Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quốc hội: Chính phủ cần ‘cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh’ trong dịch Covid-19

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quốc hội: Chính phủ cần ‘cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh’ trong dịch Covid-19

Vân Ly

(KTSG Online) – Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) 6 tháng đầu năm của Việt Nam ước đạt khoảng 5,64%, thấp hơn mục tiêu Chính phủ đề ra. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng đây là mức tăng trưởng tích cực trong bối cảnh khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Ủy ban đề nghị Chính phủ quan tâm một số vấn đề, trong đó thực hiện phương châm “cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh” để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, sẵn sàng chuẩn bị cho giai đoạn hậu Covid-19.

Sáng 22-7, tại kỳ họp Quốc hội thứ nhất, khóa XV, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội,  đã trình bày báo cáo thẩm tra về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 của Chính phủ.

Quốc hội: Chính phủ cần ‘cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh’ trong dịch Covid-19
Quốc hội đề nghị Chính phủ thực hiện phương châm “cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh” để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp. Trong ảnh là doanh nghiệp nỗ lực vừa duy trì sản xuất vừa phòng chống dịch. Ảnh minh họa: TTXVN

Ông Thanh nói: “Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 5,64%, thấp hơn mục tiêu đề ra. Tuy nhiên đây là mức tăng tích cực trong bối cảnh khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19”.

Thêm nữa, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, dự báo cả năm dưới 4%. Công tác chuẩn bị nguồn hàng, bình ổn thị trường được triển khai hiệu quả, cơ bản tháo gỡ khó khăn về tiêu thụ nông sản. Thu chi ngân sách nhà nước đạt kết quả khả quan, thu ước đạt 781 nghìn tỉ đồng, đạt 58,2% dự toán năm, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng chi cân đối ngân sách nhà nước ước đạt 694,41 nghìn tỉ đồng, đạt 41,2% dự toán năm, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường tiền tệ, ngoại hối, tỷ giá ổn định, tín dụng dần phục hồi, toàn hệ thống tăng 5,68% so với cuối năm 2020. Mặt bằng lãi suất cho vay giảm. Thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng được bảo đảm. Thị trường chứng khoán tăng cao, thu hút được nguồn vốn trong dân cư.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu có tốc độ tăng cao (tăng 32,2% so với 6 tháng đầu năm ngoái), chuỗi cung ứng cơ bản vẫn được bảo đảm, không bị đứt gãy. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục duy trì xu hướng tích cực. Tính đến ngày 20-6-2021, tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài (bao gồm FDI) ước đạt gần 15,27 tỉ đô la Mỹ, bằng 97,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Giải ngân vốn FDI 6 tháng đầu năm ước đạt 9,24 tỉ đô la, tăng 6,8% so với 6 tháng đầu năm ngoái, góp phần hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.

Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề

Ông Thanh cho hay, bên cạnh những kết quả đạt được, trong bối cảnh nhiều khó khăn, để nhìn nhận đầy đủ, toàn diện hơn tình hình phát triển kinh tế – xã hội 6 tháng, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề.

Thứ nhất, việc triển khai chính sách, thực hiện các gói hỗ trợ đã góp phần khắc phục những khó khăn trong đời sống của nhân dân, người lao động và hoạt động của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi tác động của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, việc triển khai còn chậm, chưa đạt hiệu quả mong muốn, tỷ lệ giải ngân thấp. Chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và khó khăn. Đặc biệt là người lao động trong khu vực phi chính thức, công nhân và các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Một số quy định hướng dẫn thực hiện chưa sát với thực tế hoặc rất khó thực hiện, thậm chí làm các địa phương tốn kém thời gian, nguồn lực để triển khai thực hiện. Do vậy cần được đánh giá kỹ hơn trong báo cáo của Chính phủ.

“Việc tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 được đặt ra rất cấp bách, Quốc hội đã khẩn trương ban hành Nghị quyết số 135/2020/QH14, tuy nhiên việc triển khai thực hiện chậm”, ông Thanh nói.

Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng chiến lược vaccine gặp nhiều thách thức. Chính phủ đặt mục tiêu 150 triệu liều vaccine để tiêm phòng cho 70% dân số, đến nay đã có cam kết và ký hợp đồng khoảng 105 triệu liều. Nhưng tỷ lệ dân số được tiêm chủng vaccine còn thấp. Nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam, có nguy cơ lỡ nhịp với nền kinh tế thế giới vì không có đủ nguồn cung và công nghệ sản xuất vaccine.

Sáu tháng đầu năm, xuất khẩu một số mặt hàng sang thị trường Mỹ gia tăng bất thường (tăng 42,6%) và nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc tiếp tục có tốc độ tăng trưởng cao nhất (tăng 53%). Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá rõ cơ cấu hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ và nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc. Kết quả công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, đầu cơ găm hàng, thao túng thị trường… về hoạt động thương mại khi phía đối tác áp thuế và thực hiện các biện pháp ngăn cản thương mại, việc áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam gây thiệt hại cho sản xuất trong nước.

“Một số ý kiến cho rằng xuất siêu của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Chỉ cần những tác động nhất định tới khu vực này (như tình hình ở Bắc Ninh, Bắc Giang thời gian qua), hoạt động xuất khẩu bị tác động tiêu cực, cán cân thương mại đã quay lại tình trạng nhập siêu”, ông Thanh nói.

Chi phí logistics ở Việt Nam vẫn còn tương đối cao so với các nước trong khu vực. Nhân sự có trình độ và đào tạo cho ngành logistics vẫn còn thiếu, chi phí cơ sở hạ tầng và phí BOT cao. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo cung cấp số liệu, làm rõ nguyên nhân thiếu hụt container, chi phí vận tải đường biển, hàng không đối với một số ngành hàng tăng cao so với thời điểm trước khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra.

Trong bối cảnh khó khăn, nhiều ngân hàng thương mại tiếp tục tăng trưởng lợi nhuận cao thể hiện những nỗ lực của ngành ngân hàng. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo đánh giá rõ nguồn thu của các ngân hàng từ dịch vụ khác, chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay, thu hồi nợ xấu và giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng… để xem xét tính bền vững của tăng trưởng lợi nhuận. Các khoản nợ xấu tiềm ẩn còn ở mức cao, nợ xấu nội bảng tiếp tục tăng trong quí 1-2021 (tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 4-2021 là 1,78%, tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng là 483,2 nghìn tỉ đồng, tương ứng tỷ lệ 4,71%). Dịch bệnh Covid-19 kéo dài có nguy cơ tác động xấu hơn đến khách hàng và khả năng trả nợ, tiềm ẩn rủi ro cho các ngân hàng.

Tiếp đến, mặt bằng lãi suất được điều chỉnh giảm nhưng chưa thực sự mang lại hiệu quả kích thích vay vốn cho sản xuất kinh doanh. Hoạt động của doanh nghiệp, hộ kinh doanh gặp nhiều khó khăn; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục tăng, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Đồng thời đã bắt đầu xuất hiện doanh nghiệp có quy mô lớn rời bỏ thị trường, phản ánh sức chống chịu của các doanh nghiệp ngày càng suy giảm…

Thị trường bất động sản tại nhiều địa phương xảy ra tình trạng sốt đất, đầu cơ đất, nhiễu loạn thông tin quy hoạch đất, nhất là các khu vực vùng ven các đô thị lớn. Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá về dòng vốn từ khu vực kinh tế phi chính thức cũng như dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực bất động sản, khả năng bong bóng tài sản và những rủi ro đến kinh tế vĩ mô. Phân tích kỹ hơn tình trạng các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu riêng lẻ gia tăng trong thời gian vừa qua với lãi suất cao (gấp gần 2 lần lãi suất huy động trong hệ thống ngân hàng), tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.

Phiên họp Quốc hội ngày 22-7. Ảnh: Quốc hội

Đặt trọng tâm vào các giải pháp cho 6 tháng cuối năm

Về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021 và các giải pháp điều hành mà Chính phủ đề ra từ nay đến cuối năm 2021, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như sau:

Xác định ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ hàng đầu; kiểm soát dịch bệnh là mục tiêu ưu tiên, kiên trì thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” phù hợp với tình hình thực tiễn. Thực hiện tốt chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa, phát triển “quỹ vaccine”. Công khai xây dựng và đẩy nhanh lộ trình mua và tổ chức tốt việc tiêm vaccine cho nhân dân. Trong đó, tập trung cho các đối tượng ở tuyến đầu phòng, chống dịch, vùng có nguy cơ cao, người lao động trực tiếp sản xuất ở các khu công nghiệp… Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, thí nghiệm, cấp phép và sản xuất vaccine ngừa Covid-19 trong nước.

Tăng cường kiểm soát hoạt động xuất, nhập cảnh, các trường hợp cư trú bất hợp pháp. Rà soát, hoàn thiện các quy định, quy trình, hướng dẫn để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả phòng, chống dịch, bảo đảm các địa phương vừa chủ động, linh hoạt nhưng không tạo sự chia cắt, tắc nghẽn hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa…

Triển khai hiệu quả hơn chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Duy trì và phục hồi hoạt động doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, tạo việc làm cho người lao động. Thực hiện phương châm “cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh” để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, sẵn sàng chuẩn bị cho giai đoạn hậu Covid-19.

Bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm và thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông sản. Chuẩn bị cho khả năng phục hồi các ngành, lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ quan trọng, xây dựng phương án tổ chức sản xuất và các giải pháp để đa dạng hóa, bảo đảm nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh, duy trì chuỗi sản xuất, cung ứng. Có các biện pháp điều hành xuất, nhập khẩu hợp lý, thúc đẩy, tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm trong nước; tăng cường kiểm tra, điều hành để bảo đảm cung – cầu hàng hóa thiết yếu, ổn định giá cả thị trường nhất là giá các nguyên, nhiên, vật liệu chủ yếu; xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tích trữ, đẩy giá, tăng giá bất thường.
Thực hiện tốt công tác quản lý thu, điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, thực hiện cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết.

Xử lý hài hòa, hợp lý mối quan hệ giữa lợi nhuận của các ngân hàng với khó khăn của doanh nghiệp, giảm lãi suất cho vay một cách thực chất. Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục để thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân vay vốn hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội chủ động, tích cực huy động vốn, giải ngân kịp thời nguồn vốn ưu đãi đến các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Giám sát, kiểm soát dòng vốn có xu hướng dịch chuyển sang các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán. Theo dõi, dự báo tình hình nợ xấu có khả năng phát sinh trong thời gian tới để có giải pháp phù hợp, đặc biệt là nợ được cơ cấu lại.

Nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật về đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ cao. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả giải ngân vốn đầu tư công. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư các dự án đầu tư công, nhất là đối với các dự án, công trình trọng điểm quốc gia có tác động lan tỏa lớn (dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường sắt đô thị Hà Nội và TPHCM).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới