Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quay về quá khứ để bảo vệ môi trường nông thôn

Phan Thị Ngọc Thắng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Luật Bảo vệ môi trường 72/2020/QH14 có hiệu lực từ 01-1-2022 (Luật Môi trường), lần đầu tiên đề cập đến vấn đề bảo vệ môi trường ở nông thôn. Việc bảo vệ môi trường ở nông thôn như đang quay ngược bánh xe về thời quá khứ để tái hiện lại lịch sử bảo vệ môi trường ở nơi đó.

Nông dân đốt rơm, rạ sau mỗi mùa gặt. Ảnh: N.K

Theo quy định tại Luật Môi trường, hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại theo quy định thì khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi. Chất thải sinh hoạt hữu cơ, chất thải từ chăn nuôi, chế biến và phụ phẩm nông nghiệp phải được thu hồi, tái sử dụng hoặc làm nguyên liệu sản xuất.

Thêm vào đó là trách nhiệm hạn chế sử dụng, giảm thiểu, thải bỏ chất thải là sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học theo quy định. Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức hoạt động giữ gìn vệ sinh, cải tạo cảnh quan nông thôn; quy định về hoạt động tự quản về bảo vệ môi trường trên địa bàn nông thôn.

Tái sử dụng chất thải hữu cơ là câu chuyện quá cũ

Ngày nay rác thải ở nông thôn được dồn đống và có ở nhiều nơi. Người nông dân vẫn chăn nuôi, vẫn có chỗ thu gom phân để sản xuất, nhưng tất cả các chất thải đều xem là rác và thải ra môi trường. Chất thải thực phẩm, ngoài những thứ có thể đổ trực tiếp cho gia súc và gia cầm ở trong nhà ăn, thì được dồn hết vào bao rác và thải ra môi trường.

Chất thải hữu cơ là một nguồn sản xuất phân bón rất tốt. Người nông dân xưa kia gom hết những chất thải hữu cơ vào một góc vườn kín đáo thường gần khu vực chăn nuôi, nhà vệ sinh, khu vực ủ phân chuồng (phân của động vật nuôi trong nhà) để tạo ra loại phân xanh để bón ruộng. Một số gia đình còn đi cắt các loại cây dại có giá trị làm phân cao về ủ phân để chuẩn bị cho mùa vụ tới. Theo kinh nghiệm của người xưa, có những loại cây ưa phân xanh hơn các loại phân chuồng. Bón phân xanh các loại cây này cho năng suất và chất lượng sản phẩm cao hơn.

Khi phân bón hóa học tự nhận “bạn của nhà nông” thì nhà nông đi theo “người bạn” mới đó mà quên mất “người bạn cũ” của mình. “Người bạn cũ” bị vứt ra lề đường nơi tập trung rác thải để chờ một lúc nào đó được đưa về một nơi tập kết rác thải lớn hơn. Thật khó mà tìm lại dấu vết ủ phân từ những chất thải hữu cơ ở nông thôn hiện nay. Nó biến mất trong thực tế và cả trong tiềm thức của người nông dân như chưa từng tồn tại.

Cũng có một thời gian, nông dân rủ nhau ứng dụng công nghệ biogas từ việc ủ chất thải của gia súc và gia cầm. Thế nhưng phong trào này cũng lụi tàn nhanh chóng bởi vì nó chỉ phục vụ cho mục đích duy nhất là nấu thức ăn cho gia súc, gia cầm. Người nông dân không dùng nó để nấu ăn vì quan niệm nó được làm từ chất thải nên không phù hợp cho việc nấu ăn cho người.

Không sử dụng sản phẩm nhựa một lần là chuyện đã từng

Trước khi túi nylon tiện lợi tràn về nông thôn thì người dân đã từng có một cuộc sống không có bóng dáng của túi nylon. Ngày đó, những bó rau, bó mạ được buộc bằng những thân cây lúa khô, thân cây chuối xé thành sợi, thân tre chẻ thành sợi. Đồ ăn được gói trong những chiếc lá chuối, lá mùng (bạc hà), lá khoai môn hoặc là một loại lá to bản khác xanh mướt. Những món ăn đồ bằng chõ, chín bằng hơi luôn được lót một loại lá cây phù hợp khi mở nắp nồi tỏa ra một mùi thơm hấp dẫn.

Khi phân bón hóa học tự nhận “bạn của nhà nông” thì nhà nông đi theo “người bạn” mới đó mà quên mất “người bạn cũ” của mình. “Người bạn cũ” bị vứt ra lề đường nơi tập trung rác thải để chờ một lúc nào đó được đưa về một nơi tập kết rác thải lớn hơn.

Người nông thôn xưa đi chợ bằng túi cói, đồ dùng đan bằng tre. Một món đồ đó đi theo có khi cả nửa cuộc đời của người phụ nữ. Người phụ nữ đi chợ mua tất cả mọi thứ cần thiết bỏ vào đó. Sau mỗi lần đi chợ lại giặt sạch sẽ, phơi khô.

Lá chuối tươi, lá chuối khô dường như là những loại “giấy gói đa năng” trong cuộc sống của người nông dân. Một gói xôi ngày giỗ mang đi biếu cũng được gói cẩn thận trong miếng lá chuối sạch sẽ. Cầm gói xôi trên tay âm ấm, chiếc lá hấp hơi mềm ra và tỏa hương.

Giữ gìn vệ sinh thôn xóm đã từng là văn hóa

Ở nông thôn đã từng có một văn hóa vệ sinh đường sá thôn xóm. Thường thì vào thứ Bảy hoặc Chủ nhật định kỳ, đoàn thanh niên và đội thiếu niên mỗi xóm lại được huy động đi vệ sinh đường sá trong thôn. Đường được dọn cỏ, quét rác sạch sẽ, phát cây gọn gàng. Đường sá vì thế lúc nào cũng sạch rác và cỏ mặc dù đường đất hoàn toàn.

Đội thiếu niên và đoàn thanh niên xem đó như là một phần công việc của mình giúp giữ gìn làng xóm sạch đẹp. Bằng việc làm này, mỗi người ở nông thôn đã được giáo dục từ tuổi niên thiếu là phải giữ gìn vệ sinh lối xóm. Vì phải đi quét dọn đường thường xuyên nên hành vi xả rác bừa bãi ra đường cũng được hạn chế.

Cần một chiến dịch tuyên truyền khéo léo

Bây giờ Luật Môi trường yêu cầu người dân ở nông thôn tái chế chất thải hữu cơ, hạn chế dùng sản phẩm chất thải nhựa một lần, gìn giữ vệ sinh như đang đi tìm lại giá trị xưa. Giá trị xưa qua vài thế hệ đã bị mai một. Người trẻ thì không biết đến một cuộc sống nông thôn đã từng văn minh như thế, người lớn tuổi thì đã mất đi thói quen của một người nông dân thuần tuý sử dụng sản phẩm hữu cơ.

Để thực hiện được những quy định theo Luật Môi trường thì cần một chiến lược tuyên truyền thật khéo léo để kéo ký ức xưa cũ về lại với người lớn tuổi để họ thấy rằng, họ đã từng làm như thế. Việc tuân thủ pháp luật chỉ như là ôn lại một bài học cũ mà thôi. Để người lớn tuổi gọi về thói quen họ đã từng làm chứ không phải là quy định pháp luật đang bắt họ phải tuân thủ và gây phiền hà cho cuộc sống của họ.

Với người trẻ, cần một chiến lược để thấy được điều này đã từng tồn tại trên mảnh đất họ sinh ra và lớn lên. Việc tạo dựng thói quen mới, ứng xử mới theo quy định pháp luật là việc sống với giá trị cũ đã mai một. Người trẻ cũng cần được tuyên truyền để hiểu rằng, hành động bảo vệ của họ hôm nay là bước chuẩn bị cho tương lai tốt đẹp về sau của họ, con cháu đời sau của họ. Những ứng xử mới của họ sẽ là một bước chuẩn bị quan trọng để khi họ đến sống ở một đất nước khác có những ứng xử văn minh với chất thải, bảo vệ môi trường không bị bỡ ngỡ hoặc quá khó khăn.

Bảo vệ môi trường nông thôn một thời gian dài bị người dân và pháp luật bỏ mặc. Rác thải nông thôn được xả bừa bãi, bất cứ nơi đâu. Mỗi gia đình đều tự mình tìm lấy chỗ đổ rác, xa xa nơi có người dân sinh sống là được. Khi người dân phải chịu đựng những gì mà rác thải mang lại, sự dơ bẩn, hôi thối, ảnh hưởng đến cuộc sống của chính mình thì mới được giải quyết bằng việc thu gom rác thải định kỳ trong tuần.

Luật Môi trường có hiệu lực hy vọng được nghiêm túc thực hiện để cuộc sống ở nông thôn xanh, sạch và bền vững hơn. Việc tuyên truyền, thực hiện Luật Môi trường làm sao để làm sống lại những giá trị cũ bị lãng quên và làm cho nó tốt hơn chứ không phải là một mệnh lệnh hành chính khô khan khiến người dân cảm thấy áp lực, bất tiện.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới