Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quảng bá du lịch ở thị trường khu vực

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quảng bá du lịch ở thị trường khu vực

Ông Baron R.Ah Moo.

(TBKTSG) – Ngành du lịch Việt Nam đang đứng trước những khó khăn mới do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Việt Nam cần phải có những biện pháp căn cơ để trở thành một điểm đến thực sự hấp dẫn cho du khách quốc tế.

Đó là ý kiến của ông Baron R. Ah Moo, Trưởng nhóm công tác về du lịch thuộc Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời là Tổng giám đốc Công ty Đầu tư khách sạn và khu nghỉ dưỡng Indochina, trong cuộc trao đổi với TBKTSG:

TBKTSG: Năm 2008, Việt Nam đã không đạt được mục tiêu thu hút 4,8-5 triệu du khách quốc tế như mục tiêu đề ra. Ông có đề xuất gì để giúp ngành du lịch cải thiện tình hình?

Ông Baron R. Ah Moo: Mục tiêu thu hút 5 triệu du khách quốc tế là rất tham vọng, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế thế giới đi xuống như hiện nay. Theo tôi, ngành du lịch Việt Nam vẫn còn phải vất vả trong việc trở thành thị trường du lịch hấp dẫn chừng nào Chính phủ chưa nhận ra những đóng góp thực sự của ngành cho nền kinh tế quốc gia, và cũng đầu tư tiền của, nhân lực như đối với các ngành tài chính, ngân hàng, sản xuất…

Lý do là vì ngành du lịch trị giá 4,5 tỉ đô la Mỹ đang tạo công ăn việc làm cho một trong mỗi chín người Việt Nam nên xứng đáng nhận được nhiều sự quan tâm và đầu tư để xây dựng thương hiệu.

– Nghĩa là đầu tư của Việt Nam cho ngành du lịch vẫn chưa đủ?

– Ngành du lịch hiện đã có ngân sách khoảng 2 triệu đô la Mỹ cho việc quảng bá và tiếp thị. Tuy nhiên, với một ngân sách như thế cũng khó có thể quảng bá hiệu quả cho điểm đến Việt Nam. Nếu năm 2009, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch có thêm ngân sách khoảng 20-30 triệu đô la Mỹ nữa thì theo tôi, Việt Nam nên có chiến lược quảng bá tập trung vào các thị trường khu vực như Đông Nam Á, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan (vì khách châu Âu và Mỹ đang gặp rất nhiều khó khăn do khủng hoảng kinh tế).

Ngành du lịch Việt Nam cần phải quảng bá các sản phẩm và dịch vụ tại những hội chợ – triển lãm du lịch, thông qua các tour khảo sát cho các công ty du lịch và báo chí, và có những chiến dịch quảng bá nhắm vào từng phân khúc thị trường.

Hãy nhìn sang các nước trong khu vực, hàng năm Thái Lan dành ngân sách khoảng 52 triệu đô la Mỹ để quảng bá du lịch, còn Malaysia thì chi đến 98 triệu đô la Mỹ. Nhưng dù với ngân sách như thế nào thì các cơ quan quản lý cũng cần thành lập một ủy ban chịu trách nhiệm đưa ra các quyết định và giám sát việc chi tiền sao cho có hiệu quả.

– Lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm liên tục trong các tháng qua và các công ty du lịch cho rằng thời kỳ khó khăn nhất vẫn còn ở phía trước. Ông có nghĩ như vậy không?

– Năm 2009 sẽ là một trong những năm khó khăn nhất mà ngành du lịch Việt Nam phải đối mặt. Điều này thật đáng buồn vì Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi để trở thành điểm đến hấp dẫn như vẻ đẹp thiên nhiên, di tích lịch sử – văn hóa, và cả sự mến khách của chính người dân… Tuy nhiên, chừng nào các cơ quan quản lý ngành du lịch còn chưa phối hợp tốt với các công ty tư nhân hoạt động trong lĩnh vực này để xây dựng một hướng đi chiến lược thì lúc đó Việt Nam vẫn còn là điểm đến thứ yếu.

Tôi tin rằng việc hợp tác giữa các cơ quan nhà nước và công ty tư nhân sẽ tạo ra một chiến lược tiếp thị và quảng bá đáp ứng được kỳ vọng của khách du lịch quốc tế, vì các công ty này hiểu rõ sở thích và tâm lý của du khách.

Nhóm công tác về du lịch đã đề xuất cần chiếu các đoạn phim ngắn quảng bá cho du lịch tại Việt Nam trên tất cả các chuyến bay đến Việt Nam, hướng dẫn cách làm thủ tục hải quan và nhập cảnh cũng như những chỉ dẫn về phương tiện đi lại, đối phó với những tình huống khẩn cấp… Ngoài ra, các hãng hàng không phải lên lịch và bán vé cho các chuyến bay nội địa trước ít nhất là sáu tháng vì các công ty du lịch và nhà tổ chức hội nghị muốn hoàn tất công tác chuẩn bị của họ ít nhất là sáu tháng trước khi sự kiện diễn ra.

– Gần đây Việt Nam đang có những bước đi tích cực trong việc đơn giản hóa và miễn thị thực nhập cảnh cho du khách đến từ một số nước, như Nga chẳng hạn. Ông nghĩ sao về điều này?

– Việc miễn thị thực nhập cảnh cho khách Nga cũng như việc Bộ Ngoại giao Việt Nam ủng hộ chính sách một thị thực cho toàn khối ASEAN là một quyết định đúng. Tuy nhiên, nhu cầu đi du lịch của khách Nga hiện đang giảm và chính sách một thị thực cho toàn khối ASEAN vẫn còn trong giai đoạn đầu. Nhóm công tác về du lịch đã đề xuất một chương trình tổng thể về thị thực như nộp đơn xin thị thực trên mạng, xin thị thực tại cửa khẩu, và cấp thị thực cho phép khách vào Việt Nam nhiều lần.

Du lịch cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giới thiệu và thu hút các nhà đầu tư. Nhưng nếu các nhà đầu tư từ Mỹ và châu Âu phải ngồi trên máy bay suốt 14 tiếng và rồi không thể xin thị thực nhập cảnh tại cửa khẩu hay hải quan, bị kẹt xe và phải trả giá phòng khách sạn tương đương với Hồng Kông thì chắc họ sẽ cân nhắc chọn Malaysia, Thái Lan hay Philippines để đầu tư.

MỘNG BÌNH thực hiện

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới