Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quảng Nam quy hoạch các con sông để phát triển kinh tế

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quảng Nam quy hoạch các con sông để phát triển kinh tế

Nhân Tâm

Quảng Nam quy hoạch các con sông để phát triển kinh tế

(TBKTSG Online) – Trong buổi gặp mặt đầu năm các doanh nghiệp mới đây, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết tỉnh Quảng Nam đang quy hoạch các con sông để vừa góp phần phát triển kinh tế vừa tạo cái hồn cho tỉnh miền Trung.

Một góc sông Trường Giang – nơi sẽ là "xương sống" trong quy hoạch phát triển kinh tế dựa trên các dòng sông của tỉnh Quảng Nam. Ảnh: TL

“Xương sống” sông Trường Giang

Trong đó, theo ông Thanh, phát triển kinh tế và cảnh quan hai bên dòng sông Trường Giang đóng vai trò quan trọng và là “xương sống” trong phát triển kinh tế trên các dòng sông của tỉnh Quảng Nam. 

Được biết, nhiều năm qua, Quảng Nam đã triển khai nạo vét sông Trường Giang ở một số khu vực thuộc huyện Núi Thành và hiện đang khảo sát, thu thập, tích hợp dữ liệu thông tin nền làm cơ sở để lập kế hoạch quy hoạch lòng sông, hai bên bờ sông một cách đồng bộ và quản lý hiện trạng tốt hơn.

Theo Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, dự án nạo vét sông Trường Giang có chiều dài tuyến luồng 60km, từ ngã ba An Lạc (thành phố Hội An) đến Cửa Lở (huyện Núi Thành). Ngoài nạo vét tuyến luồng, sẽ xây dựng kè bảo vệ tại các điểm xung yếu thường xảy ra xói lở. Ngoài ra ban này cũng đề xuất xây dựng 5 cầu bắc qua sông, gồm cầu Bình Dương, Hưng Mỹ, Tỉnh Thủy, Tam Thanh và Tam Tiến.

Ông Thanh cho biết dự án phát triển tích hợp thích ứng tỉnh Quảng Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu năm 2021, bao gồm xây dựng các hạng mục chính như nạo vét lòng sông, xây cầu vượt sông Trường Giang.

Dự án này sẽ được thẩm định chặt chẽ, đánh giá toàn diện các chính sách an toàn môi trường, xã hội, tái định cư; việc lập quy hoạch chung ven sông Trường Giang phải phù hợp với quy hoạch chung Khu kinh tế mở Chu Lai.
Theo một số doanh nghiệp, do đặc thù về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và lịch sử hình thành mà khu vực sông Trường Giang có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái,biển đảo, nghỉ dưỡng, cộng đồng và văn hóa tâm linh.

Cụ thể, khu vực sông Trường Giang và vùng lân cận nằm trong chùm 3 đô thị du lịch nổi tiếng của miền Trung như Huế, Đà Nẵng, Hội An với các địa danh nổi tiếng cả nước như Bà Nà, Hội An, Cù Lao Chàm, biển Mỹ Khê, khu di tích Mỹ Sơn… Tại khu vực này, có một số bãi biển đẹp, còn hoang sơ như bãi tắm Bình Minh (huyện Thăng Bình), Hạ Thanh ( xã Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ), bãi Rạng (Núi Thành), rừng ngập mặn cửa Đại, Cửa An Hòa…

Đây là những địa điểm có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng nổi tiếng của địa phương. Ngoài ra, các hoạt động văn hóa, sản xuất đặc trưng của người dân xứ Quảng cũng tạo nên những tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng ở nơi đây. Các tour du lịch cộng đồng là những trải nghiệm thú vị, đang là xu hướng mới và thu hút được nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khi kết hợp với các tour tham quan các địa điểm nổi tiếng của tỉnh Quảng Nam như phố cổ Hội An, khu di tích Mỹ Sơn.

Một chỉnh thế thống nhất các dòng sông

Bên cạnh sông Trường Giang, những con sông mà ông Thanh nhắc đến có thể kể là Thu Bồn, Tam Kỳ, Vĩnh Điện, Bến Vàng và Cổ Cò (nối liền Quảng Nam và Đà Nẵng). Và năm 2021 là thời điểm thích hợp để Quảng Nam bắt đầu xúc tiến quy hoạch và phát triển hoàn chỉnh những con sông này để có được một chỉnh thể thống nhất.

Trong đó, sông Cổ Cò khi được khơi thông sẽ tạo ra vùng đô thị kết nối giữa Đà Nẵng và Quảng Nam, Khu đô thị Điện Nam – Điện Ngọc kết nối khu đô thị mở rộng của Hội An sẽ góp phần phát triển du lịch từ Đà Nẵng tới Hội An.

Phát triển kinh tế, dịch vụ trên các dòng sông tại Quảng Nam là hướng đi mới cho tỉnh miền Trung. Ảnh: Nhân Tâm

Dự án khơi thông, nạo vét sông Cổ Cò bắt đầu từ năm 2003. Đến năm 2019, Đà Nẵng và Quảng Nam mới chính thức triển khai dự án khơi thông, nạo vét sông Cổ Cò. Khi Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng cùng nhau khơi thông dòng sông Cổ Cò (trong đó đoạn chảy qua tỉnh Quảng Nam dài 19,7 km) không chỉ sẽ mang lại lợi ích kinh tế mà còn có ý nghĩa lịch sử, văn hóa và nhân văn sâu sắc.

Trong một hội thảo được tổ chức vào tháng 1-2021, ông Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – môi trường, từng chia sẻ vấn đề quy hoạch và kiến trúc cảnh quan hai bên sông Cổ Cò là điều kiện cần xem xét trước, vì giá trị đất đai tăng thêm cao hay thấp là do yếu tố này tạo ra. Bên cạnh đó, một con sông được khôi phục sẽ tạo giá trị đất đai tăng thêm rất cao và tạo giá trị gia tăng do du lịch. Mặt khác dự án cũng tạo được tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ.

Bên cạnh sông Trường Giang và sông Cổ Cò, sông Thu Bồn cũng là một cái tên khá nổi tiếng của Quảng Nam.
Lâu nay, sản phẩm du lịch duy nhất gắn với đường sông được thị xã Điện Bàn khai thác trên tuyến Thu Bồn cũng chưa tạo được dấu ấn rõ rệt do chưa xây dựng được các điểm dừng chân hấp dẫn cho du khách. Trong khi đó, nhiều dòng sông có cảnh quan hữu tình, đặc biệt gắn với các câu chuyện, điển tích lịch sử hấp dẫn ở Điện Bàn vẫn còn bị bỏ ngỏ.

Được biết, ngành du lịch địa phương đang tập trung phối hợp xây dựng sản phẩm ở ba tuyến du lịch đường sông gồm: tuyến Hội An – Triêm Tây – Triêm Đông – Đông Khương – Gò Nổi – Mỹ Sơn – Hòn Kẽm Đá Dừng (sông Thu Bồn); Đà Nẵng – Điện Bàn – Hội An (sông Cổ Cò) và tuyến sông Hàn – sông Vĩnh Điện – sông Thu Bồn.
Và trong một tương lai không xa, theo nhận định của ông Lê Trí Thanh, việc phát triển đồng bộ các dòng sông sẽ tạo cái hồn cho Quảng Nam trong phát triển kinh tế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới