Thứ ba, 14/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Quản lý an toàn lao động còn lỏng lẻo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quản lý an toàn lao động còn lỏng lẻo

Thùy Dung

Quản lý an toàn lao động còn lỏng lẻo
Hội thảo "Tăng cường hệ thống an toàn vệ sinh lao động trong các ngành có nguy cơ cao" - Ảnh: Thùy Dung

(TBKTSG Online) - Số liệu thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho thấy, trong lĩnh vực công nghiệp, có khoảng 40.000 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) khiến từ 1.500 đến 2.000 người chết và mắc bệnh nghề nghiệp mỗi năm.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu là công tác quản lý nhà nước về an toàn lao động vẫn còn lỏng lẻo, theo Cục An toàn lao động (ATLĐ).

Tại buổi hội thảo “Tăng cường hệ thống an toàn vệ sinh lao động trong các ngành có nguy cơ cao” diễn ra sáng 14-3, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Bùi Hồng Lĩnh cho hay công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đang ngày càng nổi lên như một thách thức, với tính chất nghiêm trọng về số thương tật, bệnh nghề nghiệp, tử vong do lao động gây ra, ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển kinh tế, xã hội.

Số liệu thống kê của Bộ LĐTB&XH cho thấy, riêng đối với ngành khai thác than đá, số vụ TNLĐ và bệnh nghề nghiệp xảy ra trong khai thác đá có chiều hướng gia tăng với mức độ rất nghiêm trọng. Năm 2011 số vụ TNLĐ là 252 vụ, tăng gần 20% so với năm 2005, làm 63 người chết và 218 người bị thương. Trong đó nghiêm trọng nhất là vụ sập mỏ đá tại Lèn Cơ, Nghệ An khiến 18 người chết và nhiều người khác bị thương.

Bà Đỗ Thị Thúy Nguyệt – Phó Cục trưởng Cục ATLĐ cho hay hiện tượng vi phạm các quy định của Nhà nước về ATLĐ, VSLĐ trong các ngành công nghiệp có nguy cơ cao còn rất phổ biến.

Điều tra các doanh nghiệp khai thác khoáng sản của Thanh tra Bộ LĐTB&XH năm 2011 cho thấy gần một nửa doanh nghiệp được điều tra không thực hiện việc lập, phê duyệt thiết kế mỏ.

Kiểm tra các quy định về ATVSLĐ kết quả cũng không khả quan hơn khi chỉ có 59,86% tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động; 11,57% doanh nghiệp có báo cáo định kỳ về ATVSLĐ… Đặc biệt, chỉ có gần 150 doanh nghiệp, cơ sở khai thác đá được các cơ quan chức năng kiểm tra (chỉ chiếm 6,25% số doanh nghiệp khai thác đá được cấp phép). Trong số đó đã có hơn 50% số doanh nghiệp vi phạm các qui định về ATVSLĐ.

Nguyên nhân, theo bà Nguyệt là do quản lý Nhà nước về ATVSLĐ còn lỏng lẻo, công tác tuyên truyền, phổ biến luật pháp về ATVSLĐ còn yếu.

“Chúng ta chưa chuyển tải được luật pháp ATVSLĐ vào cuộc sống, mặc dù hệ thống văn bản pháp luật về ATVSLĐ tương đối đầy đủ” – bà Nguyệt nói.

Cũng theo bà Nguyệt công tác thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ chưa đáp ứng được yêu cầu.

“Tính đến tháng 12/2011 có 430 thanh tra, kể cả lực lượng gián tiếp. Trong khi đó số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gần 600.000, thì số doanh nghiệp được thanh tra hàng năm là rất ít, không đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất” – Bà Nguyệt nhấn mạnh.

Các đại biểu tham gia hội thảo đều kiến nghị cần tăng cường quản lý Nhà nước về ATVSLĐ. Để làm được việc này trước hết phải rà soát lại các quy định của Bộ luật Lao động trong việc phân cấp, phân quyền quản lý về ATVSLĐ.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động. Theo đó phải xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống huấn luyện quốc gia về ATVSLĐ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới