(KTSG Online) - Tỉnh Quảng Trị vừa kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để triển khai dự án cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo và khu kinh tế thương mại xuyên biên giới Lao Bảo (Việt Nam) - Densavan (Lào).
- Thu hút đầu tư bán dẫn ‘nóng’ lên ở châu Á, cơ hội nào cho Việt Nam?
- Xe máy đang lưu hành chưa bắt buộc kiểm định khí thải từ năm 2025
Theo TTXVN, hai dự án này sẽ là trọng tâm phát triển của tỉnh Quảng Trị, đóng vai trò thúc đẩy kết nối vùng và hiện thực hóa mục tiêu xây dựng hành lang kinh tế Đông - Tây theo nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Trong đó, với tổng mức đầu tư lên tới gần 14.000 tỉ đồng, dự án cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo đã được tỉnh Quảng Trị kiến nghị ưu tiên bố trí từ ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 của ngành giao thông vận tải.
Tuy nhiên, quy định về tỷ lệ vốn 50/50 trong Luật Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), kết hợp với thời gian thu hồi vốn dài, đang khiến dự án gặp khó khăn trong việc huy động vốn đầu tư tư nhân, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
Để khắc phục tình trạng trên, tỉnh đã đề xuất một cơ chế đặc thù, tăng tỷ lệ vốn nhà nước lên 70% nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư và đẩy nhanh tiến độ.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Trị cũng đang tích cực triển khai đề án xây dựng khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan, một vị trí chiến lược trên hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC), nhằm thúc đẩy giao thương, kết nối Bắc - Nam và các nước Tiểu vùng sông Mekong.
Đề án hướng tới xây dựng một mô hình mới, nơi hai quốc gia cùng quản lý và phát triển một khu kinh tế chung, với cơ chế chính sách ưu đãi đặc biệt, đảm bảo bình đẳng và cùng có lợi.
Địa phương này đề xuất Chính phủ trình Quốc hội cho phép xây dựng một cơ chế đặc biệt, linh hoạt và ưu đãi để thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển dịch vụ tại khu kinh tế thương mại xuyên biên giới Lao Bảo - Densavan.