Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quảng Ninh, Ninh Bình và Bình Định hợp tác Cần Thơ để phát triển du lịch

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Ba địa phương Quảng Ninh, Ninh Bình và Bình Định đã liên kết cùng hợp tác với TP Cần Thơ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển du lịch. Đây được xác định là một trong những giải pháp quan trọng để khai thác hiệu quả du lịch khu vực và mỗi địa phương.

Chợ nổi Cái Răng, một trong những điểm du lịch hấp dẫn của TP Cần Thơ. Ảnh: Trung Chánh

Tại hội nghị xúc tiến điểm đến du lịch liên vùng giữa các tỉnh Quảng Ninh- Ninh Bình- Bình Định với các địa phương ĐBSCL diễn ra hôm nay, 13-9 ở TP Cần Thơ, ông Trần Song Tùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, cho rằng liên kết du lịch là vấn đề tất yếu đặt ra đối với mỗi địa phương nhằm khai thác lợi thế tiềm năng đưa ngành du lịch phát triển, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách địa phương.

Theo ông, liên kết vùng, liên kết chuỗi để phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng là một trong những giải pháp quan trọng để nâng tầm du lịch khu vực và của mỗi địa phương. “Ba địa phương Quảng Ninh, Ninh Bình và Bình Định có đặc điểm văn hoá, tự nhiên đặc sắc và hội tụ nhiều yếu tố để phát triển các loại hình du lịch di sản, sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hoá- lễ hội, du lịch biển đảo”, ông Tùng nói.

Cụ thể, Quảng Ninh là tỉnh ven biển vùng Đông Bắc bộ, nơi có Vịnh Hạ Long – một kỳ quan thiên nhiên thế giới; Bình Định có biển xanh, bãi cát trắng và nhiều di tích lịch sử văn hoá nổi tiếng. Còn Ninh Bình có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, là mảnh đất thiêng, từng là kinh đô của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam, gắn với ba vương triều Đinh, tiền Lê và Lý. “Đặc biệt, quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thiên nhiên thế giới, di sản hỗn hợp đầu tiên của Đông Nam Á”, ông Tùng cho biết.

Trong khi đó, ĐBSCL được biết đến là thế giới của miền sông nước, đồng thời, có hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển và rừng tràm đất ngập nước lớn nhất Việt Nam cũng như sự đa dạng về loại hình văn hoá, nhất là nghệ thuật đờn ca tài tử đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Từ những nét đặc trưng riêng ở mỗi địa phương nên việc “bắt tay” liên kết vùng, liên kết chuỗi để phát triển sản phẩm du lịch là điều cần thiết. “Thị trường khách du lịch ĐBSCL là một trong những thị trường tiềm năng và quan trọng đối với 3 tỉnh Ninh Bình, Quảng Ninh, Bình Định, đặc biệt trong giai đoạn các tỉnh đang xây dựng chiến lược để thu hút khách du lịch nội địa”, ông Tùng nhấn mạnh.

Ngược lại, với những nét đặc trưng riêng, ĐBSCL cũng có sức hấp dẫn đối với khách du lịch đến từ ba địa phương nêu trên và các vùng miền khác trong cả nước, nhất là khi hoạt động du lịch ĐBSCL đã có những chuyển biến tích cực, dịch vụ và sản phẩm ngày càng phong phú và có chất lượng.

Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết 8 tháng đầu năm nay, 13 địa phương ĐBSCL đã thu hút được khoảng 30 triệu lượt khách, trong đó có hơn 8 triệu lượt khách lưu trú. Điều này đã giúp mang lại nguồn doanh thu từ du lịch cho các địa phương vùng ĐBSCL hơn 21.000 tỉ đồng.

Các đại biểu tham dự hội nghị hôm nay, 13-9, ở TP Cần Thơ. Ảnh: Trung Chánh

Để việc “bắt tay” liên kết du lịch đạt hiệu quả, ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch thuộc Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, cho rằng đầu tiên phải tăng cường chiều sâu về quảng bá qua nhiều kênh về điểm đến, sản phẩm du lịch nổi trội của mỗi địa phương.

Sau khi đã quảng bá, thấu hiểu sản phẩm du lịch nổi trội của nhau, theo ông Siêu, chính quyền địa phương chỉ đạo các sở, ban ngành tạo điều kiện hơn nữa để doanh nghiệp du lịch giữa các địa phương kết nối, trao đổi toàn diện. “Đặc biệt, phải được tạo thuận lợi về cơ chế, chính sách cả về hợp đồng trung chuyển khách cũng như có chính sách khuyến khích, chương trình ưu đãi mở rộng hoạt động kinh doanh”, ông Siêu gợi ý.

Ngoài ra, các tỉnh trong liên kết cần hình thành hệ sinh thái du lịch theo các chủ đề về sản phẩm du lịch để kết nối Quảng Ninh, Ninh Bình và Bình Định với TP Cần Thơ và ĐBSCL từ sân bay, máy bay đến điểm đến, sản phẩm du lịch…, nhằm tạo nên chuỗi hoạt động du lịch hiệu quả. “Đây là chương trình phát triển mang tính chất lâu dài để tạo ra hệ sinh thái du lịch giữa những địa phương này”, ông Siêu nhấn mạnh.

Cuối cùng, theo ông Siêu, việc hợp tác, liên kết liên vùng cần duy trì thường xuyên, nhất là hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và thực hiện các chương trình xúc tiến quảng bá chung ở trong và ngoài nước cũng như tại các sự kiện chung.

Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Du lịch ba địa phương, gồm Quảng Ninh, Ninh Bình và Bình Định cùng lãnh đạo Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ đã ký thoả thuận hợp tác xúc tiến điểm đến du lịch liên vùng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới