Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quản lý nhà nước đừng như… cha với con

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quản lý nhà nước đừng như… cha với con

GS.TS. Nguyễn Vân Nam.

(TBKTSG) – Cả hai trường hợp gần đây: chậm công bố hàm lượng đạm trong sữa và đề xuất tăng thuế nhập khẩu sữa đều là cách quản lý nhà nước không phù hợp. GS.TS. Nguyễn Vân Nam, Giám đốc Công ty Luật Nam Hùng, đã khẳng định như vậy với TBKTSG khi đề cập đến những tiêu chuẩn cơ bản trong hoạt động quản lý của một nhà nước pháp quyền hiện đại.

TBKTSG: Nhưng trước hết xin ông cho biết hiểu thế nào là quản lý nhà nước trong một nhà nước pháp quyền? Sở dĩ đặt câu hỏi này là vì dường như ở ta đây vẫn còn là một vấn đề chưa được nhìn nhận một cách thấu đáo. Thực tế cho thấy việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong nhiều lĩnh vực tỏ ra còn rất lúng túng, thay vì làm cái này lại làm cái khác và ngược lại.

Ông Nguyễn Vân Nam: Một nhà nước pháp quyền hiện đại là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Người dân trao cho nhà nước ấy quyền lực tối cao bao trùm xã hội và có tính cưỡng bức để hoàn thành những nhiệm vụ xác định. Về cơ bản đó là bảo đảm an sinh cộng đồng; giữ gìn an ninh trật tự; bảo đảm các quyền tự do của công dân; bảo đảm và phát triển phúc lợi xã hội; giữ gìn bản sắc dân tộc và hội nhập thành công.

Một trong những chức năng chủ yếu để hoàn thành các nhiệm vụ đó là chức năng quản lý của nhà nước. Bản chất hoạt động quản lý nhà nước là sử dụng quyền lực tối cao có tính cưỡng bức của nhà nước. Do đó, nhà nước pháp quyền không thể và không được phép quản lý xã hội công dân theo cái cách và với vai trò như một người cha quản lý con cái trong gia đình.

– Phải chăng, người cha ở đây là người cha theo tập quán Á Đông, có quyền áp đặt tất cả quyền năng lên con cái tùy theo ý thích của mình?

– Có thể hiểu gần gần như vậy. Nhà nước không thể như người cha, dù theo tập quán nào đi nữa, vì khi thực hiện quyền lực nhà nước nhằm mục tiêu được giao, các biện pháp quản lý luôn luôn có thể động chạm, ảnh hưởng tiêu cực tới quyền của các cá thể trong xã hội.

Ví dụ, một quyết định giải tỏa nhà đất để xây dựng công viên sẽ tác động đến những người bị giải tỏa; một quyết định đóng cửa doanh nghiệp để khắc phục ô nhiễm môi trường sẽ làm cho doanh nghiệp ấy bị thiệt hại… Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực có thể xảy ra với các cá thể trong xã hội, quản lý nhà nước phải tuân theo một số  tiêu chuẩn cơ bản.

Hơn nữa, là thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới và nhiều tổ chức quốc tế khác, Việt Nam có trách nhiệm xây dựng nhà nước pháp quyền như một điều kiện để có thể hoàn thành cam kết thực thi những tiêu chuẩn quốc tế tối thiểu trong quá trình hội nhập. Như thế, nhà nước pháp quyền không thể được xây dựng theo những nguyên tắc do mỗi quốc gia tự đặt ra, mà phải tuân theo một số nguyên tắc nền tảng chung. Ở Việt Nam, những nguyên tắc này hầu như chưa được nhắc đến; một vài điểm có được ứng dụng trong thực tiễn nhưng chưa được luật hóa.

– Vậy, những tiêu chuẩn và nguyên tắc ấy là gì?

– Một trong những tiêu chuẩn phổ quát để xác định nhà nước pháp quyền dân chủ là, mỗi một hoạt động của nhà nước trong quản lý đều phải tuân theo bốn nguyên tắc cơ bản, mà việc không tuân theo chúng sẽ khiến hoạt động này trở thành trái pháp luật và vô hiệu.

Một, là mục tiêu của hoạt động phải chính danh, có nghĩa mục tiêu đó phải được pháp luật cho phép. Hai, là biện pháp đưa ra phải thích hợp. Ba, là phải cần thiết, có nghĩa ngoài biện pháp đó ra thì không còn biện pháp nào có thể tối ưu hơn được nữa (để đạt mục tiêu). Bốn, là biện pháp phải thỏa đáng, nói cách khác là phải cân nhắc quyền lợi của người chịu biện pháp quản lý với quyền lợi chung của xã hội, của nhà nước theo hướng khi áp dụng biện pháp này thì tác động tiêu cực tới quyền của các cá thể được hạn chế ở mức thấp nhất và trong giới hạn họ có thể chịu đựng được.

Việc quyết định đóng cửa một nhà máy phun khói gây ô nhiễm môi trường là thích hợp để bảo vệ môi trường sống. Tuy nhiên, biện pháp ấy chưa chắc là cần thiết và thỏa đáng vì còn có biện pháp khác là xây dựng hệ thống lọc khí thải cũng có thế áp dụng để đạt mục tiêu này mà ít gây tổn hại hay xâm phạm quyền của đối tượng chịu biện pháp ấy hơn. Như vậy, một quyết định đảm bảo các tiêu chuẩn là ra quyết định buộc nhà máy nọ xây dựng hệ thống lọc khí thải thay vì phải đóng cửa nhà máy.

– Nếu áp những tiêu chuẩn mà ông đưa ra cho việc Sở Y tế TP chậm công bố thông tin về hàm lượng đạm trong sữa thì sẽ có “đáp án” thế nào?

– Trước hết, phải thấy rằng việc công bố hàm lượng đạm trong sữa là nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân. Mục tiêu này đã được quy định bởi Hiến pháp nên nó là chính danh. Biện pháp công bố thông tin để thực hiện mục tiêu trên cũng đảm bảo nguyên tắc thích hợp và cần thiết.

Việc Sở Y tế chậm công bố thông tin với lý do chưa có quy định, chưa có hướng dẫn là vi phạm nguyên tắc thỏa đáng, vì khi cân nhắc hậu quả hành vi ấy giữa vi phạm quy định (chưa có hướng dẫn mà cứ làm) với khả năng hiện thực gây nguy hại cho sức khỏe của cộng đồng một cách nghiêm trọng, vượt quá khả năng chịu đựng của họ, thì rõ ràng trước hết cơ quan quản lý phải thực hiện trách nhiệm hiến định.

Nhà nước không thể đặt quyền lợi của một cơ quan nhà nước lên trên quyền lợi của cộng đồng để nhằm bảo vệ một quy trình làm việc thay vì mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Trong trường hợp này, với biện pháp không thỏa đáng ấy, Nhà nước đã không hoàn thành trách nhiệm bảo vệ sức khỏe cho người dân.

– Còn với vụ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị tăng giá sữa nguyên liệu nhập khẩu, theo ông thì sao? 

– Cũng tương tự như vậy thôi. Thứ nhất, biện pháp đề xuất nói trên đảm bảo tính chính danh cũng như sự thích hợp vì nó nhằm mục tiêu bảo vệ ngành chăn nuôi bò sữa trong nước. Thế nhưng, biện pháp ấy không đem lại hiệu quả do nhiều nguyên nhân.

Sữa tươi nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng cho sản xuất chưa đến 20%, khi thuế nguyên liệu nhập khẩu tăng tất yếu sẽ kéo theo giá sữa thành phẩm trên thị trường nội địa tăng, đồng thời người chăn nuôi cũng sẽ yêu cầu tăng giá thu mua sữa nguyên liệu. Hậu quả là không chỉ người tiêu dùng bị thiệt hại mà bản thân người chăn nuôi cũng khó phát triển vì khi đã thỏa mãn với giá thu mua cao họ sẽ không quan tâm đến đầu tư công nghệ nữa. Trong khi đó, còn rất nhiều biện pháp tốt hơn như khuyến khích người chăn nuôi chuyên môn hóa, đầu tư công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất, chăn nuôi bằng cách hỗ trợ đào tạo tay nghề, kỹ thuật; cho vay tín dụng, mua dây chuyền; quy hoạch vùng, con giống…

Như vậy, tăng giá sữa là biện pháp không cần thiết. Hơn thế nữa, nó cũng không thỏa đáng vì quyền lợi của người chăn nuôi bò sữa lại được coi trọng hơn quyền lợi của đại bộ phận người dân. Đặc biệt, trong thời điểm nền kinh tế khó khăn sẽ có thêm nhiều người nghèo, trong đó có trẻ em và người già không có cơ hội được sử dụng sữa do giá tăng cao. Quyền được mua sữa của người dân nhằm bảo vệ sức khỏe rõ ràng bị xâm phạm nếu đề xuất của các cơ quan quản lý được thông qua, áp dụng.

– Ở trên ông có nói đến bốn tiêu chuẩn cơ bản trong quản lý của một nhà nước. Tuy nhiên, Việt Nam có điều kiện, hoàn cảnh riêng thì áp dụng thế nào?

– Mặc dù những tiêu chuẩn như tôi vừa nêu là phổ quát nhất nhưng chúng hoàn toàn có thể áp dụng tùy theo cách lý giải, mục tiêu của từng quốc gia. Ví dụ, ở châu Âu, hoạt động xây dựng, sửa chữa đường sá, gây tiếng ồn trong giờ nghỉ của người dân là không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, ở Việt Nam người dân vẫn không coi chuyện đó là nghiêm trọng và có thể chấp nhận nên Nhà nước có thể cho phép hoạt động này trong giờ nghỉ.

NGUYÊN TẤN thực hiện

GS.TS. Nguyễn Vân Nam hiện là Giám đốc Công ty Luật Nam Hùng tại TPHCM. Ông từng giảng dạy bộ môn luật cạnh tranh và sở hữu trí tuệ tại Đại học Tự Do Tây Berlin và Đại học Humboldt ở Berlin. Bằng tiến sĩ đầu tiên của ông là về luật hành chính công, sau đó vào năm 2000 ông nhận bằng tiến sĩ khoa học về luật tổ chức nhà nước và công pháp quốc tế. Năm 2002, tại Đức, ông được phong hàm giáo sư.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới