(KTSG Online) – Phát biểu thảo luận tại các tổ của Quốc hội diễn ra vào chiều ngày 24-10, các đại biểu Quốc hội cho rằng cần có những quy định, nghiên cứu xây dựng khung pháp lý quản lý tiền số để chống rửa tiền.
- Đề xuất bổ sung tài sản ảo, tiền ảo vào Luật Phòng chống rửa tiền sửa đổi
- Một số cân nhắc về xây dựng tiền số ngân hàng trung ương ở Việt Nam
Phát biểu đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi), ông Vương Quốc Thắng, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho biết, tiền số, tài sản số là một sản phẩm công nghệ xuất hiện phổ biến trong thời gian qua. Tiền số, tài sản số rất dễ dàng được trao đổi trên phạm vi toàn cầu nên nó là một kênh để tội phạm có thể lợi dụng rửa tiền, tài trợ khủng bố.
Nhấn mạnh tiền số, tài sản số có nguy cơ bị lạm dụng để thực hiện các hoạt động phi pháp, đại biểu Vương Quốc Thắng đề nghị, cần thiết phải nghiên cứu và xây dựng khung pháp lý để quản lý tiền số, tài sản số để ngăn chặn rủi ro. Bên cạnh đó, cũng cần phải mở rộng phạm vi đối tượng báo cáo là tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản số để tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan có thẩm quyền quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động này.
Cũng đề cập đến vấn đề liên quan đến tiền điện tử, ông Trần Tuấn Anh, đoàn đại biểu Quốc hội Khánh Hòa nêu rõ, đây là khái niệm chưa có trong các quy định pháp luật của chúng ta. Nhưng thực tế, trong hoạt động thực tế của kinh tế thế giới, rất nhiều quốc gia đã nhìn nhận và công nhận vai trò của tiền điện tử và thậm chí có cả những quy định cụ thể của pháp luật để điều chỉnh và đảm bảo vai trò của tiền điện tử. Tuy nhiên đây là khái niệm rất mới, do vậy dự thảo Luật cần phải định nghĩa và quy định thật cụ thể về nội dung này.
Bên cạnh đó, ông Tuấn Anh cho rằng, cũng cần nghiên cứu để quy định một số nội dung có liên quan đến tiền điện tử theo hướng kiểm soát được hành vi rửa tiền từ các đối tượng có yếu tố nước ngoài. Nhất là đối với những quốc gia, vùng lãnh thổ, quản lý kinh tế đã có công nhận pháp lý với tiền điện tử. Tuy nhiên cũng cần dựa trên cơ sở căn cứ pháp luật trong nước để đảm bảo tính khả thi và tương thích.
Liên quan đến quy định về trì hoãn giao dịch tại điều 44 của dự thảo Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi), vị đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa cho rằng, ban soạn thảo cần phải làm rõ cơ sở hợp lý để nghi ngờ và trì hoãn giao dịch, nếu không sẽ mang cảm tính và rất dễ bị lạm dụng. Tốt nhất nên quy định cụ thể ngay trong dự thảo luật để bảo đảm không hạn chế quyền con người và đồng thời phù hợp với Hiến pháp 2013.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng cần có những quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, trách nhiệm, điều kiện trì hoãn giao dịch, phong tỏa tài khoản, niêm phong và phong tỏa, tạm giữ tài sản để đảm bảo minh bạch, rõ ràng và tránh lạm quyền.
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) là một dự án Luật rất quan trọng, cần thiết và cấp bách. Trên cơ sở nền tảng của Luật Phòng, chống rửa tiền 2012 và những yêu cầu mới của thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế, Chính phủ cũng đã trình Ủy ban Thường vụ quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội (Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật) cũng đã góp ý cho dự án Luật này - cơ bản đã có tiếp thu, chỉnh sửa.
Trên cơ sở những ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu tại các tổ hôm nay và những phiên thảo luận về dự án Luật này trong những lần tiếp theo, ông Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ để chỉnh lý tiếp cho hợp lý, có những quy định cụ thể hơn.
Cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), các đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật hiện hành, nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước; đáp ứng yêu cầu hội nhập, thực hiện các điều ước, cam kết quốc tế, khắc phục những bất cập của luật hiện hành; bảo đảm an ninh, an toàn tài chính, tiền tệ quốc gia; góp phần đẩy mạnh và tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khắc phục thiếu hụt về cơ chế phòng, chống rửa tiền.
Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) có bố cục gồm 4 chương, 65 điều quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền; hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền...