Joe Biden muốn làm giảm lạm phát tại Mỹ. Bà cũng cho rằng, dù vẫn còn một số tranh cãi về vấn đề quyền sở hữu trí tuệ và cam kết mua hàng hóa từ Trung Quốc, thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 được hai nước ký hồi tháng 1-2020 nhìn chung có ý nghĩa tích cực. “Thỏa thuận không cần đàm phán lại, tuy nhiên có thể cần một dạng cam kết mới”.

Trong khi đó, ông Shehzad Qazi, Giám đốc điều hành của China Beige Book International lại tỏ ra thận trọng hơn khi nhìn nhận: “Về chính sách thương mại, Nhà Trắng đã tuyên bố rõ rằng sẽ theo dõi sát cách thức Trung Quốc thực thi thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Thêm nữa, chúng ta cũng biết rằng Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan đang có ý thúc đẩy một cuộc điều tra mới dựa trên Điều 301 Đạo luật thương mại năm 1974 - một động thái có thể dẫn đến việc áp thuế mạnh hơn nữa. Nội bộ chính quyền Mỹ hiện còn bất đồng về chính sách này, nên chưa thể biết các bước đi tiếp theo sẽ là gì”.

Trong khi các cuộc đàm phán tới đây có thể không đạt được nhiều tiến triển về sở hữu trí tuệ hay thỏa thuận mua hàng hóa, các doanh nghiệp Mỹ mong đợi những khúc mắc khác giữa hai nước sẽ được hóa giải. Những vấn đề được quan tâm nhất là tạo điều kiện công bằng hơn để doanh nghiệp Mỹ tiếp cận thị trường Trung Quốc, nới lỏng hạn chế đi lại, chấm dứt trợ cấp cho các tập đoàn nhà nước, cũng như các nghĩa vụ của Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

“Tôi hy vọng các cuộc họp sẽ sớm được lên kế hoạch để có thể thảo luận những vấn đề kinh tế, thương mại với Trung Quốc. Có rất nhiều vấn đề, nên hai bên cần nỗ lực hơn để giải quyết các thách thức”, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - Trung Craig Allen cho biết.

Mỹ gia tăng nỗ lực kiềm chế Trung Quốc

Tuy nhiên, khả năng đàm phán hiện nay có thể tiến xa đến đâu vẫn là điều chưa rõ ràng, bởi tại Điện Capitol, những quan điểm chống Bắc Kinh và cáo buộc Trung Quốc là nền kinh tế phi thị trường vẫn còn đó. Phát biểu tại Viện Brookings hôm 16-11, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho hay Washington đang đánh giá những công cụ có trong tay đủ khả năng đối phó với hành vi kinh tế phi thị trường mà Bắc Kinh theo đuổi lâu nay.

Theo chuyên gia phân tích chuyên về Trung Quốc Joe Mazur tại hãng tư vấn Trivium China, giới chức Washington hiểu rằng Bắc Kinh sẽ không thay đổi chính sách trong những vấn đề mang tính cốt lõi, vốn là nguyên nhân tạo nên căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung. Vì vậy, Mỹ đang tìm kiếm những lĩnh vực có thể hỗ trợ hợp tác hạn chế với Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng tăng cường hợp tác với các đồng minh, đối tác trên thế giới. Cụ thể, hôm 17-11, Mỹ, Nhật và Liên minh châu Âu (EU) đã công bố gia hạn thỏa thuận đối tác ba bên nhằm “giải quyết thách thức toàn cầu xuất phát từ các chính sách và hành vi phi thị trường” của các đối thủ. Mỹ hiện cũng đang nỗ lực lôi kéo thêm các đối tác khác tại châu Á là Hàn Quốc và Ấn Độ.

“Đây là một bước điều chỉnh lớn so với chính sách “Nước Mỹ trước hết” của cựu Tổng thống Donald Trump, người vốn cho rằng Mỹ có thể tự mình tạo sức ép hiệu quả lên Trung Quốc, và không dành quá nhiều nỗ lực để tìm kiếm những vấn đề có chung lợi ích với Bắc Kinh”, ông Mazur nói.

Theo ông Mazur, “Trong một phần của chiến lược mới này, Washington sẽ nỗ lực tìm kiếm các giải pháp hạn chế ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc thông qua việc thúc đẩy các sáng kiến về thương mại và hạ tầng của riêng mình. Cách thức này tự nhiên sẽ làm gia tăng cạnh tranh kinh tế Mỹ - Trung, và cũng có thể ảnh hưởng đến lợi ích của những nước liên quan khác, vốn đang ở vị thế phải cân nhắc lựa chọn giữa quan hệ đối tác kinh tế với Washington, Bắc Kinh hoặc cân bằng giữa cả hai”.

Trong bối cảnh như vậy, sẽ không dễ để xảy ra những bước tiến đáng kể. “Chính quyền ông Biden hiểu họ sẽ không thể đàm phán tạo ra những thay đổi với Trung Quốc, trừ khi Trung Quốc sẵn sàng thực hiện”, ông Derek Scissons, chuyên gia tại tổ chức tư vấn chính sách American Enterprise Institute, nhận định. “Thật khó có thể tưởng tượng Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai sẽ phạm sai lầm bằng cách khởi động một cuộc đối thoại toàn diện khác”.

Bắc Kinh tự tin vào vị thế của mình

Ở chiều ngược lại, giới phân tích Bắc Kinh cũng đang tỏ ra hoài nghi đối với các chính sách của Washington. Nhiều cố vấn chính sách lo ngại, những thỏa thuận kinh tế trong tương lai có thể bị đe dọa nếu quan hệ ngoại giao song phương trở nên xấu hơn. Tuy nhiên, sự tự tin dường như đang ngày càng gia tăng mạnh mẽ tại Bắc Kinh. Nhiều người tin tưởng rằng Trung Quốc giờ đây đã có đủ sức mạnh kinh tế và sự đoàn kết chính trị nội bộ để ứng phó với những thách thức từ Mỹ.

Ông Xu Lin, chuyên gia đã tham gia đàm phán về chính sách công nghiệp trong quá trình gia nhập WTO của Trung Quốc, cho rằng chính sách với Trung Quốc của chính quyền Biden không khác nhiều so với thời Trump. “Mỹ sẽ viện dẫn các tiêu chuẩn kinh tế thị trường, cạnh tranh bình đẳng để ép Trung Quốc cải cách các doanh nghiệp nhà nước, chính sách công nghiệp, trợ cấp chính phủ, quyền của người lao động, khí hậu, sở hữu trí tuệ, và cả các cam kết hạn chế can thiệp vào thị trường thông qua những hiệp định song phương có tính ràng buộc”, ông Xu nhận định.

Cựu quan chức Trung Quốc này cũng cho rằng, Mỹ sẽ tiếp tục kiềm chế khả năng phát triển khoa học công nghệ của Trung Quốc để duy trì lợi thế cạnh tranh. Do vậy, ông Xu đề nghị Trung Quốc cần gây áp lực với các nước phương Tây để bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu công nghệ cao. “Nếu Mỹ từ chối làm như vậy, Trung Quốc có quyền áp dụng các chính sách thay thế xuất khẩu trong những lĩnh vực liên quan”.

Chuyên gia Chen Fengying tại CICIR nhận định rằng, Mỹ vẫn sẽ tiếp tục các chính sách cứng rắn, thậm chí còn khắc nghiệt hơn, với Trung Quốc. “Mỹ sẽ ưu tiên thảo luận với các đồng minh thay vì đàm phán trực tiếp với Trung Quốc, bởi họ nhận ra rằng không thể một mình đối phó với Trung Quốc được nữa”.

Còn theo ông Wang Yong, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ của Đại học Bắc Kinh, trong bối cảnh lưỡng đảng tại Mỹ đều có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, đảng Dân chủ có thể sẽ không sẵn sàng nhượng bộ để đạt được một thỏa thuận trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Điều này sẽ khiến việc đàm phán gặp phải nhiều trở ngại hơn, khi mà Bắc Kinh đang có vị thế ngày càng vững chắc.

“Nếu nhìn vào kết quả cuộc chiến thuế quan, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng và các vấn đề kinh tế vĩ mô của chính họ, có thể thấy Mỹ đã không còn công cụ nào để đối phó với Trung Quốc. Gây sức ép với Trung Quốc giờ là điều rất khó thực hiện”, ông Wang khẳng định.

Nguồn: SCMP, Aljazeera, Bloomberg, Strait Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới