Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quảng Nam thúc đẩy phát triển du lịch gắn liền nông nghiệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quảng Nam thúc đẩy phát triển du lịch gắn liền nông nghiệp

Hà Linh

(TBKTSG Online) – Nông dân Quảng Nam sẽ đóng vai trò như mà một “hướng dẫn viên” du lịch trong mô hình phát triển du lịch gắn liền nông nghiệp.

Quảng Nam thúc đẩy phát triển du lịch gắn liền nông nghiệp
Du khách trải nghiệm làm nông dân tại Hội An. Ảnh: Hà Linh

Thông tin này được các đại biểu chia sẻ tại hội thảo “Phát triển du lịch sinh thái bền vững gắn với nông nghiệp, nông thôn” do Tổng cục Du lịch Việt Nam phối hợp cùng UBND tỉnh Quảng Nam và Báo Nông thôn Ngày nay tổ chức ngày 18-5 tại Hội An.

Các sản phẩm du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp là những sản phẩm du lịch mới ở Quảng Nam mang lại hiệu quả cũng như tạo được thiện cảm lớn cho du khách, nhất là thị trường khách châu Âu, Đông Bắc Á như: chương trình tham quan rừng dừa Bảy Mẫu Cẩm Thanh (Hội An); làng du lịch sinh thái cộng đồng Trà Nhiêu, Triêm Tây (Điện Bàn)… Du khách được trải nghiệm các hoạt động giải trí, đi xe đạp, đi thuyền trên sông, tham quan rừng dừa bằng thuyền thúng, nghỉ dưỡng trong những cơ sở lưu trú nằm giữa ruộng đồng, sông nước.

Ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam, cho biết các hoạt động du lịch sinh thái nông nghiệp của địa phương rất hút khách. Vào năm ngoái, thu nhập của ngành du lịch tỉnh đạt 9.200 tỉ đồng.

“Quảng Nam đã và đang là một điểm đến lý tưởng cho du lịch sinh thái, mang lại giá trị gia tăng cho nông dân bên cạnh những giá trị từ trồng trọt, chăn nuôi tại tỉnh”, ông Thanh nói và dẫn chứng nông dân sẽ là những "hướng dẫn viên" giúp du khách nước ngoài được trải nghiệm làm nông, trực tiếp tham gia trồng rau, trồng lúa, quay tơ dệt vải, thưởng thức các bài hát, trò chơi dân gian, hay được sống trong môi trường sinh thái cộng đồng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch, cho biết đã có nhiều sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp mới mẻ, hấp dẫn ở nhiều tỉnh thành trên cả nước như: tour một ngày làm nông dân ở làng rau Trà Quế, Hội An (Quảng Nam), tour du lịch miệt vườn sông nước Cửu Long, tour thưởng ngoạn ruộng bậc thang mùa lúa chín ở Mù Cang Chải, Sa Pa, Pù Luông, Mai Châu…

“Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, nhiều sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp hiện nay chưa đạt yêu cầu” ông Phương chia sẻ. “Nhiều khu du lịch sinh thái dịch vụ còn nghèo nàn, chất lượng thấp, mới đáp ứng nhu cầu của du khách ở mức đơn giản. Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại nhiều điểm du lịch sinh thái nông nghiệp chưa được đầu tư hoàn chỉnh, chất lượng chưa cao”.

Tại buổi hội thảo, đại diện đến từ các địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam và Lâm Đồng đã chia sẻ những định hướng, quy hoạch phát triển du lịch nông nghiệp có sự kết hợp chặt chẽ với du lịch sinh thái, cộng đồng, làng nghề để tạo nên sản phẩm khác biệt; lồng ghép du lịch sinh thái nông nghiệp trong quy hoạch quốc gia, vùng, địa phương và các chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân địa phương phát triển mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp, canh nông…

Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng chia sẻ với lợi thế phát triển về nông nghiệp và những vùng chuyên canh tập trung về chè, cà phê, rau, hoa… với quy mô lớn, tỉnh đã thành công trong phát triển các loại hình du lịch canh nông – sản phẩm hấp dẫn và thu hút khách du lịch.

Hiện nay, các tour du lịch đặc trưng về loại hình du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng gồm có: tour du lịch phục vụ hoạt động tham quan, học tập và nghiên cứu với các hoạt động nghe thuyết minh chi tiết về các quy trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; tham quan các quy trình từ cấy mô đến thu hoạch; tham quan, học hỏi về phương thức canh tác hữu cơ, cách thức chế biến và sử dụng các sản phẩm hữu cơ…; đối với tour du lịch trải nghiệm, giải trí du khách được tham gia các quy trình trồng, bón phân, chăm sóc, thu hoạch…

Ngoài ra du khách còn được thưởng thức hương vị của các loại rau, củ, quả tươi tại vườn, các lớp dạy chế biến món ăn từ nông sản… “Tỉnh đã tổ chức thẩm định và đã ra quyết định công nhận cho 22 mô hình du lịch canh nông đạt tiêu chuẩn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng,” vị đại diện này cho biết.

Trong khi đó theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đà Nẵng, việc tạo ra sản phẩm hữu cơ với sự phát triển đồng bộ, hiệu quả sẽ là một trong những điểm tham quan du lịch để khai thác tối đa, hiệu quả tiềm năng về du lịch của Đà Nẵng cũng như khu vực miền Trung-Tây Nguyên, đồng thời hiệu quả từ hoạt động du lịch nông nghiệp sinh thái sẽ góp phần tạo động lực cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ phát triển.

Riêng đối với thành phố Đà Nẵng, đến nay đã hình thành 6 cánh đồng lúa hữu cơ, diện tích gần 150 ha, sản xuất lúa hữu cơ đạt năng suất bình quân từ 65-75 tạ/ha, giá bán gạo hữu cơ cao gấp 2 lần so với gạo thường (hiện nay 20.000 đồng/kg) và thành phố đang tập trung mở rộng phát triển đến năm 2020 đạt 500 ha lúa hữu cơ, đồng thời tiếp tục phát triển, nhân rộng sản xuất hữu cơ trên các lĩnh vực chăn nuôi, trồng rau, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản…

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới