Thứ ba, 31/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Quản lý cho vay ngang hàng – kinh nghiệm Hàn Quốc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quản lý cho vay ngang hàng - kinh nghiệm Hàn Quốc

Lưu Minh Sang (*)

(TBKTSG) - Hàn Quốc được ghi nhận là quốc gia tiên phong trong việc ban hành luật điều chỉnh hoạt động cho vay ngang hàng. Thực tiễn quản lý thị trường cho vay ngang hàng tại quốc gia này cung cấp những kinh nghiệm quý giá cho các quốc gia đang trong quá trình định hình chính sách quản lý và xây dựng khung pháp lý, trong đó có Việt Nam.

Khởi đầu chỉ là Hướng dẫn tự điều chỉnh

Cũng như nhiều quốc gia khác, hoạt động cho vay ngang hàng (P2P lending) với mô hình kinh doanh mới mẻ đã vấp phải những rào cản từ những quy định gắt gao đang điều chỉnh mô hình tài chính truyền thống tại Hàn Quốc. Vào năm 2015, Cơ quan Dịch vụ tài chính Hàn Quốc (FSC) đã tạm đình chỉ hoạt động đối với công ty “8 Percent” sau khi kết luận rằng hoạt động P2P lending cũng phải chịu sự điều chỉnh tương tự đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng truyền thống khác.

Tuy vậy, FSC đã nhanh chóng thay đổi quyết định, cho phép công ty này được hoạt động trở lại và bắt đầu các chính sách quản lý mới đối với P2P Lending.

Thay vì ban hành khung pháp lý ngay lập tức để điều chỉnh hoạt động này, Hàn Quốc đã áp dụng một chính sách quản lý linh hoạt để thị trường tự điều chỉnh với sự định hướng từ chính phủ.

Công ty P2P lending sẽ lần lượt ký hợp đồng cho vay với người đi vay và hợp đồng đầu tư với nhà đầu tư đối với từng khoản vay tương ứng. Mô hình này phòng ngừa trường hợp những công ty này chạy theo doanh số mà bỏ qua việc đánh giá đầy đủ hạn mức tín nhiệm và rủi ro của người đi vay.

Nhờ vậy, quy mô thị trường tăng trưởng mạnh mẽ và có tính cạnh tranh gay gắt. Đồng thời, để cân bằng mục tiêu phát triển với mục tiêu bảo vệ nhà đầu tư và người đi vay, Hàn Quốc đã ban hành hướng dẫn tự điều chỉnh hoạt động P2P lending vào tháng 2-2017.

Hướng dẫn này mang tính chất hành chính nên không phải là quy phạm pháp luật và không ràng buộc về mặt pháp lý. Nội dung của hướng dẫn là để hướng các bên có liên quan có những ứng xử phù hợp, từ đó ngăn chặn được những vi phạm pháp luật có thể xảy ra trong quá trình triển khai mô hình P2P lending.

Mặc dù áp dụng cơ chế để các bên tự điều chỉnh, FSC luôn giám sát và cập nhật phản hồi của thị trường để ban hành những nội dung hướng dẫn mới, sửa đổi phù hợp với diễn biến của thị trường và bảo vệ tốt nhất nhà đầu tư.

Các nội dung hướng dẫn với nội dung kêu gọi cải thiện hoạt động công bố thông tin, khuyến khích quản lý riêng biệt tài sản và giới hạn mức cho vay tối đa của các nhà đầu tư cá nhân...

Nhờ vào chính sách quản lý linh hoạt, thị trường P2P lending tại Hàn Quốc đã có sự phát triển thần tốc chỉ sau năm năm. Từ chỉ có 13 công ty vào năm 2016, đến năm 2017 con số này đã lên đến gần 150. Tổng dư nợ cho vay thông qua P2P lending đã tăng từ 37,3 tỉ won cuối năm 2015 lên trên 10.000 tỉ won vào năm 2020.

Và không thể thiếu khung pháp lý

Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh trong bối cảnh không có khung pháp lý chính thức điều chỉnh đã làm phát sinh hàng loạt vấn đề.

Cho vay đầu tư vào bất động sản chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ và không ngừng tăng làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ vỡ nợ cao khi thị trường bất động sản khủng hoảng. Tỷ lệ nợ quá hạn cũng tăng theo sự phát triển của thị trường. Theo thống kê của Statista, tỷ lệ nợ quá hạn tăng từ 5,5% (năm 2017) lên 16,3% (tính đến tháng 10-2020). Các hành vi gian lận, phạm luật gây thiệt hại cho nhà đầu tư và người đi vay xuất hiện ngày càng nhiều. Nhiều nhà đầu tư đã bị thiệt hại hàng tỉ won vì các công ty P2P lending phá sản hoặc giám đốc điều hành bỏ trốn.

Ngày 31-10-2019, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua Đạo luật về Tài chính liên kết đầu tư trực tuyến (gọi tắt là Luật P2P) điều chỉnh trực tiếp đối với P2P lending. Có thể nói đây là đạo luật đầu tiên trên thế giới điều chỉnh về P2P lending. Các cơ quan quản lý đặt kỳ vọng rằng, với đạo luật này sẽ loại bỏ những bất ổn pháp lý xuất hiện trong hoạt động của P2P lending, đồng thời thúc đẩy sự phát triển ổn định của thị trường cũng như thiết lập cơ chế bảo vệ nhà đầu tư, người đi vay hiệu quả hơn. Luật có hiệu lực từ ngày 27-8-2020.

Tám vấn đề pháp lý cốt lõi

Nội dung của Luật P2P đã tạo nên một khung pháp lý nền tảng cho hoạt động P2P lending cũng như cơ chế giám sát của các cơ quan quản lý đối với hoạt động này. Tám vấn đề pháp lý cốt lõi của hoạt động P2P lending đã được thể hiện trong Luật P2P, bao gồm:

Thứ nhất, hoạt động P2P lending sẽ được triển khai theo mô hình gián tiếp. Nghĩa là công ty P2P lending sẽ cung cấp nền tảng kết nối người đi vay và nhà đầu tư, tuy nhiên giữa hai chủ thể này không ký hợp đồng vay trực tiếp với nhau.

Thay vào đó, công ty P2P lending sẽ lần lượt ký hợp đồng cho vay với người đi vay và hợp đồng đầu tư với nhà đầu tư đối với từng khoản vay tương ứng. Mô hình này có thể làm giảm thiểu rủi ro đạo đức của công ty P2P lending, phòng ngừa trường hợp những công ty này chạy theo doanh số mà bỏ qua việc đánh giá đầy đủ hạn mức tín nhiệm và rủi ro của người đi vay.

Thứ hai, thủ tục đăng ký sẽ được áp dụng đối với các công ty muốn kinh doanh trong ngành này. Vốn pháp định được quy định là 500 triệu won. Thời hạn chuyển tiếp để các công ty chuẩn bị đáp ứng điều kiện để tiến hành đăng ký là 1 năm kể từ ngày luật có hiệu lực.

Thứ ba, công ty P2P lending có nghĩa vụ công bố, minh bạch các thông tin về cấu trúc giao dịch, tình trạng quản lý tài chính, quy mô khoản vay, mức độ rủi ro, tỷ lệ nợ quá hạn,...

Thứ tư, lãi và lãi suất được điều chỉnh bởi đạo luật kinh doanh tín dụng và mức lãi suất tối đa không vượt quá 24%.

Thứ năm, cấm thực hiện các hành vi có tính rủi ro cao và có nguy cơ xung đột lợi ích như: cho các công ty cho vay ngang hàng hay các cổ đông lớn nhất vay, cho vay trước khi huy động vốn từ nhà đầu tư hay tình trạng không trùng khớp giữa thời hạn khoản vay và thời hạn của khoản đầu tư từ nhà đầu tư.

Thứ sáu, thiết lập hạn mức trần đối với giá trị các khoản đầu tư của từng nhà đầu tư, mức trần tín dụng đối với từng người vay, đặc biệt hướng đến việc bảo vệ các nhà đầu tư nhỏ lẻ, cá nhân.

Thứ bảy, các công ty P2P lending phải tuân theo một loạt hướng dẫn để cung cấp cho các nhà đầu tư đầy đủ thông tin để làm cơ sở đưa ra quyết định đầu tư và thiết lập cơ chế bảo vệ các nhà đầu tư trong trường hợp công ty P2P lending phá sản hoặc gian lận.

Thứ tám, FSC và Cơ quan giám sát tài chính Hàn Quốc sẽ đảm nhận vai trò giám sát hoạt động thực thi pháp luật đối với thị trường P2P lending.

Điều đáng lưu ý, nội dung của Luật P2P chỉ thể hiện các vấn đề pháp lý cốt lõi và cần thiết trong việc điều chỉnh hoạt động P2P lending. Các vấn đề chi tiết sẽ được hướng dẫn bởi chính phủ một cách linh hoạt để phù hợp với diễn biến thị trường.

(*) Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TPHCM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới