Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quản lý ví điện tử và tiền di động: nguy cơ lớn từ sự ẩn danh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quản lý ví điện tử và tiền di động: nguy cơ lớn từ sự ẩn danh

Dũng Nguyễn

(TBKTSG Online) – Nguy cơ lớn từ các giao dịch ẩn danh có thể thấy rõ, nhưng việc các bên tham gia quản lý và kiểm soát thông tin định danh của người dùng như thế nào – đặc biệt là khi các nhà mạng tham gia vào cuộc chơi của ngân hàng – hiện còn chưa rõ.

Quản lý ví điện tử và tiền di động: nguy cơ lớn từ sự ẩn danh
Cập nhật thông tin định danh được cho là để bảo mật tài khoản và giao dịch tốt hơn. Ảnh: V.D

Trong những ngày gần đây, nhiều người sử dụng ví điện tử như MoMo hay Moca (trên ứng dụng Grab) nhận được thông báo cần đăng ký xác thực thông tin để tiếp tục sử dụng ví điện tử. Các thông tin được yêu cầu để xác thực rất chi tiết về nhân thân, bao gồm cả ảnh chụp mặt trước và sau của thẻ chứng minh nhân dân hoặc căn cước điện tử, hộ chiếu còn thời hạn. Ví điện tử của người dùng cũng cần phải được liên kết với tài khoản ngân hàng.

Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch Công ty cổ phần Dịch vụ Di động Trực tuyến, đơn vị sở hữu ví điện tử Momo, cho biết đây là yêu cầu xác thực nhằm thực hiện quy định trong Thông tư 23 của Ngân hàng Nhà nước (sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39 hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán).

Trên thực tế, việc chụp hình các loại giấy tờ tùy thân để tải lên các ứng dụng di động cũng khiến nhiều người lo ngại. Tuy nhiên, việc định danh này là bắt buộc. Theo đại diện ví điện tử, các yêu cầu xác thực này cũng sẽ giúp định danh khách hàng tốt hơn, bảo vệ tốt hơn cho các giao dịch.

Vấn đề định danh cũng được đại diện Ngân hàng Nhà nước chia sẻ tại một buổi họp báo về "Ngày không tiền mặt" mới đây. Theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán của Ngân hàng Nhà nước, loại hình thanh toán qua di động đang tăng rất nhanh nên cũng đặt ra yêu cầu cao hơn về bảo mật, do đó việc định danh khách hàng là sự bắt buộc.

“Nguy cơ lớn nhất trong giao dịch không gian mạng là sự ẩn danh”, ông Dũng nói, đồng thời ông cũng nói ví von không một kẻ trộm nào muốn để lộ danh tính trước khi hành nghề.

Không chỉ có mô hình hoạt động của Ví điện tử, một loại hình mới là tiền di động (mobile money) cũng sẽ được quản lý theo việc xác định đúng danh tính của người chủ tài khoản, ông Dũng chia sẻ thêm.

Trước đó, vào tháng 4, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện dự thảo và trình Chính phủ đề án này. Về cơ bản, mobile money là một tài khoản mà người dùng mở tại công ty viễn thông và có thể thực hiện nạp, rút tiền tại các cơ sở của đơn vị viễn thông này, có thể có hoặc không cần liên kết với tài khoản ngân hàng.

Hiện vẫn chưa rõ chi tiết của dự thảo về loại hình hoạt động mới này, nhưng theo vị đại diện cơ quan quản lý các tổ chức tín dụng, quy định sẽ không cho phép các tài khoản này nạp tiền từ thẻ cào, mà người dùng phải tiến hành nạp, rút tại tài khoản ngân hàng đăng ký. Hạn mức cũng sẽ không quá 10 triệu đồng/tháng.

Mối lo ngại về rủi ro trong loại hình giao dịch mới cũng được đặt lên trên, như ông Dũng chia sẻ, có đến 2/3 nội dung trong dự thảo là dành cho việc quản lý các rủi ro trong giao dịch, phòng, chống tội phạm mạng và các hành vi rửa tiền.

Theo báo cáo của nhóm tác giả của Viện Nghiên cứu và Đào tạo BIDV về dịch vụ mobile money, một trong những rủi ro chính của dịch vụ mobile money là dữ liệu của khách hàng có thể bị xâm phạm, dùng cho mục đích riêng hoặc gian lận.

Theo đó, nhóm nghiên cứu nhìn nhận cần phải ưu tiên xây dựng các quy định pháp luật về bảo mật, an toàn thông tin, dữ liệu, trong đó có quy định về chia sẻ thông tin – dữ liệu giữa cá nhân và doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp và đối tác, trong nội bộ doanh nghiệp và giữa các cơ quan quản lý. Ví dụ điển hình chính là thông tin định danh của khách hàng ở trên, liệu nhà mạng sẽ cung cấp cho các tổ chức tín dụng, hay quản lý theo kiểu nào cũng cần phải làm rõ.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy các hoạt động thanh toán không tiền mặt đang tăng nhanh ở nhiều kênh khác nhau, trong đó riêng hệ thống thanh toán của ngân hàng xử lý bình quân 17 tỉ đô la mỗi ngày. Tính đến cuối năm 2019, giao dịch qua kênh Internet tăng 64% về số lượng giao dịch và tăng 37% về giá trị giao dịch; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 198% và 210% về số lượng và giá trị.

Còn khảo sát của VISA ghi nhận có đến 74% số người tiêu dùng tại Việt Nam kỳ vọng sẽ tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt trong 12 tháng tới, do ngày càng nhiều nơi chấp nhận các phương thức thanh toán không tiền mặt, giúp người dùng thanh toán bằng các hình thức khác như qua thẻ không tiếp xúc, thanh toán trên di động hoặc thương mại điện tử.

Cũng theo khảo sát của VISA, hiện tại 37% số người tiêu dùng đang sử dụng thanh toán thẻ không tiếp xúc tại Việt Nam và 42% số người tiêu dùng thực hiện thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới