Chủ Nhật, 5/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Quản lý ngành game: để các chính sách không ‘dẫm chân’ nhau

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng chiến lược để phát triển ngành game trong nước, đồng thời, Bộ Tài chính đang soạn thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) trong đó đề xuất đưa trò chơi trực tuyến (online game) vào diện áp thuế. Các chuyên gia cho rằng chính sách quản lý ngành game giữa các cơ quan khác nhau của Chính phủ đang thiếu sự nhất quán, có thể cản trở lẫn nhau.

Lễ ra mắt game online của Microsoft được phát hành tại Việt Nam thông qua VTC. Ảnh: Vân Ly

Bộ Tài chính đang soạn thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Theo đó, cơ quan này đề xuất, để góp phần định hướng sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và góp phần tăng cường quản lý hoạt động, cần nghiên cứu bổ sung loại hình kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất hợp lý để đảm bảo hạn chế dịch vụ này.

Tiếng nói của người trong cuộc

Ông Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch Hội Thể thao điện tử Việt Nam, lấy một ví dụ để nói về tác động của việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với ngành trò chơi trực tuyến (ngành game). Ông kể chuyện một doanh nghiệp hội viên than thở rằng nếu luật thuế nêu trên đi vào thực tế, công ty họ có khả năng phải giảm quy mô nhân sự 50%, từ con số 400 nhân sự hiện nay, để cắt giảm chi phí.

Tại cuộc hội thảo góp ý cho dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt do VCCI tổ chức vào ngày 30-3, ông Cường e ngại rằng ngành game Việt Nam, đang có khoảng 20.000 nhân sự, sẽ chịu tác động khá lớn.

Đi kèm với bản dự thảo nêu trên, Bộ Tài chính có báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện luật thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó có nêu: “Loại hình kinh doanh game hiện nay là mặt hàng có doanh thu lớn, mức lợi nhuận cao so với các loại hình kinh doanh khác.”

Ở góc nhìn của người trong cuộc, bà Nguyễn Thùy Dung, Giám đốc SohaGame cho biết, phần lớn các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử hiện có doanh thu ở mức trung bình và mức lợi nhuận thấp. Trong hai năm gần đây, các doanh nghiệp trong ngành đang đối mặt với khó khăn do suy thoái kinh tế toàn cầu, không ít đơn vị giải thể hoặc phá sản. Năm 2022, ngành game Việt Nam có hơn 10 doanh nghiệp đóng cửa, ngay cả các công ty trong Top 10 cũng phải giảm ít nhất 40% nhân sự, tình trạng khó khăn vẫn chưa có chuyển biến tích cực.

Bà Dung cho rằng, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ không đạt được mục đích định hướng tiêu dùng và hạn chế dịch vụ. Bởi trên thị trường hiện nay lượng trò chơi được thẩm định cấp phép chiếm chưa đến 30%, phần còn lại thuộc về các trò chơi không phép do các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới.

“Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ có thể được triển khai đối với các trò chơi có giấy phép của các doanh nghiệp trong nước, làm tăng chi phí sử dụng dịch vụ, triệt tiêu sức cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa,” bà Dung nói.

Nếu chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt được áp dụng, người dùng sẽ chuyển dần sang các trò chơi không phép do chi phí thấp. Doanh nghiệp trong nước có nguy cơ giảm mạnh doanh thu, giải thể và phá sản. Do đó, Chính phủ cần tạo điều kiện cho việc kinh doanh hợp pháp các trò chơi có giấy phép.

Ông Dương Trường Minh, Giám đốc trung tâm kinh doanh quốc tế của công ty GOSU, chia sẻ game phải chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%, thuế thu nhập doanh nghiệp 20%, thuế nhà thầu 10%  (các công ty phát hành game phải đóng thuế nhà thầu khi hợp tác với các đối tác ngoài Việt Nam).

Do đó, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ làm tăng giá sản phẩm game, từ đó làm giảm số lượng người tiêu dùng và doanh số của các game. Nếu doanh số giảm, các công ty sản xuất game có thể không đủ tài chính để đầu tư vào các dự án mới và phát triển các công nghệ mới, dẫn đến ngành game Việt Nam sẽ chậm phát triển và lạc hậu hơn so với các nước trên thế giới.

“Việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt có thể khiến các nhà đầu tư lớn không còn mặn mà trong việc đầu tư tài chính vào các công ty sản xuất game. Điều này có thể ảnh hưởng đến việc tạo ra các sản phẩm game mới và giảm động lực đầu tư vào ngành này,” ông Minh nói.

Vị doanh nhân này lo ngại việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt cho ngành game có khả năng tạo thành hình thức "bảo hộ" cho các doanh nghiệp game nước ngoài và đi lệch với định hướng khuyến khích và những chính sách ưu tiên như đã được xác định tại Nghị định 71/2007/NĐ-CP ban hành ngày 3-5-2007, quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của luật Công nghệ thông tin (Chương 4, Điều 26 về việc ưu tiên phát triển công nghiệp phần mềm, công nghiệp nội dung được ưu đãi).

“Việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành game trong nước có thể gây ra những vấn đề tiêu cực và không nên áp dụng vội vàng,” ông Minh kiến nghị.

ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến, VNGGames. Ảnh: Vân Ly

Cung cấp thông tin với báo chí, ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến, VNGGames dẫn số liệu của Newzoo năm 2022 cho thấy, trong khu vực Đông Nam Á Indonesia hiện dẫn đầu với doanh thu ngành game là 1.8 tỉ đô la Mỹ; Thái Lan 1.1 tỉ đô la Mỹ; Malaysia 911 triệu đô la Mỹ; Việt Nam 782 triệu đô la Mỹ; Singapore 511 triệu đô la Mỹ.

“Tỷ suất lợi nhuận sau thuế của ngành game Việt Nam chỉ đạt mức 3-5% trên doanh thu, đây là mức trung bình, nếu không muốn nói là thấp so với các ngành khác trong nền kinh tế,” ông Thắng nhấn mạnh.

Số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết hiện có hơn 220 doanh nghiệp kinh doanh game được cấp phép kinh doanh tại Việt Nam. Nhưng ông Thắng cho rằng số còn thực sự hoạt động, cung cấp game ra thị trường chỉ còn 30 đơn vì không thể cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.

Trong trường hợp bị áp thêm thuế tiêu thụ đặc biệt thì những game do các công ty trong nước cung cấp sẽ bị đội giá lên cao. Việc này sẽ kéo theo hai hệ lụy: thứ nhất là không đạt được mục đích khi áp thuế là hạn chế người chơi game; thứ hai là doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp game trong nước sẽ bị giảm mạnh, không thể đóng góp cho nền kinh tế số và ngành công nghiệp phần mềm của Việt nam như kỳ vọng của Chính phủ.

“Có thể dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp Việt sẽ chuyển hướng thành lập công ty tại các quốc gia khác (ví dụ như Singapore) để phát triển và phát hành game. Nhằm hưởng các chính sách hỗ trợ, tài trợ, khuyến khích, đặc biệt là về thuế cho doanh nghiệp game - khi đó thì ngân sách nhà nước cũng bị thất thu thuế,” ông Thắng nói.

Ông Lê Đức Anh, Phó giám đốc Phát triển kinh doanh của Garena, cho biết số lượng trò chơi trực tuyến trên kho ứng dụng Google Play và Apple Store lên đến hàng trăm ngàn. Trong khi đó, số lượng game online được phát hành hợp pháp trong nước chỉ khoảng 800. Như vậy việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với game gần như không có tác dụng đối với mục đích giảm việc chơi của người dùng.

Thêm vào đó, ông Đức Anh cho rằng việc đánh thuế này có thể tạo ra “định hướng tiêu dùng ngược”, thay vì khuyến khích người dùng chơi game online hợp pháp thì chuyển sang game không phép không bị thu thuế. Còn các đơn vị là chủ sở hữu game online thay vì lựa chọn hợp tác với nhà phát hành Việt Nam để phát hành hợp pháp tại Việt Nam, thì sẽ ưu tiên lựa chọn phát hành xuyên biên giới để tránh bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt và như thế cơ quan quản lý vừa không thu được thuế vừa không quản lý được nội dung game.

Trong bối cảnh chung ngành game trong nước đang gặp nhiều thách thức và khó khăn từ sản phẩm xuyên biên giới, ông Đức Anh cho rằng việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành này không chỉ tác động xấu đến ngành mà còn trực tiếp làm suy giảm doanh số và sự phát triển của ngành nghề liên quan trong nước: marketing, quảng cáo, sự kiện, thiết kế đồ họa, sáng tạo nội dung, hạ tầng công nghệ thông tin máy chủ, lưu trữ dữ liệu...

Cùng chung quan điểm với các doanh nghiệp, ông Lê Xuân Hòa, Phó Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và Nội dung số cho rằng, tỷ suất lợi nhuận thực tế của game rất thấp, chỉ tầm 3-5%. Nếu áp dụng thêm thuế tiêu thụ đặc biệt thì sẽ không nhất quán với các chính sách phát triển Công nghiệp số hay Chiến lược phát triển Công nghiệp Văn hóa hiện nay của Việt Nam.

Bên cạnh đó ông Hòa cho rằng doanh nghiệp Việt sẽ chuyển sang hoạt động ở nước ngoài để được hưởng ưu đãi (về chính sách, về thuế) cũng sẽ ngày càng tăng lên. Những hệ lụy này sẽ gây ra tác động dây chuyền đến rất nhiều ngành khác.

Băn khoăn tính khả thi của chính sách thuế mới

Trên thực tế, trước đây đã có nhiều studio sản xuất game của doanh nghiệp Việt đặt trụ sở tại Singapore vì không phải xin giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử và giấy phép phê duyệt nội dung kịch bản cho từng sản phẩm như tại Việt Nam. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng muốn tận dụng những ưu đãi về thuế. Trong khi một nhà sản xuất game đặt cơ sở tại Việt Nam phải chịu nhiều loại thuế thì tại Singapore chỉ đóng duy nhất một loại thuế, đó là thuế thu nhập doanh nghiệp 17%.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế của VCCI cho biết tại hội thảo, hiện chưa có quốc gia nào trên thế giới áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với game. Việt Nam có lợi thế lớn về phát triển game. Năm 2022 doanh thu ngành game Việt khoảng hơn 700 triệu đô la Mỹ.

Ông Tuấn cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp game trong nước được cấp phép và hoạt động chính thức đang phải chịu cảnh cạnh tranh không bình đẳng với doanh nghiệp game nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam. Nếu thêm một sắc thuế sẽ tạo thêm sức ép cạnh tranh hơn trong thời gian tới.

Qua tìm hiểu các nước, ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến, VNGGames cũng cho hay, ở các quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Pháp... trò chơi trực tuyến không chỉ được thừa nhận như là một ngành kinh tế quan trọng. Nên họ có rất nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển. Gần đây, một số quốc gia như Singapore, Các tiểu vương quốc Arab thống Nhất UAE, Jordan... cũng đã có nhiều sáng kiến, nhiều chính sách thu hút các tập đoàn, các công ty game đến đặt trụ sở và hoạt động.

Qua nghiên cứu tình hình trong nước và thế giới, ông Thắng đề nghị Chính phủ không nên đưa trò chơi trực tuyến vào danh mục chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Bà Nguyễn Thuỳ Dung từ SohaGame cũng cho biết tại một số nước như Singapore, Trung Quốc, họ còn có những chính sách khuyến khích, đưa ra ưu đãi về thuế, tạo điều kiện phát triển ngành trò chơi điện tử. Đại diện SohaGame đề nghị Bộ Tài chínhxem xét hủy bỏ việc bổ sung dịch vụ game online vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Còn ông Minh từ công ty GOSU cho hay, hiện ở các nước trên thế giới đã và đang áp dụng rất nhiều chính sách thuế ưu đãi cho các công ty game, thậm chí họ còn được chính phủ hỗ trợ về tài chính và được khuyến khích phát triển. Do vậy, ông Minh cũng đề nghị chưa đưa game online vào danh sách sản phẩm, dịch vụ phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, nhằm mục đích tạo điều kiện cho các doanh nghiệp game trong nước phát triển.

TS Vũ Thượng Lại, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, phát biểu tại hội thảo rằng nếu xếp trò chơi trực tuyến vào ngành công nghiệp số thì ngành này nên được hưởng ưu đãi, được khuyến khích phát triển chứ không bị đánh thuế. Ông dẫn chứng Nghị quyết 29 của Bộ Chính trị khuyến khích phát triển ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp số.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, sau khi nghe các góp ý từ doanh nghiệp đã nêu ra các ý kiến: nếu quy định đánh thuế nêu trên được đưa ra, vậy các tác động mong muốn và mục tiêu đặt ra có đạt được hay không, việc đánh thuế sẽ tác động đến xã hội, đến các đối tượng như thế nào...

Ông Hiếu cho rằng nếu lợi ích đạt được từ việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game là quá nhỏ hoặc không đạt được như mong muốn, nhưng những tác động tiêu cực cho các đối tượng trong xã hội quá lớn thì không nên áp dụng.  Còn về việc giảm tác hại của game, giảm chơi game, giảm nghiện game... liệu có đạt được khi dùng thuế hay không, khi trên thực tế thì người tiêu dùng ở Việt Nam vẫn có thể chơi game mà đây không phải là sản phẩm do doanh nghiệp Việt cung cấp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới