Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quản lý ngân hàng, chuyên nghiệp chạy theo nghiệp dư?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quản lý ngân hàng, chuyên nghiệp chạy theo nghiệp dư?

Chạy đua tăng lãi suất huy động vốn tại các ngân hàng – Ảnh: HỮU THẮNG

LTS: Bạn đọc Hà Trung, làm việc trong ngành ngân hàng, sau khi đọc tin “TPHCM siết khuyến mãi lãi suất huy động vốn“, đã cho rằng cuộc đua tăng lãi suất huy động vốn vừa qua cho thấy một thực tế đáng báo động về cung cách quản lý hoạt động ngân hàng. Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online xin giới thiệu bài viết này:

Hoạt động ngân hàng là kinh doanh rủi ro nên nhà quản lý ngân hàng phải am hiểu về các tình huống xảy ra và có các phương án phòng ngừa rủi ro phù hợp. Tuy nhiên, với làn sóng cạnh tranh, “nâng cấp” và thành lập nhiều ngân hàng mới hiện nay đã xuất hiện kiểu kinh doanh “ăn xổi, ở thì” rất nguy hiểm.

Chẳng hạn như nếu một nhà quản trị ngân hàng chuyên nghiệp thì rất ít khi, nếu không muốn nói là không thể nào dùng vốn liên ngân hàng để cho vay được, thậm chí có ngân hàng tỷ lệ cho vay trên huy động còn gấp 3 – 4 lần vốn huy động hoặc dùng vốn liên ngân hàng để cho vay bất động sản, chứng khoán; và một con số rất đáng suy ngẫm cho các nhà quản lý ngân hàng là số ngân hàng có dư nợ cho vay vượt quá vốn huy động rất nhiều nhưng chưa được các cơ quan có chức năng cảnh báo sớm.

Do đó, việc xảy ra trình trạng cạnh tranh huy động vốn “bằng mọi giá” như vừa qua cũng là điều dễ hiểu. Đối với giới am hiểu tài chính – ngân hàng thì không ai đánh giá cao hiện tượng “mua cao – bán thấp” cả, việc “vỗ ngực xưng tên” lãi suất huy động cao nhất – cho vay thấp nhất trên thị trường sẽ cho thấy năng lực cạnh tranh và thanh khoản của ngân hàng đó rất yếu.

Một thương gia giỏi là phải “mua thấp – bán cao” hoặc “mua cao – bán rất cao”, chứ chấp nhận lỗ “mua cao – bán thấp” thì quá dễ và về lâu về dài thì chắc chắn họ sẽ bị thị trường bị đào thải. Tuy nhiên, một diễn biến rất đáng lưu ý là cách quản lý nghiệp dư kể trên lại buộc các nhà quản trị chuyên nghiệp, nhà quản trị ngân hàng lớn phải chạy theo.

Vì không có người cầm chịch hoặc cơ quan quản lý cảnh báo kịp thời nên các ngân hàng “yếu” tăng lãi suất quá cao và có nhiều hình thức biến tướng, lách luật làm cho có sự chuyển dịch nguồn vốn từ ngân hàng này qua ngân hàng kia rất lớn.

Khi một người gửi tiền vào ngân hàng có “siêu lãi suất”, liệu họ có đặt câu hỏi, ngân hàng huy động quá cao như vậy để làm gì? Nếu huy động để đáp ứng nhu cầu thanh khoản thì người gửi tiền phải nên thận trọng, nếu để đáp ứng cho nhu cầu vốn vay thì liệu họ sẽ cho vay với lãi suất bao nhiêu và với thương hiệu, phương pháp quản lý như vậy thì việc tiếp cận khách hàng và năng lực thẩm định dự án cho vay sẽ như thế nào?

Ở các nước phát triển, sự bảo hộ của nhà nước rất thấp thì rất ít người gửi vào những ngân hàng như vậy. Tuy nhiên,ở nước ta tâm lý ỷ lại vẫn còn phổ biến ở một bộ phận người gửi tiền và người ta rất mau quên quá khứ cũng có nhiều vụ mất khả năng thanh toán khiến nhiều người phải lao đao như “vụ nước hoa Thanh Hương” và một số hợp tác xã tín dụng, ngân hàng khác.

Hoạt động trong một thị trường cạnh tranh chưa hoàn hảo nên “vàng thau còn lẫn lộn”, nhiều bất cập còn hiện diện khá phổ biến, nhiều lúc cũng làm đau đầu các nhà quản trị ngân hàng chuyên nghiệp.

Riêng tôi, tôi thấy rất đau với hiện tượng “chuyên nghiệp phải chạy theo nghiệp dư”. Mong sao các cơ quan quản lý sẽ có các giải pháp và công cụ quản lý phù hợp để những hoạt động ngân hàng bài bản – chuyên nghiệp là hạt nhân của thị trường.

HÀ TRUNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới