Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quốc hội băn khoăn về nợ công

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quốc hội băn khoăn về nợ công

Ngọc Lan

Đại biểu Quốc hội quan tâm đến các khoản nợ công, nợ Chính phủ và nợ doanh nghiệp do Chính phủ. Ảnh:TL

(TBKTSG Online) – Nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ mối quan tâm và băn khoăn về nợ công cũng như việc kiểm soát nợ công của Chính phủ.

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên, ông Vũ Quang Hải và nhiều đại biểu Quốc hội khác trong phiên thảo luận ngày 27-5 đã đề nghị Chính phủ cho biết số nợ công là bao nhiêu, nợ Chính phủ và nợ doanh nghiệp do Chính phủ bảo lãnh đến mức nào để thực thi quyền giám sát.

“Tuy Chính phủ nói nợ quốc gia vẫn nằm trong giới hạn an toàn cho phép nhưng sắp tới sẽ ở ngưỡng mất an toàn vì đã vượt hơn 40% GDP là không thể yên tâm”, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) nói.

Trong phần giải trình vào buổi chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, cho biết: “Hiện nay vốn vay trung và dài hạn của Việt Nam chiếm 84,5% tổng số vốn vay. Vay ngắn hạn chiếm khoảng 13,1%… Phần Chính phủ bảo lãnh cho doanh nghiệp vay chiếm hơn 11% tổng dư nợ quốc gia”. Ông Ninh cho rằng những con số nói trên cho thấy cơ cấu nợ khá bền vững, và trong tầm kiểm soát.

“Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam không có nợ xấu, dư nợ như vậy là vừa phải”, ông Ninh nói thêm rằng việc vay nợ chủ yếu để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Ví dụ như dự án đường cao tốc TPHCM – Trung Lương, Chính phủ đã bố trí ngân sách trung ương để đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đưa vào sử dụng, bởi nếu không quyết sớm mà chờ bố trí vốn thì có thể bây giờ vẫn chưa hoàn thành.

Song các đại biểu Quốc hội cho rằng việc “khan” đầu tư là do hiệu quả đầu tư công thấp và đó là nguyên nhân dẫn đến nợ công, bội chi ngân sách lớn và chỉ số ICOR cao. Đại biểu Trần Văn Phát (Thanh Hóa) cho rằng tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2009 cao nhưng hiệu quả đầu tư thấp, chi phí trung gian cao. “Tình trạng chậm tiến độ đầu tư, ứng vốn cho các dự án công trình không đủ điều kiện không được giải quyết dứt điểm nên tiêu cực trong đầu tư công không giảm”, ông Phát nói và cho rằng số dự án treo giảm về số lượng nhưng quy mô lại lớn là một minh chứng.

Liên quan đến vấn đề nói trên, cũng có các ý kiến khác nhận định có thể do hệ thống tài chính ngân sách quốc gia từ trên xuống dưới và ngược lại còn thiếu trung thực và minh bạch, và đề nghị Chính phủ cần hình thành kỷ cương trong việc lập ngân sách (trung thực và minh bạch), đảm bảo bội chi, nợ công không vượt ngưỡng an toàn. Ông Trương Văn Võ (Đồng Nai) cho rằng đó là hậu quả của việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế không rõ ràng và tình trạng tăng trưởng GDP nhờ tăng đầu tư, thâm dụng tài nguyên, hiệu quả thấp của đầu tư từ khối doanh nghiệp nhà nước… Do vậy, ngân sách tăng thu thêm 52.000 tỉ đồng nhưng không thấm vào đâu so với bội chi là có thể giải thích được.

Ông Võ đề nghị phải làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm điều hành của Chính phủ về những vấn đề đã nêu vì mấy kỳ họp gần đây, Quốc hội thường búc xúc về vấn đề này. Hơn nữa, để giảm nợ công phải có lộ trình giảm bội chi và thay vì tăng đầu tư để đạt kết quả tăng trưởng, phải có những giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô lên hàng đầu.

Nhiều đại biểu cũng đề nghị Chính phủ phải sâu sát vấn đề giải ngân vốn, tránh phân bổ vốn cho các dự án không đủ điều kiện đầu tư.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới