(KTSG) - Mỗi ngày qua đi thế giới lại đón nhận thêm những bất ổn, và triển vọng kinh tế càng thêm bất định. Việt Nam chắc chắn sẽ bị cuốn vào trạng thái bất định này nên không thể “quyết liệt” theo đuổi những kỳ vọng duy ý chí đã và đang đặt ra.
- Chính phủ kiên định ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát
- Thủ tướng yêu cầu tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô
Nhận diện thách thức
Thách thức đầu tiên cho kinh tế Việt Nam mà nhiều người đã/sẽ chỉ ra, đó là sự ổn định của tỷ giá. Bởi Mỹ đã, đang và sẽ còn tiếp tục mạnh tay tăng lãi suất, làm tăng tỷ giá đô la Mỹ với hầu hết bản tệ trên thế giới, trong đó có tiền đồng. Lý do (được cho) là ổn định tỷ giá cũng là (nền tảng) ổn định vĩ mô. Ổn định tỷ giá sẽ kiềm chế lạm phát bởi sẽ không làm tăng giá cả hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, không làm tăng nợ công của Việt Nam. Chi ly hơn, không ít người cho rằng ổn định tỷ giá còn góp phần thu hút, giữ chân đầu tư/dòng vốn nước ngoài.
Dẫu không phải là không có lý, nhưng ổn định tỷ giá bằng cách nào (mà không bị tổn thất nặng nề)? Với đa phần thì chưa... nghĩ ra, cứ kêu gọi thế đã. Một số khác thì viện việc quỹ dự trữ ngoại hối của Việt Nam từng đạt mức cao kỷ lục hồi đầu năm nay, để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mang ra bán can thiệp nếu cần. Số ít khác cho rằng ngoài dự trữ ngoại hối, còn có dòng vốn đầu tư trực tiếp/gián tiếp nước ngoài (FDI/FII) và kiều hối cũng có thể giúp thị trường tự cân bằng. Cũng có một vài người kiến nghị NHNN nâng lãi suất.
Nhưng bán ngoại tệ can thiệp thì chẳng mấy chốc mà quỹ sẽ “bay hơi” hết bởi Mỹ cũng rất “quyết liệt” nâng lãi suất của họ cho đến cùng, đồng nghĩa với cuộc chiến tỷ giá không mong muốn này có kết cục đã rõ. Nên nhớ thêm rằng việc can thiệp này cũng giống như “kiếm củi ba năm thiêu một giờ” bởi thặng dư thương mại cả năm của Việt Nam chỉ chừng vài tỉ đô la.
Trông chờ vào FDI/FII và kiều hối để thị trường tự cân bằng thì hiển nhiên là không xong, không đủ, bởi thực tế là tỷ giá vẫn cứ xu hướng tăng dù NHNN đã phải can thiệp bán ra ngoại tệ đến cả trên hai chục tỉ đô la.
Phát biểu trước thềm đợt tăng lãi suất lần thứ ba liên tiếp mới đây của Chủ tịch Fed, rằng “Chúng ta bắt buộc phải chiến thắng lạm phát. Tôi ước rằng có một cách ít đau đớn hơn để làm điều đó. Nhưng tiếc là không có”, là một tham khảo chính sách đáng giá cho Việt Nam trong bối cảnh hiện tại và sắp tới.
Còn việc nâng lãi suất của NHNN (và đã nâng mới đây) thì lại “phạm” phải chủ trương/nghị quyết hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà Việt Nam đặt ra ngay từ đầu năm và vẫn được nhấn mạnh hiện tại. Bởi vậy mới có chuyện Thủ tướng Chính phủ “bật đèn xanh” nâng lãi suất điều hành nhưng lại yêu cầu nghiên cứu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Về lạm phát, nhiều người cho rằng lạm phát chưa/không phải là mối bận tâm lớn, bởi ở Việt Nam nó còn thấp (so với mục tiêu 4%) vì những lý do này kia. Nhưng bất định đi liền với những biến cố mới nhất gồm bất ổn và gián đoạn nguồn cung lương thực toàn cầu, và lệnh tổng động viên cục bộ ở Nga đẩy cuộc chiến Nga-Ukraine leo thang, tiếp tục giáng đòn mạnh vào chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi chính sách không khoan nhượng Covid của Trung Quốc, sẽ làm cho mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% của Việt Nam may thì về đích trong năm nay chứ không phải là sang năm sau (với giả định con số thống kê lạm phát của Việt Nam là khả tín).
Về phục hồi, tăng trưởng kinh tế, nhìn chung là có một thái độ rất lạc quan ở Việt Nam đối với mục tiêu này. Tuy những biến cố và nguy cơ về một cuộc suy thoái toàn cầu ngày càng tăng, đi kèm với tăng lãi suất trong nước, là những thách thức nghiêm trọng cho tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới, nhưng cũng có một số ý kiến cho rằng Việt Nam vẫn vừa thúc đẩy phục hồi, vừa ổn định vĩ mô được nhờ vị thế tài khóa của Việt Nam “tương đối tốt”, do đó không phải dựa nhiều vào chính sách tiền tệ.
Thực tế không hẳn vậy, bởi thâm hụt ngân sách giảm hay có thặng dư từ đầu năm đến nay chủ yếu là nhờ các khoản chi (đầu tư công, các gói hỗ trợ...) đã và đang bị ngừng đọng, chậm trễ như trêu ngươi. Nợ công vẫn đang tăng lên về mặt tuyệt đối, và có khả năng sẽ tăng lên cả về mặt tương đối (so với GDP) bởi sự sụt giảm tỷ lệ nợ công/GDP mấy năm trước chủ yếu là nhờ lãi suất huy động giảm mạnh, nhưng chắc chắn lãi suất sẽ tăng trở lại từ năm nay.
Cần kỳ vọng thực tế
Phân tích trên cho ta thấy được vấn đề: Nhiều mục tiêu, chủ trương đã được đặt ra một cách lạc quan, và, quan trọng hơn, đang mâu thuẫn, triệt tiêu nhau do tính liên quan của các yếu tố cơ sở. Do đó, cần thiết phải thay đổi và đặt ra các kỳ vọng mang tính thực tế hơn.
Ổn định tỷ giá tuy có thể là tốt nếu xét trên một vài khía cạnh riêng biệt, nhưng xem ra “lực bất tòng tâm” ở Việt Nam như đã nói, nên chắc chắn sẽ không thể thực hiện được ít nhất cho đến khi Mỹ ngừng tăng lãi suất. Do đó, tỷ giá sẽ phải để cho đi lên trong khả năng can thiệp có hạn của NHNN (cụ thể ở mức nào thì phải thông qua công cụ lãi suất, căn cứ chủ yếu vào diễn biến lạm phát).
Kỳ vọng tỷ giá vì thế cần phải thay đổi để phù hợp với thực tế hơn. Đừng phi lý trí ổn định bằng mọi giá hay đánh đồng ổn định tỷ giá với ổn định vĩ mô, khi chỉ dựa vào tác động được cho là tích cực lên từng khía cạnh riêng lẻ như giữ chân dòng vốn ngoại, kiềm chế lạm phát... Xin hãy nghĩ đến cái giá phải trả đắt đỏ khi cố gắng can thiệp, ổn định tỷ giá.
Tăng lãi suất, một phương thuốc điều trị tiêu chuẩn mà thế giới đang thực hiện, tuy sẽ giúp đạt đồng thời hai mục tiêu là hỗ trợ tỷ giá và kiềm chế áp lực lạm phát trong và ngoài nước, nhưng sẽ ảnh hưởng đến khả năng phục hồi và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Phương thuốc này sẽ vấp phải áp lực chống đối đến từ mục tiêu tăng trưởng cao và áp lực giải ngân các gói hỗ trợ tài chính có chủ trương từ lâu nhưng triển khai quá chậm trễ nên đã trở thành lỗi nhịp, càng làm trầm trọng thêm vấn đề.
Vì vậy, các kỳ vọng liên quan cần được điều chỉnh. Nếu đã xác định đúng được rằng lạm phát mới là thách thức lớn nhất cho kinh tế Việt Nam, như được Thống đốc NHNN xác nhận hôm 22-9-2022, thì cần đặt kỳ vọng thấp hơn về tăng trưởng kinh tế, ít nhất là từ năm sau, để tránh tự làm khó cho chính mình. NHNN lúc này nên được giao nhiệm vụ chú trọng vào, và trao nhiều quyền tự chủ trong chính sách kiểm soát lạm phát, với vị thế độc lập như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) với chính quyền Mỹ.
Nhưng nếu vì một quyết tâm nào đó mà không thể chấp nhận một mức tăng trưởng kinh tế thậm chí có khả năng ở mức rất khiêm tốn, thì cần phải biết thống nhất và chấp nhận một sự thỏa hiệp trên tất cả các chỉ số vĩ mô liên đới là tỷ giá, lãi suất, lạm phát, tăng trưởng kinh tế và nợ công.
Tuy vậy, phát biểu trước thềm đợt tăng lãi suất lần thứ ba liên tiếp mới đây của Chủ tịch Fed, rằng “Chúng ta bắt buộc phải chiến thắng lạm phát. Tôi ước rằng có một cách ít đau đớn hơn để làm điều đó. Nhưng tiếc là không có”, là một tham khảo chính sách đáng giá cho Việt Nam trong bối cảnh hiện tại và sắp tới.